Người sao biển
Nguyễn Vũ Hiệp
“Trái tim em đặt ở đâu?”
Nghe câu hỏi này, một con người – loài chúng ta – sẽ đặt tay lên ngực mình, lên ngực người đối diện, sẽ chỉ tay xuống đất hoặc về đường chân trời phía Nam, hay đôi khi sẽ lắc đầu và khóc. Nhưng người sao biển không như vậy. Mỗi lần tôi đặt câu hỏi ấy, những người sao biển tôi đã gặp đều hướng con mắt xanh lơ mơ màng về phía tôi. Người sao biển nhìn xuyên qua tôi, nhìn về phía biển, nhìn xuyên qua cả mặt nước và những đám mây, có lẽ nhìn đến tận cái miền tím chàm nơi chân không tối đen chạm vào khí quyển. Như bất cứ con sao biển thực thụ nào – nhánh gần nhất với họ trên tán cây tiến hoá – người sao biển không có tim. “Tim” của họ là mạng ống dẫn chạy đều khắp dọc các cánh tay, mơ màng đập chỉ sáu lần trong một phút, bơm họ căng tràn một thứ máu trong suốt chẳng vẩn chút màu đỏ hay xanh: nước biển. Biển chầm chậm xuyên qua họ. Và họ nhìn xuyên qua tôi. “Trái tim anh đặt ở đâu?” – họ thì thầm bằng những bong bóng bồng bềnh. Tôi đáp, nhưng họ không hiểu, và vì họ không hiểu trong lúc nhìn xuyên qua tôi, tôi bỗng dưng cũng không còn hiểu nữa.
“Em đến từ đâu?” – tôi lại hỏi. Họ thành thật đáp bằng cách chạm những ngón tay mình vào ngón tay tôi. Theo những thần thoại mà các tác gia Hy Lạp từng du hành qua bờ biển Anatolia ghi chép, từ thời thượng cổ, người sao biển đã mượn nhịp trăng rằm để tràn từ Erebus lên đáy biển, mượn nhịp thuỷ triều để tràn từ sóng biển lên gió, và mượn mùa gió để tràn từ bão biển vào câu hát dân chài. Họ khai khẩn các điềm báo và các giấc mơ – nơi họ xây lên các cổng tò vò, các ngôi đền, và các bàn thờ lấp lánh dao đá đen chờ dâng vật tế. “Anh đến từ đâu?” – họ hỏi, và đoàn quân Hy Lạp đâm dao tế vào ngực con nai thiêng. Khi tiếng bước chân của họ dần tắt dưới mái vòm của những cung điện dát vàng gãy đổ xứ Byzantine, nó bắt dầu vang vọng cuối hành lang các thư viện bụi bặm ở Florence, hay trong những thùng rượu dưới khoang con tàu tìm tân thế giới. “Suỵt!” – mỗi cánh tay của họ giơ một ngón trỏ, và tiếng kinh cầu tiếng bài giảng tiếng chợ chiều lép bép vang lên, che lấp câu chuyện trong tiếng hát ngư dân. “Anh đến từ đâu?” – tôi hỏi bạn câu này, nhưng khi bạn nhìn xuống những dòng tiếp theo, bạn sẽ tiếp tục đọc về họ thay vì tờ khai căn cước.
Những đêm cuối xuân gió to, khi cây gạo cuối đường không ngủ, khi chiếc cổng vòm đầu khu chợ vắng biến thành đồng hồ mặt trăng, bạn sẽ nằm nhớ mây đi và bạn nghe tiếng chân họ bước. Trăng du bóng họ đổ dài trên những con đường hẹp, đổ xuyên mặt tiền trong suốt của cửa hàng quần áo, cái bóng ướm mặt lên những mannequin. Trước hiên nhà, hoặc gần hơn nữa, người sao biển lạo xạo bước trong đêm, cứ như con nhện buồn ngập ngừng trên cầu thang xoắn quanh co là vành tai bạn, cho đến khi nó ngày càng đến gần màng nhĩ hơn thì dừng lại và lặng im đứng chờ. Mở cửa phòng nhìn xuống cầu thang đẫm trăng, bạn thấy ba tờ giấy nháp vo tròn nằm như sỏi im đáy suối.
Chắc gió đang thổi chúng lăn trên cầu thang, có thể. Bạn về phòng, nằm xuống, và gặp họ trong giấy nháp của ban mai. Đây một ngôi sao được chắp thành từ năm cánh tay phải – đôi khi mười, đôi khi mười nghìn. Những cánh tay vươn ra, nắm lấy một điều gì, kéo nó lại gần họ hơn, hay kéo họ gần hơn đến nó. Cái họ nhìn không xa cái họ sẽ có hoặc sẽ thành, vì mắt họ mọc như những mặt nhẫn trong suốt nhấp nháy đeo trên từng ngón tay. Khi bạn và họ nhìn nhau, bạn biết họ đang nhìn đi nơi khác. Có nhiều nơi khác, tất cả đều xa nên đều gần, đều lạ nên đều quen thân, tất cả đều là chân trời tròn họ ghi trong sách cổ. Hãy để họ tin vào cuốn sách ấy, và đừng kể với họ điều tôi đã đọc trong cuốn sách của chúng ta. Sáu thế kỷ trước, đám thuỷ thủ loài người từng dụ người sao biển nhìn vào vùng đất bên trong ngôi sao, vào xác thân họ, để họ tưởng mình là kẻ khác và cơ thể mình là một chân trời. Khi đó, những con mắt của họ sẽ chào hỏi nhau mãi như nhịp nhấp nháy của những ngôi sao. Rồi họ đi vào mãi, đi vào mãi, đi tìm cái thế giới bên kia năm cánh tay ôm của chính mình. Cuối cùng, họ tự chui sâu đến khi biến mất trong lỗ miệng của bản thân, vốn luôn há ra chờ ở trung tâm cơ thể.
Những lúc thư nhàn, khi không có gì cần nắm lấy và không có gì cần trở thành, họ êm ái buông neo trong trạng thái chờ đợi. “Em chờ đợi gì?” – tôi hỏi, và mi mắt họ dập dềnh sao chép lại những gợn sóng môi tôi. Không phải họ đang ngủ, không phải họ không làm gì. Dưới đáy biển nghi hoặc, hay ở góc phòng nơi hai ánh sao rã cánh giao thoa, những đầu ngón tay và con mắt họ im ắng chờ những cái chạm. Cái chạm của tia sáng từ những vảy cá màu bạc hoặc hồng, của ánh huỳnh quang vàng lục nơi đàn mực bơi qua hay nơi biển quảng cáo, của bong bóng trắng muốt vô nhiễm thoát thai từ những nòng đại bác và những cổ họng con người chìm xuống biển sâu. Cái chạm của ổ bánh mì có mùi rơm trấu và tro tàn, của nắng chiều có mùi mồ hôi trên tóc. Tất cả nhá lên một lần độc nhất rồi tắt lịm. Có cái chạm mới xảy ra và vẫn đang đau đẻ, có cái chạm ấm chất mùn mười lăm năm trước hoặc hoá thạch năm trăm năm, có cái chạm đang cựa quậy thụ thai trong trái trứng trong đầu – tất cả gợn trên bề mặt thể xác thay vì kết tủa thành bề sâu, tất cả mơn man thắp bừng những dây thần kinh chảy lan khắp cơ thể họ như một bộ não hình mạng lưới. Hoặc mỗi ngón tay của họ có một bộ não riêng, ở riêng một miền cái chạm. Chỉ khi nhiều bộ não trong một người sao biển cùng mê sảng vì một làn sóng cảm giác chung, chúng mới tìm đến nhau thì thầm và thêu dệt nên những bọt tăm nhận thức. Đám bọt ấy tan biến khi tìm được bờ – nếu chưa tan vì bị làn sóng kế sau trùm lên xoá sạch. Những lúc khác, lúc biển lặng thư nhàn, việc lắp ghép những cái chạm tách rời thành một hình thù, rồi xếp hình thù ấy vào một danh mục những cái tên, với họ sao mà mệt mỏi và méo mó. Một người sao biển từng gọi con mắt tôi và cái nhìn của nó bằng hai cái tên khác biệt, cả hai đều do họ đặt, vì họ không muốn nghĩ rằng một con mắt như vậy có thể có cái nhìn như kia. Trong một giờ rưỡi mà chúng tôi truyện trò, họ đã đặt mười bốn cái tên cho mười bốn ánh mắt khác nhau mà tôi sinh thành rồi giết chết.
"Nhất quán lên đi!" - tôi bảo người sao biển. Lời khẩn cầu ấy, mà chúng ta xem là chuyện nhỏ, đôi lúc lại khiến họ bị giằng xé thành những mảnh hỗn mang. Mỗi lần xếp những cái chạm tách rời trong không gian thành một hình và xếp những hình tách rời trong thời gian thành một vũ điệu được gắn cho tên gọi, người sao biển lại rùng mình; trong cái rùng mình ớn lạnh ấy bao nhiêu cái chạm của nhiều ngày giãy lên lần cuối rồi chết đi, chỉ để phải hồi sinh côi cút sau này, hồi sinh thành những bóng ma ngày càng méo mó.
Người sao biển có nhiều tim, như kẻ phản bội, vì thế vô tâm. Người sao biển có nhiều não, như một người điên, vậy nên vô não. Ta nghĩ vậy về họ, và đôi lúc về chính mình, vì những giới hạn trong ngôn ngữ và cơ thể của con người chúng ta. Hai mắt ta nhìn về cùng một hướng, nên ta tìm một con đường đúng để đi; hai chân ta bước về cùng một hướng, nên ta tưởng mình đang vô hướng khi lỡ đi chơi đa hướng. Ta tìm Một, vì Nhiều và Không đều hỗn loạn. Vậy nên ta biết người sao biển vô tâm. Hoặc biết họ có nhiều tim, nếu ta biết mình lầm. Tôi buồn rầu chọn một trong hai phương án vừa nêu, trong lúc họ nhìn cả hai bằng nhiều con mắt giương khắp thân mình và vươn đến cả hai bằng vô số chân toả đều như cánh hoa cúc.
Và tôi đã chọn, và tôi đã đổi. Và tôi biết họ không cần chọn mãi như tôi. Phải thế không? - tất nhiên không rồi. Tôi biết cách họ nhìn tôi khi đói. Mỗi người sao biển đói là một cá nhân, in-divi-dual, không thể chia nhỏ. Khi ấy, như một con người, họ tiến thẳng đến tôi và nhìn thấy cá nhân tôi. Bởi mỗi người sao biển chỉ có một lỗ miệng nằm giữa cơ thể, nơi từ đó những cánh tay toả ra kiếm mồi. Nơi chúng ta có một bộ não, có một trái tim, có một thân một mình, họ có một miệng ăn và có một tiếng nói.
Họ có một miệng ăn và có một tiếng nói. Vậy hẳn họ có một tấm lòng, đôi lúc quảng đại hơn ta. Tuy những samurai dám mổ bụng để cho chủ thấy lòng dạ mình giờ không còn đi trên mặt đất, mọi người sao biển, khi đêm xuống, vẫn kéo lê lòng dạ đến trước mắt mọi người. Khi một cái chạm mà da ta nếm lâu rồi bỗng cựa mình thức dậy trong trang giấy ta đọc hoặc câu chuyện ta nghe, ta đoán cánh tay của người sao biển đang kết tủa trong lòng mình và vươn ra chờ nắm. Ta nghe tiếng thì thầm mọc cành trong tai, nghe họ trút lòng như là ta trút lòng và họ muốn ta vì ta mong được họ muốn. Khi thuỷ triều thì thầm đã trầm ta xuống và kéo ta ra xa, ta hoá thành thì thầm, thành Nhiều và Không, thành người sao biển. Ruột gan của người sao biển là tiếng thì thầm tẩm đẫm từng ly cơ thể họ và vươn ra ngoài trùm lấy ta: họ có ruột ở ngoài và trong thân mình, có Một cỗ lòng dùng chung giữa họ, ở đó họ bị tiêu hoá hôm trước và ta bị tiêu hoá hôm nay. Mỗi người sao biển đều do một người sao biển khác tạo ra, nhưng tấm lòng chung của họ thì hằng tồn, tự tiêu hoá mình và tự thai nghén mình trong hội thoại.
Nhưng những người sao biển tôi quen chẳng màng tìm kiếm ý nghĩa của mình nơi tấm lòng. Họ cứ thì thầm luôn luôn, nên tôi e họ là ý nghĩa. Mỗi lần họ tìm, ý nghĩa bước cùng họ và chạy khỏi họ như chân trời bay cùng và trốn khỏi cặp mắt con chim. Con chim bay đẻ quả trứng vòm trời, mỗi dặm bay đổi một vỏ trứng mới. Đi dự tang lễ nhau, họ xây lâu đài cát; sóng xô lâu đài cát, dội lại, làm lệch biển. Khi người sao biển chết, tấm lòng họ vẫn còn, cái mất đi minh hoạ cái còn lại và cái còn lại minh hoạ cái mất đi, nên cái chết nào của họ cũng vô nghĩa, đa nghĩa, giàu ý nghĩa.
Nhưng cặp mắt con người – hai nhãn cầu mà tiến hoá và học tập đã kéo lại gần nhau tới mức gần như thần Odin một mắt – cặp mắt đó cần tìm xem ý nghĩa nào đúng nhất. Người sao biển đến từ đâu, đi đâu, vì sao? Khi một người sao biển chết, từng tiếng thì thầm người ấy đã thốt ra sẽ vĩnh viễn vang vọng và lang thang trong tấm lòng đến vĩnh hằng. Loài chúng ta có các nhà khoa học, các nhà thám hiểm tấm lòng, mà từ bờ bên kia của thời gian, họ đã lần theo dấu chân thì thầm về quá khứ. Để lùng bắt bóng ma của người sao biển đầu tiên, rồi ép khô thành một tiêu bản, một câu truyện có ba phần đầu, thân, đít – không giống sao biển nhưng giống người. “Có phải chuyện đã như thế không?” – tôi từng hỏi để xác minh; người sao biển cười giơ cánh tay của mình, cánh tay nào của họ cũng là tay phải.
Ngày xửa ngày xưa, khi chưa có người sao biển, năm người tiền sử đã nhìn nhau lâu đến mức họ nuốt chửng nhau, theo cái cách người sao biển hiện đại nuốt chửng bản thân khi tự nhìn ngắm mình. Vì họ muốn nhau, năm cơ thể nhập thành một cái miệng chung; vì họ có tài sản và cảm nhận riêng, năm tay phải chìa ra để nắm giữ. Mùa Đông, khi một tay nắm rơm bốn tay cầm tuyết, họ rì rầm trò truyện về những gì mình có và mình cần, qua một cái miệng chung đang kiếm tìm nhiều cánh tay hơn. Nghe gọi, những người mới lại gần, tay trái chạm vào nhau, tay phải buông trời tuyết. Họ thì thầm và thì thầm – về chuyện gì, không quan trọng, vì cớ gì, không quan trọng. Họ thì thầm vị thì thầm, không cần kết luận; bởi càng gọi nhau lâu, càng thêm đông người đến. Khi năm cánh tay phải cố bò về năm hướng khác biệt, chúng kéo người sao biển xoay tròn như một bánh xe và vĩnh viễn tiến lên. Hẳn bất đồng là đồng thuận sống chung, năm cánh tay chưa nắm trọn nhau nên vẫn còn muốn nắm; cánh tay nào thoả mãn chắc sẽ buông tay, nó sẽ bị bỏ rơi dưới biển cho mục nát.
Tay buông tay, ửng hồng, cầm bông tuyết. Lòng bàn tay có não riêng im lặng, trốn vào cái chạm, để tấm lòng chung vô não nắm thời gian. "Lòng em đặt ở đâu?" - tôi hỏi, và người sao biển thì thầm. Tôi đi lạc vào tấm lòng nên không tìm thấy nó.
Và tôi đan những ngón tay mình vào tay người sao biển. Để tìm đường ra, chúng tôi dựng nhà, cùng trốn vào cái chạm mà sống chung, mỗi người riêng một đời cảm giác. Như khởi thuỷ của sự sống, tôi thở bằng da. Người sao biển, loài Da Gai, đâm vào biển nhau những cắt chia mềm mại.
Còn tôi cắt đôi một người sao biển, trong phòng thí nghiệm. Tôi cắt họ thành hai nửa ngang bằng, mỗi nửa đều chứa lỗ miệng nằm ở điểm chính giữa của mặt dưới thân. Nhưng chỉ một trong hai nửa ấy có hậu môn – cái lỗ nằm ở mặt trên cơ thể, đối diện miệng, nhưng hơi lệch về phía rìa. Nửa cơ thể mất hậu môn sẽ chết đi, nửa kia mọc lại cánh tay và sống tiếp. Hằng đêm, tôi đến bên thì thầm, xin họ mau hồi phục. Một năm sau đó, tôi lột của họ mất một nửa bộ da. Họ giãy giụa, mọc thêm ba cánh tay mới, nhưng cả cơ thể chết đi sau một tuần. Tôi mang tiếng thét của họ ra khỏi phòng cách âm, đi nhờ tấm lòng chung của đồng loại họ chôn cất. “Điều này bình thường” – tấm lòng rì rầm an ủi. Cũng như họ, nhiều sinh vật không có tim và não, virus còn không có miệng và ruột, nhưng chẳng sinh vật và virus nào sống được nếu không có vỏ hoặc da. Cốt tuỷ của họ là bộ da đã mất, và cốt lõi của bộ da là lỗ hậu môn này.
Vì vậy, trên bia mộ tạc bằng một câu nói lang thang, tôi viết rằng họ đã ôm ấp cả thế giới khi khước từ cả thế giới.