Đ: Đức Mẹ bị móc mắt
Maik Cây
Đó là một Đức Mẹ sầu bi với đôi mắt bị móc. Nơi trước kia hẳn là cặp mắt thủy tinh lóng lánh giờ chỉ còn hai hốc đen nham nhở. Bà hướng gương mặt từ bi âm u ra một vùng biển xám. Giáp ngồi đó, trên phiến đá xù xì và trong hơi nước biển, dưới ánh sáng mặt trời liên tục suy tàn bởi vòng siết của mù sương và giữa tiếng sóng vô thủy vô chung, anh hướng gương mặt âm u từ bi của mình về gương mặt bà.
Giáp tự nhủ mình không có gì đặc biệt. Anh là một sinh thể mong manh mang tâm tính hiền lành, dáng người cao vút gầy gò và đôi mắt to rầu rĩ như mắt con chó con bị đánh. Anh đã già, người ta biết khi nhìn vào những nếp nhăn ở khóe mắt anh, ở cách anh cẩn trọng gắp thức ăn bằng một đầu đũa rồi đưa vào miệng bằng một đầu đũa, hay cái khăn mùi xoa gấp tám anh để trong túi quần. Anh bao nhiêu tuổi, anh không thể nhớ hoặc không muốn nhớ. Anh đã quăng phần lớn đời mình xuống những con bè ký ức trôi dạt qua vùng nước của lãng quên. Những con người như anh, không còn tham vọng cuồng điên, không còn ngấu nghiến đấu tranh, không còn quằn quại u mê, nhỏ nhoi và nhẹ tênh, anh là gì nếu không phải là vật chất của lãng quên?
Tất cả đã quên anh – vợ anh, hai đứa con gái anh, đôi ba những người bạn cũ. Sau mười năm bó gối trong căn phòng lạnh lẽo của một nhà tù ở miền Đông Nam vì tập thơ “lệch lạc” của mình, anh đã nghiễm nhiên được coi là một vết mực phai trên lược sử cuộc đời những người anh yêu. Cha anh đã đúng, rằng thơ ca sẽ làm tủi hổ đời anh. Không sự nhục nhã nào đau đớn bằng sự nhục nhã khởi sinh từ cái mà ta yêu. Anh thậm chí còn không nhớ nổi những vần thơ anh đã viết – những vần thơ đã luồn dây trói quanh cổ tay anh, siết gọng kiềm quanh cần cổ anh, ấn mão gai lên vầng trán anh. Thơ ca đã khốn nạn với anh. Anh đã yêu và đã bị lưỡi gươm bội phản xuyên thấu lồng ngực, nhưng trong những tháng ngày dài quá dài, anh vẫn nhẩm đọc thơ của những người đã chết và sẽ chết, như đọc thần chú, như nhẩm kinh kệ, như dệt những bùa chú bằng chữ nghĩa quanh mình.
Anh nhìn Đức Mẹ sầu bi mù lòa và bà nhìn lại anh. Bà soi chiếu anh bằng sự trống rỗng thăm thẳm của nơi đã từng là đôi mắt. Không ai đến cầu khấn bà đã nhiều năm. Bà là một Đức Mẹ bị bỏ quên trên một hải cảng đã bị nền kinh tế tập đoàn đánh sập. Lũ choai choai đã đến bên bà, ngồi hút thuốc dưới chân bà, phun sơn xanh đổ lên tấm váy đơn sơ của bà. Chúng viết “Địt con mẹ mày Tú ú ú”, “ma dờ phặc kớ”, “mlem mlem muốn liếm lolz em”, chúng viết “chán đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù đi tu”, chúng viết “khổ như chó vậy giết mẹ tôi đi”, chúng viết “born diz way”, “thug life”, “1+1 = 2+2 = 5”, chúng viết “banksy binz was here, fuckerz”, chúng đã hôn nhau hoặc sờ mó nhau và có đôi lần vụng về chịch nhau dưới nếp váy bà, chúng đã bật cho bà nghe Daft Punk, Wowy, Lana del Rey, Cá Hồi Hoang, Khánh Ly, Limp Bizkit, Kendrick Lamar và cả Thelonius Monk, chúng quàng lên cổ bà những vòng hoa làm từ đủ thứ rác rưởi kinh tởm, chúng khoác lên vai bà một cái áo da rách bươm có một con chuột chết thối rinh bên túi phải, chúng đặt lên bàn tay mở rộng của bà một lon bia đầy nước đái, một điếu cần sa quấn hoàn hảo từng ly, một chiếc nhẫn trẻ con gỉ xanh, một cái quần sịp in đầy hình mặt cười, chúng choàng lên tóc bà chiếc áo lót màu hồng tro của cô ả đêm qua chúng lóng ngóng hoan lạc cùng, chúng đội cho bà một bộ tóc vàng hoe khả ố và gọi bà là nàng Marilyn Monroe răng hô – dù rằng bà không hô. Ôi chao, bọn trẻ. Có một lần, một đứa trong số chúng đã cầu nguyện trước bà, nhưng nó xấu hổ vì sự yếu đuối của mình, nên bèn nhổ vào mặt bà ngay sau đó. Và phải, một đứa khác trong bọn trẻ, chúng đã móc mắt bà ra.
Giờ Giáp ở đây bên bà. Anh không cầu nhưng có lẽ là anh đang nguyện. Anh xin rằng cái chết hãy đến đón anh. Có những đêm thao thức không sao dỗ mình vào vũng tối của giấc ngủ, anh nằm mơ thấy bàn tay vợ mình. Bàn tay của một kẻ vẽ vời với những ngón gầy guộc lấm sơn. Người đàn bà sao mà trong ngần và mát lành trong tâm trí anh. Những cơn hồi cố về người đàn bà như những viên thạch đặt trên đĩa sứ, một món quà cúng dường cho ký ức. Người đàn bà hôn anh sâu như biển, sinh cho anh những đứa con kỳ diệu với tay chân tí hon hồng hào mà anh yêu, người đàn bà của những buổi chiều vắng lặng trong hồn. Người đàn bà đã ra đi.
Bây giờ trước Đức Mẹ sầu bi, anh nghĩ đến người đàn bà. Anh đặt đôi mắt người đàn bà vào hốc mắt trống và anh thấy vợ anh đứng đó, trong khổ ải, trong nhọc nhằn, trong kham nhẫn, từ tốn như sương, kín đáo như sương nhưng mù mịt vô phương như sương. Anh đã mất người đàn bà, thật vậy. Rồi những đứa trẻ, nhưng anh không còn mấy ký ức về chúng. Anh từng ru chúng ngủ bằng những câu ca dao buồn đau như cắt thịt da “chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều.” Giờ quê hương tâm hồn đã chết. Giáp lẳng lặng thu vén nỗi nhớ vào một nếp sóng lòng, chấp nhận rằng mình chỉ còn thoảng xa như mùi dĩ vãng, rằng mình có thể là đã chết, rằng mình có thể là muốn chết.
Anh cố đặt đôi mắt các con gái anh lên hốc mắt âu sầu trống vắng, nhưng chẳng gợi nhớ được đôi mắt nào. Mấy năm đã qua rồi từ ngày vợ anh gửi anh tấm ảnh chúng đi chơi trên bờ biển. Một bờ biển miền Đông Nam gần nơi anh chôn mình trong ngục. Chúng mặc những váy áo mùa hè dịu mát, cắt tóc ngắn và đội mũ nan dễ thương, móng tay móng chân sơn đủ màu sặc sỡ, cổ choàng những chuỗi hạt nhựa tự tết, miệng cười ngoác tận mang tai. Chúng dường như có thể bước ra từ tấm ảnh. Duy có đôi mắt là không thật.
Giáp không tin có máy ảnh nào bắt được con mắt người. Những ánh nhìn ám ảnh nhất qua khuôn hình tấm ảnh cũng chỉ là những ảo ảnh mà con người mất cả trăm nay để học cách tin, từ khi nhiếp ảnh ra đời. Nhiếp ảnh đã dạy người ta thâu nhận thế giới khác đi. Tấm ảnh mỏng manh như một cánh bướm đã xẻ thực tại làm đôi: một thực tại qua con mắt trần tục, và một thực tại biến dạng qua ống ngắm máy ảnh. Khi các con gái anh lớn, ắt hẳn chúng sẽ dành chín bảy phẩy năm phần trăm niềm tin của mình vào thực tại của ảnh chụp và ảnh động và âm thanh nhân tạo và thực tại tương thích với các tùy chọn của mỗi người dùng. Chúng khác anh, nhưng anh vẫn yêu chúng, dù tình yêu ấy có khác gì một cái cây gục đổ trong rừng sâu không một chứng nhân. Công án thiền là: cái cây ấy liệu có tồn tại hay không? Công án thiền là: tình yêu của anh liệu có tồn tại hay không?
Anh cầm tay Đức Mẹ, bàn tay mát lạnh ẩm rêu. Anh hỏi bà về khả thể tồn tại của tình yêu. Nếu tình yêu được phát đi không một người nhận, như trạm radio vẫn phát những bản tin thời sự tự động cho một thành phố ba triệu rưởi dân vừa bị thảm sát bởi một trái bom nguyên tử, thì nó có hiện tồn không? Nhưng, bà hỏi lại anh, chẳng phải tụng ca những tình yêu bất khả hồi đáp là chí nguyện của một kẻ làm thơ? Anh im lặng, anh tìm câu trả lời trong lòng bàn tay bà nhưng bàn tay nào có gì, không cả một vết mực lem.
***
Hiển nhiên đôi mắt ấy đâu phải đôi mắt biển sâu. Một đôi mắt nhỏ, lấp lánh. Đôi mắt như một tối mùa hạ không tên (thoảng hương xa vắng). Đôi mắt như trong một đôi mắt như trong một đôi mắt. Đôi mắt thủy tinh được thổi vụng về với những bọt khí tản mạn rầu rĩ. Đôi mắt xám mờ như khói, đôi mắt xám thẫm như biển mùa đông, đôi mắt xám nhờ như cái chết nở hoa trên làn da, đôi mắt xám trầm như mộng mị đời người bất toại. Đôi mắt xám như trong đôi mắt xám như trong đôi mắt xám. Hiển nhiên, đôi mắt ấy là đôi mắt biển sâu.
Khi anh đi dọc xuống con phố nghèo trải dài theo bờ biển, Giáp đã nghĩ về đôi mắt. Trong những giây phút cuồng vọng của một nhà thơ vụng dại hoàn toàn yếu sinh lý về mặt tinh thần ngoài đời thực, anh tưởng tượng mình chọc những ngón tay mảnh dẻ của mình vào hốc mắt lầy nhầy, lôi ra hai con mắt sống để lấp đầy hai hốc trống nơi đôi mắt Đức Mẹ. Máu sẽ chảy ròng ròng trên gương mặt từ bi âm u của bà, và ánh sáng cuối cùng sẽ chiếu trên gương mặt từ bi âm u của anh. Mặt trời đã tắt và đời người cũng hết. Máu của con tằm nhả tơ công chính sẽ thanh tẩy đền đài bị ô uế của giống người.
Nhưng phút cuồng tưởng qua nhanh. Tiếng những trẻ con làng chài gọi nhau í ới trên con phố làm anh tỉnh cơn mê. Chúng chơi một quả bóng nhựa xanh đỏ giữa con đường, một lũ lít nhít cả trai lẫn gái. Quần áo chúng mang những sắc độ nhạt nhòa như đường nét trên gương mặt sớm hằn nét khắc khổ của chúng. Một con bé cởi trần mặc váy ba lê bẩn thỉu đứng nhằn một cái xúc xích bên đường. Nó nhìn bọn trẻ chơi bóng không chớp mắt. Đôi mắt nó ti hí, sưng mọng – kết quả của một trận khóc lóc hẳn là thảm thiết. Đôi mắt nó bỏ xa lũ trẻ và rơi xuống anh, đột ngột và thiếu khoan nhượng như một cơn mưa rào. Nhìn thấy Giáp, nó hững hờ thò tay xuống cậy đất bẩn trong rốn. Anh ngồi xuống vệ đường, buồn rầu nhìn lại nó. Đằng sau con bé, rất xa xa xa đằng sau, Đức Mẹ bị móc mắt đứng xoay lưng lại loài người. Hoàng hôn đỏ ối làm vạt áo đơn sơ của bà nhuốm máu. Con bé nhận ra ánh mắt anh đã đổi chiều. Nó quay đầu loại, ngoẹo cổ nhìn Đức Mẹ, rồi quay lại anh với gương mặt không đổi biểu cảm. Trong vài giây, nó nhắm nghiền mắt lại, như đã hoàn toàn mệt mỏi với việc được sinh ra trên cõi đời giữa hải cảng hết thời này, như nhìn thấy tương lai tù túng nghèo hèn không thể tránh khỏi – mà có lẽ một phần sẽ được ghi dấu nơi vạt áo Đức Mẹ sầu bi kia - những người đàn ông hay đàn bà rượu chè đi qua đời nó, những đứa con phụ bạc, bộ xương giòn tan dễ gãy và hàng nghìn đêm mất ngủ của một tuổi già trơ trọi - có lẽ nó đã thấu thị cõi đời riêng nó. Nhưng vài giây ấy trôi qua, nó mở mắt ra, và nó lại chỉ còn là một con bé cởi trần, mặc váy bằng thứ vải tuyn phồng xòe, với cây xúc xích cắm nham nhở trên một que gỗ. Cuộc đời nhỉ như nó vốn là, như mọi điều xảy ra, cuộc đời là một nòng súng ấm.
Người đàn ông già bực bội khi anh hỏi mua mười lọ sơn xịt đen. Ông ta không có đủ mười lọ trong cửa hiệu bụi bặm của mình – cái cửa hiệu trông khổ và chán như ông chủ của nó. Anh mua hết sáu lọ còn sót lại, và một lọ màu thiên thanh. Anh mua vé tàu đêm, vào một quán cháo ngao ăn một bát cháo ngon đến chảy cả nước mắt, cái bát cháo ấy có lẽ là thứ cuối cùng còn tử tế với anh trên cõi đời này. Anh uống một ly rượu đế và khóc trong lòng dưới bộ mặt vô cảm khi nghe một bài nhạc sến trên TV vẳng lại. Anh tản bộ thật chậm về phía Đức Mẹ bị móc mắt.
Đêm đã đổ lênh láng trên hải cảng. Anh muốn sơn Đức Mẹ đen tuyền để bà có thể an nghỉ trong bóng tối. Anh muốn sơn hai hốc mắt màu xanh như mây trời để đôi ánh nhìn không còn trống trải. Anh muốn dìm mình xuống biển với một cái vé tàu trong túi, để khi người ta tìm thấy anh với chiếc vé tàu mục nát, họ sẽ chẳng biết nghĩ gì. Kẻ này đã tự giết mình ư, hay cuộc đời đã giết kẻ này?
“Giáp ơi.”
Anh nghe tiếng gọi. Anh quay đầu lại thì chẳng có một ai. Chỉ có anh và Đức Mẹ sầu bi đứng cạnh nhau giữa thế giới đã bị bỏ quên. Gió thổi làm chiếc túi nylon đựng mấy lọ sơn xịt trên tay anh kêu sột soạt. Anh thấy mình yếu đuối và bất toàn, như mọi kẻ mang danh tính người.
Con người cúi đầu, chịu thua. Con người nhớ ra một bài thơ của mình, nhưng thật ra là không hoàn toàn nhớ nó. Nó tuôn từ họng anh lên lưỡi rồi ngập ngừng ở đôi môi. Anh ghé người hôn môi Đức Mẹ, rồi hôn hai mắt bà, và những bài thơ bị nguyền rủa của anh chảy đầy vào hai hốc mắt trống ấy.
Nửa đêm anh đi bộ về nhà ga. Chiếc áo khoác anh đã choàng lên vai Đức Mẹ sầu bi, chiếc áo sẽ bị gió thổi bay xuống đại dương màu xám. Anh run lên từng chặp nhưng chẳng có gì để hối hận. Đằng xa, còi tàu hú dài như tiếng gọi của một thung lũng tối tăm.