lũ thành thị chúng mình buồn nhiều

*Ghi chú từ đội-ngũ: bài đã được format lại để phù hợp với Web; nếu bạn muốn đọc format nguyên bản của tác phẩm, mời xem bản PDF này. Xin cảm ơn.

1. Theo nhau vào rừng 

cây ở Ba Vì một ngày hè nắng nhạt.   

Tôi nhìn vào mảnh nhỏ lưng cô di chuyển 

qua các bậc thang lên đỉnh đồi. Hai vai nghiêng ngả


đường đi 

              chợt 

                   khúc 

        khuỷu; tôi nghĩ 

       mãi  

tại sao cô đi

chẳng bao giờ nhìn lại 

hay tự hỏi

phía sau có ai đi theo




Thế nào mà chả sống, cô nói

Cô đã quen với tiếng phanh

khẩn cấp tấm tách hàng giờ 

trong con xe của bố; chờ đợi 

trong những chuyến đi vòng 

quanh thành phố đêm 



Khi tôi gạt cần xinhan đường

cô lẩm bẩm “ôi cái âm thanh 

này.” Như thể cô bị ném vào 

quá khứ, lại mười hai tuổi, 

sắp không còn mẹ. 


Sắp không còn cha vì những

người nữ ngày một trẻ, gần 

tuổi cô hiện tại, hay là tuổi 

mẹ cô hồi xưa.











Nên chắc một lúc nào cô          quyết định

      phải đi mà không 

                               nhìn lại.




2. Tôi luồn ngón tay vào lòng suối

khuấy cặn đất đục ngầu dòng nước mát

đã nuôi dưỡng những nhúm rêu xanh

không có mắt nào phản chiếu lại

chỉ có tiếng nước chảy róc rách, rầm rì

tôi muốn oà khóc

nước mắt mẹ hiền không tắm mặt con thơ


Mẹ — một bóng ma

giờ trú ngụ trong thân;

Cô yêu những lồng ngực đàn bà cô còn nhớ được.

Tình yêu sau cái chết vừa khó tìm vừa khó giữ. 

Mẹ tôi tiếc thương

sự thiếu mẹ của bản thân

Tuổi thơ Việt mất đi trong chiến tranh, 

không thể tưởng tượng ra cũng không thể nói

cho những đứa con gái quyết xa nhà

Mẹ yêu tôi theo lối duy nhất

bà biết được: tránh tôi khỏi 

những điều bà cho là nguy hiểm

như

hố bom bi chưa nổ

tai nạn ô tô

và tình dục trước hôn nhân.


Có lần mẹ hỏi nếu

tôi thích nữ hơn nam và tôi không muốn trả lời. 

Tuổi thơ chúng ta bởi cùng mất đi, 

những người nữ đã và không sinh sản, 

sự thông cảm hay khóc thương thì quá yếu mềm 

đối với những người biết về cái chết.

Tình yêu và sự vẹn nguyên đã luôn phải là

một lời cầu nguyện.



Tôi hít vào vọng gió

đong qua những viền núi thẳm

Hơi thở cô hẳn đã tràn ra từ khoé miệng 

hơi hé mở, nơi bờ môi ở tạm sau một nụ hôn.







Tôi dừng lại đằng sau, nhìn và nhìn mãi


cho đến khi cô tan biến vào hơi sương


thì mới hối nỗi hồi hương.





3. Ánh nhìn lấy trộm của cô, tôi bỏ vào túi ngực

chờ lên nước ảnh

trong căn phòng tối phía bên trong cánh tủ

Rồi tôi giữ cô ở đó

cùng một trăm bài thơ và một 

trái tim vỡ vụn

Mọi thứ tươi sáng đều đã chết

nhưng cô vẫn sống còn.




(Thanh thiên buổi hẹn cuối cùng

Tôi đi biệt xứ, hạ đông không về).




4. Tôi đi qua các đường biên      Bản đồ thế giới     trải dài trên da thịt    Tôi mang cô theo đi cùng 

cái bóng của mình         sang các thành phố lạ      nơi những bầu trời  thì    u uẩn và những buổi 

chiều     có mùi mồ hôi trộm        của khách qua đường        Tôi nhớ cô khi nghĩ đến     những nơi 

tôi chưa từng đi     những xa lộ ngút ngàn nhiều dặm      đại lộ I-5 chạy từ phía Bắc tới phía Nam 

châu Mỹ     Canada tới tận Chile.       Nhớ đến cô      khi mắt tìm vào phản chiếu vì mong một 

dạng hình    quen thuộc     ở một khu phố không quen    — tìm trên cửa   kính xe         cửa sổ 

drive-through đồ ăn nhanh        cánh cửa siêu thị        bề mặt kim loại của các mặt hàng. Tự như 

cô ở một chân trời nào đó, mắt nhìn vào          tấm gương phòng vệ sinh        khách sạn.      mặt 

hồ lóng lánh,  bầu trời trong gương kính xe máy,      hình ảnh chúng ta có    trùng vào nhau     và     

nhìn vào nhau        trong cái           hiện thực      nơi       một trong hai ta       phải            biến mất?




Khi mắt mình gặp nhau,

chúng đi tận đâu?


trong cõi mộng

cô có bao giờ gặp tôi phía trước 

cầu thang đá lên đỉnh đồi Ba Vì

cứ chạy dài mãi mãi. Tôi muốn tìm

một câu trả lời trong

giấc mơ tỉnh táo. Tôi

không dám nhận thức, hy vọng rằng nếu vẫn còn mơ, 

xin cho tôi có thể cấu tạo hình hài của cái điều

cô đã trao tôi ngày đó               thành những gì tôi muốn




.

(Cô chẳng bao giờ cho

tôi điều tôi muốn

ngay cả giữa mộng càn)




5. Ngày mưa bão cũng không có nhau mà ngày nắng cũng không có nhau. Thơ thì đã viết mà lòng người đã khác. Tôi như đứa trẻ con nhớ nhà, xa quê tấm chân tình như kéo chỉ, càng lúc càng thưa. Ngồi hối-tưởng thời xưa chuyện cũ, ngỡ như đang nằm ngủ trưa trên một tấm phản gỗ lim trong gian nhà hẹp dưới quê, mắt nhâm nhấp mồ hôi vì cái nóng miền trung ê hề trong gió chậm chạp quay đầu, cái quạt máy cha tôi tự tạo từ những năm 80 ông nội tôi giữ dùng đến khi chết đi. Bà nội tôi Khi thức dậy tôi mới là mười tuổi, vậy mà đã hiểu được sự mất mát, nỗi đau lòng của những người nữ yêu nhau sao không thể hiểu nhau hay làm nhau hạnh phúc. Khi thức dậy tôi sẽ hơn ba mươi tuổi và rồi sẽ phải trở thành cái người tôi đã hứa, làm mẹ hay không.




xx.


Mẹ tôi hỏi cô đâu rồi

và tại sao cô không sang nhà nữa

Mùa đông ấy tôi chạy về như kẻ bại trận

giả vờ làm người sống sót. Tôi chỉ nói

hai mình đều bận cả. Cô có nghĩ là mẹ

tôi hiểu chuyện? Ánh mắt mẹ buồn

nhưng tôi ráo hoảnh. Cuộc tình mau lẹ,

một cú nổ, cuộc tai nạn, tình dục ngoài giới định.

Đây sẽ là lần cuối tôi bị định hình.

Tôi không có lồng ngực cưu mang như

những người đàn bà đã sinh sản.

Không muốn cô hay bất kỳ ai tiếp

tục ngồi đợi những người đàn ông

đằng sau phanh khẩn cấp. Cũng

không muốn thứ tình yêu phải

giới thiệu bằng chiến tranh, cả

những người mẹ như lũ con gái

chúng ta, dằn vặt nhau bởi vì thiếu

mẹ.




epilogue





Tôi bước sau chân cô vào một rừng

cây bất định, nắng trong veo, mây êm 

đềm, tiếng ve nhấp nhánh quanh những

giọt nắng nhậm nhoè nhảy trên từng thếp

đá. Một lúc nào đó, khi nhìn vào mảnh lưng 

nhỏ của cô, ánh mắt tôi sẽ nhoà đi và tôi chợt 

nghĩ về những bầu trời khác, hơi nghẹn ngào

rằng tại sao chúng ta giả vờ đứng cùng một 

cõi, hay nếu cô quay lại thì sẽ thấy tôi và 

nếu tôi quay lại thì sẽ thấy cô. Tôi xin 

lỗi, tôi chỉ là lánh đời vào trong 

những khu rừng và chỉ muốn

cô đứng trong này, một 

mình của tôi, không là 

ai hết. Có một tôi

không ai biết

chỉ có 

cô.








Cái 

điều cô 

trao cho tôi 

trong mộng cũ, 

một lời mời hãy 

quay trở về, một cuộc 

đời trước rừng, trước mùa, 

trước mẹ, sau cái chết, khi tình 

yêu đi qua ngay cả khi nó ngập ngừng, 

nơi mọi chuyến đi đều vòng lại, biết chúng 

ta đã sống còn khi lại tìm cách nhận ra nhau.




— lũ thành thị chúng mình buồn nhiều





bio


Ly T. Nguyễn (y/thị) 

mẹ queer của một số nhân loại, lúc nào cũng chỉ muốn làm menace to society nhưng lại nhát gan. dân trí thức cảnh vẻ nhưng lại hay bị xấu hổ hộ. Giới tính là lem/nhem. 


Previous
Previous

The Virgin Suicides

Next
Next

Vật tế - Georges Bataille