Thơ: chớp điện xuyên mây hình tướng
Nguyễn Vũ Hiệp
Là kiểu giao tiếp vượt thoát khỏi ngữ pháp, lề luật và cái tôi, thơ không ngừng lên men các không gian cá nhân, xã hội và môi sinh đã giúp nó ra đời, để rồi không ngừng biến đổi nhờ chuyển động đa hướng trong các không gian vừa nêu, thay vì bị giới hạn bởi các tuyên ngôn thơ đã có.
Thơ được viết bởi ai?
Dù định nghĩa thơ theo các cách khác nhau, đa số chúng ta có thể đồng ý rằng thơ là một hình thức giao tiếp. Nhưng thơ có chỉ là một hình thức giao tiếp giữa người với người, hoặc giữa cá nhân với cá nhân không? – đáp án cho câu hỏi này không hiển nhiên như ta có thể nghĩ. Dù Ki no Tsurayuki cho rằng thơ đến từ trái tim con người, người Hy Lạp cổ đại cho rằng thơ đến từ các Muse, còn các nghệ sĩ Dada thì cắt chữ trên báo rồi xáo trộn chúng theo trật tự ngẫu nhiên để tạo ra thơ. Nhiều bài thơ được viết ra rồi cất trong ngăn kéo như lời độc thoại của một người, nhiều câu ca dao được viết ra rồi lan truyền như lời độc thoại của một dân tộc hoặc một giai cấp. Có những bài thơ tế lễ được đọc hằng tháng hoặc hàng năm để gửi thần thánh, có những bài văn tế được đọc một lần để gửi người chết, lại có những bài sấm ký mà người đọc tin rằng được gửi đến từ tương lai. “Thơ đến từ ngôn từ”, và “thơ là giao tiếp giữa ngôn từ với ngôn từ” – nhiều người có thể tìm một công thức tóm tắt như thế. Nhưng người ta đã biết đến những bài thơ bằng ảnh (photopoem), thơ bằng âm thanh vô nghĩa đi kèm trang phục và trình diễn (phonetic poem), hoặc thơ bằng phim. Thơ giao tiếp với hội hoạ và thư pháp trong tranh thuỷ mặc, giao tiếp với âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất và cốt truyện trong kịch Noh, giao tiếp với điện ảnh trong phim của Andrei Tarkovsky: “người gửi” và “người nhận” trong giao tiếp dạng thơ không bị giới hạn trong cá thể người hoặc trong từ ngữ.
Nhưng khi một người gửi thơ cho một người khác, hai người này có phải là hai chủ thể duy nhất tham gia giao tiếp không? Xét một cách chi li, cá nhân không phải là thực thể có khả năng tồn tại như tự chính nó. Cá nhân không tồn tại biệt lập: nếu bị nhốt trong hộp chân không khoảng 10 phút, y sẽ chết và ngừng làm thơ. Sẽ hợp lý hơn nếu nhìn cá nhân như điểm hợp lưu của các dòng chảy không khí, thức ăn, nước uống, thông tin… liên tục luân chuyển. Năm sau, có thể phân nửa số tế bào trong cơ thể y đã được thay mới, dù y vẫn mang vóc dáng không khác năm nay. Đồng tác giả của Tương Tiến Tửu có thể là Lý Bạch, Lão, Trang, người nấu rượu, và cộng đồng đã soạn những điển tích mà bài thơ trích dẫn. Nhưng nếu Lý Bạch sẽ chết nếu không có các vi sinh vật trợ giúp tiêu hoá ở đường ruột, và bầy vi sinh vật này chi phối cảm nhận về rượu sau mỗi lần uống, thì khuẩn tiêu hoá có phải là đồng tác giả của Tương Tiến Tửu không? Và khi Lý Bạch chứa những khuẩn tiêu hoá đã cộng sinh hoàn hảo đến nỗi không thể tồn tại ngoài cơ thể người, liệu khuẩn tiêu hoá có phải là một phần của Lý Bạch?
Tình huống kỳ lạ của Lý Bạch có thể trở nên dễ hiểu nếu chúng ta nhìn thực tại như một khối hỗn mang vô thuỷ vô chung, nơi vạn vật không sinh, không diệt, không ngăn cách, không tên, mà nối liền và nương tựa nhau để hiện hữu trong vòng quay chuyển hoá. Khối hỗn mang ấy đang được “đọc” và “viết” liên tục bởi các sinh vật, tức những cụm vật chất có khả năng thực hiện một thao tác ngôn ngữ – từ việc viết Tương Tiến Tửu cho đến việc tiến hành hoạt động trao đổi chất dưới tác dụng mã hoá của các RNA và DNA. Để tồn tại như một “sinh vật”, tức một chủ thể của hoạt động giao tiếp, cụm vật chất sẽ phải thực hiện cùng lúc hai chức năng đối nghịch nhau: một bên là chức năng ổn định (ví dụ: ngăn chặn dị vật bên ngoài cơ thể, điều hoà môi trường bên trong cơ thể, bài tiết các chất độc hoặc chất dư thừa); bên kia là chức năng thay đổi (ví dụ: ăn, uống, tiếp thu thông tin từ môi trường bên ngoài). Và vì hai chức năng vừa kể tồn tại ở cả các hội nhóm, giai tầng, quốc gia, có thể xem khuẩn tiêu hoá, Lý Bạch, thi giới, nước Trung Quốc thời Đường với bề dày văn hoá và lịch sử của mình, thậm chí cả hệ sinh thái địa phương… như những vòng chủ thể lồng ghép nhau, cùng soạn ra nhau và soạn ra Tương Tiến Tửu. Sao có thể nói thế, khi khuẩn tiêu hoá không hề chủ ý soạn Tương Tiến Tửu như Lý Bạch? Một hệ sinh thái giữ ổn định cảnh quan của mình không phải nhờ chủ ý, mà nhờ các sinh vật trong đó thích nghi với nhau; mỗi tế bào thần kinh người không chủ ý đạp xe, mà phản ứng lại môi trường và các tế bào khác; vậy nội tâm Lý Bạch tồn tại như tự chính nó, hay như một chuỗi ảo ảnh hình thành từ phản ứng của các tế bào riêng lẻ với môi trường bên ngoài và với nhau? Nhất là khi nhiều tác giả đợi bài thơ xảy đến trong tâm trí chứ không chủ ý làm thơ, còn Lý Bạch thì cần rượu làm mờ chủ ý của mình để có thể sống và viết?
Vì sao thơ gợi cảm?
Nhưng khi viết Nguyệt Hạ Độc Chước, Lý Bạch không chỉ giao tiếp với người, mà còn giao tiếp với trăng. “Người nhận” không chỉ là diễn ngôn về trăng ở đế quốc Đường, mà còn là thiên thể đã được ông “cử bôi yêu minh nguyệt” (nâng ly mời trăng sáng). Dù thiên thể này không thực hiện chức năng ổn định và thay đổi của một sinh vật, tính ổn định của chu kỳ trăng và sự thay đổi tròn khuyết mà giác quan Lý Bạch ghi nhận đã khiến ông xem nó như một chủ thể sẵn sàng tham gia giao tiếp dạng thơ. Người ta giao tiếp với trăng, với người chết, với tương lai… – bất cứ ranh giới nào ma sát với sức sống của họ, dù vùng vật chất bên trong ranh giới đó có hay không thực hiện hai chức năng sống như trong bộ da Lý Bạch hoặc trong màng tế bào của khuẩn tiêu hoá.
Theo cách ấy, như những thầy bói xem voi, chúng ta tuỳ tiện khoanh một ranh giới quanh những hiện tượng mà giác quan của mình quan sát được, rồi gọi hình tướng ấy là vật. Trong các chùa thờ Tứ Pháp ở Việt Nam, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi là bốn vị thần tách biệt, lại không liên quan gì đến mặt đất; người xưa không nghĩ rằng sét và sấm sinh ra từ sự trao đổi điện tích giữa mây và đất. Ta đặt tên cho ranh giới mình vẽ, rồi ký gửi sức sống của mình cho cái tên ấy để khai thác vùng vật chất bên trong, theo cái cách siêu thị đóng gói và dán nhãn lên một cành rong biển sấy khô. Sức sống ký gửi vào vật sinh ra ham muốn với vật, tình trạng thoả mãn hoặc bất thoả của các ham muốn sinh ra các hiện tượng cảm xúc. Thơ làm tan rã mạch lề luật, ngữ pháp và logic, hoá lỏng nội tâm con người, khiến các ranh giới mà họ đã vạch tự do trôi nổi đến gần nhau, giao tiếp để trao đổi sức sống cho nhau; từ đó tái phân bổ và chuyển hoá phần sức sống mà họ đã gán cho các ranh giới và tên gọi, nhằm đạt đến một trạng thái cân bằng mới bên trong nội tâm hoặc các không gian giao tiếp rộng hơn. Chính theo cách này, thơ tác động mạnh đến cảm xúc và suy nghĩ của cả người viết lẫn người tiếp nhận.
Trong bài Nguyệt Hạ Độc Chước, Lý Bạch không có bạn uống cùng dù ngày xuân sắp hết, đành vui uống vĩnh viễn cùng trăng và cái bóng của mình. Bằng phép ẩn dụ, Lý biến con trăng bất tử, vẹn toàn, tĩnh tại thành ranh giới bao bọc một hiện tượng rộng lớn trong nội tâm ông, mà ông ký gửi nhiều sức sống. Đó là “the Thing” của Lacan, là viễn cảnh về thiên đường và niết-bàn trong các tôn giáo, là một thoáng ký ức về cảm giác tuyệt đối trọn vẹn, khi lòng người không bị khuấy động và chia vụn bởi ham muốn hay thời gian. Khi lấy lại phần sức sống mà mình từng ký gửi cho những tha nhân vắng mặt, để chuyển nó cho cuộc rượu đang tiếp diễn giữa cái hiện tại của mình, cái tôi đang nhảy múa cuồng loạn trên mặt đất mà mình quan sát thấy, và cái trọn vẹn luôn đợi mình quay về thăm viếng ở bờ bên kia dòng sông thời gian, Lý Bạch đã hoà giải vài mâu thuẫn hiện sinh căn bản – như mâu thuẫn giữa cái hữu hạn của bản ngã và cái vô hạn của không thời gian, hoặc mâu thuẫn giữa chức năng ổn định và chức năng thay đổi của một vật đang sống.
Thơ hướng đến điều gì?
Nhưng thơ có cần hướng đến cái trọn vẹn, cái thiêng, cái bất tử, đến trăng rằm? Bóng tối trong dạ con là khởi nguồn và kết thúc của sự sống, chứ không phải đời sống tự thân; Nguyệt Hạ Độc Chước cũng không phải là dạ con, mà chỉ là một tử cung ký hiệu. Nhiều mâu thuẫn trong cuộc hiện sinh có thể được giải quyết bằng toà án dân sự, thay vì bằng cách ngồi thiền tìm niết-bàn. Chủ trương vừa nêu bó thơ vào một ranh giới hẹp, biến nó thành một sinh vật thực hiện chức năng ổn định tốt hơn nhiều chức năng thay đổi, vì thế dần yếu đi và tách khỏi dòng chảy sự sống. Sự sống là tổng các hoạt động giao tiếp, thơ là một dạng giao tiếp, và thơ mạnh khi nhiều chủ thể giao tiếp được bằng nó, vì nó cung cấp một lượng công thức giao tiếp đủ đa dạng để dùng cho các tình huống khác nhau. Họ có thể dùng thơ để tìm kiếm đồng thuận hoặc tuyên bố dị biệt, để bài trí sự hài hoà hoặc tạo ra một cú sốc. Một bài thơ đủ mạnh thường thực hiện cả hai thái cực đối nghịch vừa kể – vì mọi đồng thuận đủ mạnh đều dị biệt với các đồng thuận khác, và mọi cú sốc đủ lớn đều giúp thiết lập một trạng thái cân bằng mới, dù cần thời gian. Các nhu cầu giao tiếp khác nhau đã sinh ra các thẩm mỹ thơ khác nhau – từ thơ haiku tìm kiếm sự hài hoà giữa cá thể và toàn thể, đến thơ lãng mạn hoà giải lý trí và tình cảm bằng ngôn ngữ trữ tình mạch lạc giữa các chủ thể cá nhân, hay thơ tượng trưng tìm kiếm những công tắc cảm xúc tối hậu dường như tương ứng với các nguyên mẫu của Jung, hoặc thơ siêu thực gọi hồn những dị biệt từng bị lý trí và luật lệ đẩy xuống tầng vô thức… Vì viết là xác nhận một thẩm mỹ, hành động viết không biểu đạt tình cảm “sẵn có” của chủ thể, mà tái kiến tạo các chủ thể tham gia giao tiếp – tức là giúp họ viết lại bản thân. Vì mỗi lần viết và đọc đều tái thiết lập cả thẩm mỹ thơ lẫn người đánh giá thơ, không có lối làm thơ tuyệt đối đúng; mỗi giao tiếp thơ tự xác nhận bản thân mình, trong khi mạng lưới giao tiếp của đời sống đang diễn ra có thể sẽ duy trì hoặc loại trừ bài thơ đó.
Thơ hướng đến điều gì? – mỗi giao tiếp thơ sẽ tự lựa chọn. Vì mỗi bài thơ là một hệ mạch để tái phân bổ sức sống, thơ hướng về những ranh giới được giao tiếp thơ chuyển sức sống cho. Khi Basho kêu gọi độc giả “trở về với thiên nhiên”, Hoàng Cầm nói mình “lao động tình cảm” bằng cách xây dựng đời sống cảm xúc với gia đình, xóm làng, đất nước, nhân loại, Trần Dần viết rằng mình “đồng nhất Thơ vào Chữ”; họ hiểu thơ của mình hướng đến những vòng chủ thể tham gia viết – như sinh quyển, các cấp độ tổ chức người, ngôn ngữ, và cả diễn ngôn thơ. Theo tôi, một nhà thơ có thực lực là người hiểu rõ những chủ thể tham gia viết, bao gồm cả bản thân, để kịp thời cung cấp cho số chủ thể này những mạch dẫn thông suốt.
Thơ là gì?
Nhưng hiểu biết về một chủ thể có gói gọn trong chữ nghĩa và kinh nghiệm giác quan? Vì sao các nghiên cứu tâm lý học về trạng thái trọn vẹn và tĩnh tại tuyệt đối không thể đưa độc giả vào trạng thái này, còn một câu thơ tả trăng lại có thể? Mỗi hình tướng chỉ là một ranh giới mà con người vạch lên thực tại, mỗi tên gọi chỉ là một nhãn dán trên hình tướng, tên gọi và hình tướng không đồng nghĩa với thực tại vật chất và tinh thần mà chúng bao bọc, bởi thực tại là một vùng hỗn mang liền mạch, nơi các ranh giới liên tục va chạm và chuyển hoá lẫn nhau. Vì giao tiếp bằng lời được tạo thành từ chuỗi từ ngữ mã hoá hình tướng, luôn có một phần thực tại mà các câu đơn nghĩa để vuột mất.
Để gia tăng hiệu quả biểu đạt của giao tiếp, không biết từ bao giờ, người ta đã vạch ranh giới giữa hai loại giao tiếp song song tồn tại. Một bên dùng ngôn ngữ đơn nghĩa, chính xác của bộ máy hành chính và các chuyên môn, bên kia dùng ngôn ngữ đa nghĩa, mơ hồ, giàu tính khơi gợi của các giấc mơ, lời tiên tri, dụ ngôn tôn giáo hay tác phẩm nghệ thuật. Trong lịch sử, mỗi lần ranh giới của hành chính và chuyên môn tìm cách bao trùm ranh giới của tôn giáo và nghệ thuật, người ta lại ưa chuộng những bài thơ đơn nghĩa có chức năng tuyên truyền lề luật hoặc ca tụng chức danh. Nhưng vì các bộ máy hành chính không tồn tại lâu dài bằng ranh giới đã vạch giữa ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ thơ (một sự phân công lao động giúp giao tiếp được thông suốt và đời sống được chảy trôi!), trong dài hạn, sức căng bề mặt giữa hai ranh giới sẽ ủng hộ loại thơ giàu sức gợi.
Để thơ chạm đến phần thực tại nằm ngoài ngôn từ và hình tướng, mỗi thẩm mỹ thơ sử dụng vài phương thức khác nhau. Thơ haiku mở ngỏ khoảng trống giữa hai hình hài, nhà thơ siêu thực đẩy mình vào trạng thái hành động theo vô thức, thơ Dada dùng lại các mảnh ghép từ thế giới vật lý và từ chối xếp chúng theo trật tự hợp lệ, thơ trình diễn tận dụng tương tác trực tiếp giữa các cơ thể người với nhau… Trong mọi trường hợp, cuộc va chạm giữa các ranh giới trong văn đàn và trong xã hội sẽ tiếp tục sinh ra các quan điểm khác nhau, về việc thơ là gì và thơ hay thì phải thế nào; và bài viết này chỉ là một quan điểm trong số đó.