Vết cháy

 

Nhưng Zarathustra lại cất tiếng hỏi,

điều độc nhất và tiên quyết

cần phải hỏi:

“Làm thế nào vượt bỏ con người?”

Zarathustra đã nói như thế

 

Sáng ấy, một sáng thứ Tư, vết cháy đã lan khắp người Tường. Đêm hôm trước anh mơ thấy Tùng Linh, hai người nói chuyện trên một bờ biển mà cả hai chưa bao giờ đặt chân tới. Nước biển xanh phi lý. Họ ngồi cạnh nhau trên cát ấm và nói những chuyện đến giờ anh không thể nhớ - có thể là về thời tiết, có thể là về lũ hải quỳ, có thể là về cãi mũi hay ngứa của Slavoj Žižek, có thể là về tình yêu đã sống và đã chết. Anh chỉ nhớ cảm giác nghẹn lại trong lồng ngực: vết cháy ở đó, cả trong giấc mơ, không buông tha anh. Gọng kìm của một cơn nhớ nhung quái gở bóp nghẹt Tường, dù trong mơ hắn ngồi ngay trước mặt anh, nụ cười vô nhiễm, ánh nhìn lơ đãng, cánh tay gân guốc và bờ vai rộng, con người phi thực của quá khứ phi thực. Một lúc lâu sau trong giấc mơ, tính ra đến một vạn năm dồn trong một hộp thiếc nhỏ con, dù có lẽ chỉ là hai cái đảo tròng mắt ngoài đời thực, anh thấy mình đứng trên một bờ vực cao nhìn xuống Linh. Hắn đứng đơn độc giữa biển, tấm lưng cuồn cuộn sóng thịt da giữa cuồn cuộn sóng nước biển. Hình ảnh quá phẳng dẹt, như một bức tranh khắc gỗ ukiyo-e, và nước biển quá xanh – thứ màu xanh như thể hút chặt sinh lực của người ta vào bản thể của nó, nhưng Linh là thật, với tấm lưng phát sáng như một ngọn hải đăng, và vết cháy mà tấm lưng đó in vào lòng anh là thật. Anh giơ điện thoại lên chụp lại khoảnh khắc đó, bất chấp tấm màn nhung tầm thường mà ảnh chụp phủ lên mọi khoảnh khắc phi thường.

 

Khi Tường tỉnh dậy, toàn thân anh đau nhức. Anh thấy mình như một người đã rất già, một người đi qua một triệu con đường trong một triệu cuộc mơ, một người uể oải như sự suy tàn của thành phố những buổi trưa thứ Hai ảm đạm, anh thấy mình bất toàn và anh nghe thấy vết cháy lan râm ran trên thịt da.

 

Ban đầu, vết cháy chỉ là một cơn đau họng rất nhỏ. Anh không chú ý đến nó, bởi anh vốn là một kẻ chẳng giỏi chống chọi gì với thời tiết. Anh ngậm gừng muối, trợn mắt lên nhìn màn hình máy tính trắng lóa trong lúc nuốt thứ lửa mặn chát trộn lẫn với vị cay xè hăng mùi đất, nhưng cơn đau không mấy thuyên giảm. Rồi anh nhận ra cơn đau họng chỉ xuất hiện khi anh nhắc đến Tùng Linh. Cái tên hắn trôi xuống cổ họng làm anh thấy nhói buốt.

 

Anh đồ rằng đó là lỗi của chữ Tùng – nó gợi một cảm giác gai góc, xù xì, giống như mặt tối của hắn – còn chữ Linh hẳn là vô tội – đó là một chữ dễ nuốt, trơn tuột qua lưỡi và vội vã lăn ngang thực quản như một giọt thủy ngân lăn qua thanh nhiệt kế thủy tinh – đó là ánh sáng dịu dàng của hắn. Nhưng sau đó, anh phát hiện ra chữ Linh thực ra lại là một con quái khó nhằn hơn hẳn chữ Tùng. Giống như thủy ngân, chữ Linh màu bạc và có ánh kim loại sáng bóng này đốt cháy tất cả những gì nó đi qua – nhất là những con đường thịt da mỏng mảnh bên trong cơ thể Tường. Đôi lúc nó làm anh thấy muốn bật cả tròng mắt ra vì đau đớn, nhưng đôi lúc nó nằm gọn lỏn trong dạ dày anh như một giọt thủy ngân đơn độc, tủi thân vì những cố gắng tuyệt vọng của anh để tảng lờ nó. Nó muốn anh luôn nhớ đến nó, nó muốn làn da và mái tóc anh bốc cháy vì nó, nó gào khóc như một đứa trẻ bất trị để anh phải hướng cái nhìn về phía nó, nó hành hạ anh và hành hạ anh và hành hạ anh, nhưng nó hiển nhiên không muốn anh chết. Nó muốn Tường sống trong một cơn cháy râm ran vĩnh cửu để nó có thể bất tử. Điều ấy, với Tường, là một bi kịch nực cười.

 

Nuốt cái tên cậu xuống làm họng tôi rát bỏng, Tường viết trong một lá thư không bao giờ gửi đi trên blog cá nhân của mình. Bài viết có 2 lượt xem. Anh thay ảnh banner đầu trang bằng một tấm ảnh chụp biển chỉnh tông xanh quá tay – không có màu xanh nào giống như màu xanh anh đã chụp được trong mơ, dù trong mơ anh đã coi khinh bức ảnh ấy. Giờ anh thấy tiếc vì chẳng cách nào tìm lại được màu xanh đó hay lưu trữ lại bức ảnh thất lạc giữa những cái đảo tròng mắt của giấc ngủ.

 

TL,

Nuốt cái tên cậu xuống làm họng tôi rát bỏng. Tôi không còn hoàn toàn nhớ lần đầu chúng ta gặp nhau, nhưng tôi nhớ những ngón tay cậu run run khi lướt trên cái cằm lún phún râu và gò má đanh lại khi cậu suy tưởng. Những ngón tay cậu quá dài, gần như một sự dị biệt về thể chất, nhưng cậu không biết chơi một loại nhạc cụ nào, thậm chí cũng không vẽ vời hay viết lách. Những ngón tay này biết cầm xẻng xúc đất về phòng thí nghiệm và biết gõ báo cáo về đủ thứ sai phạm công trình – cậu đã kể cho tôi nghe cái thời còn đi làm cầu đường, những buổi trưa nóng mẩn đỏ cả người vì nghỉ dưới gầm cầu, những đêm bão ngủ trong lán với vài ba người công nhân xây dựng, phải dậy giữa đêm để chọc cho nước đọng trên mái lán đổ xuống vì sợ lán sập, một buổi nhập nhoạng tảng sáng cậu hút thuốc và nghe tiếng con chim sớm hót thật cô đơn ở một chốn xa lạ cách nhà hàng nghìn cây số. Nhà ở rất xa sau lưng, cậu nói, hay trước mặt gì đấy. Cũng có thể không đâu là nhà. Những ngón tay cậu quá dài, cậu biết đấy, đáng ra cậu nên chơi dương cầm. Đôi khi tôi tự hỏi những ngón tay ấy đã đi những đâu? Trên những đại dương da thịt và tinh cầu cát bụi nào? Tôi tự hỏi những ngón tay ấy đã đi những đâu?

'Buổi sáng ở mũi Ibuno’ - Kawase Hasui (1931)

Sau giờ làm, Tường lang thang trong thành phố. Đã gần 8 giờ tối, anh đi dọc phố Lương Yên quạnh quẽ, nơi một ông chú xe ôm kể cho anh nghe người ta từng giết hàng trăm nghìn con lợn ở đây, trong khu lò mổ cũ của thành phố. Hồn ma những con lợn đó vẫn còn đây chứ? Nếu đứng dưới một tán cây ở phố Lương Yên chờ đợi không ai cả vào một chiều thứ Tư vô danh, rất có thể ai đó sẽ nghe được vài tiếng éc từ một thực tại-quá khứ nào đấy chăng? ‘Éc’ – anh lẩm bẩm trong mồm và thấy mình hòa vào dòng chảy của trăm nghìn con lợn nối đuôi nhau chậm rãi, ụt ịt hếch những cái mông hồng nhạt hôi hám trong một cuộc không-đào-thoát trước khi rơi xuống một hố sâu thăm thẳm.

 

Anh đi qua Nhà tang lễ Phùng Hưng. Một người bán hoa hỏi anh có cần mua vòng hoa, nhưng Tường chỉ lầm lụi đi qua. Anh sẽ mua vòng hoa cho ai nếu không phải chính mình. Anh dừng ở vườn hoa Yecxanh và ngồi trong bóng tối, lắng nghe tiếng bơi lội ồn ã của những nhà thể thao nghiệp dư đủ lứa tuổi vọng ra từ bể bơi Tăng Bạt Hổ. Đôi khi anh mơ về ngày bé, thời đã từng bơi ở một trong những cái bể dọc phố Tăng Bạt Hổ - có một lần anh chơi cầu trượt và nước ộc vào mũi quá mạnh làm anh chảy máu mũi ngay giữa bể bơi. Trong lúc các anh chị em họ bơi ì oạp và thách đố nhau đủ trò lặn ngụp, anh ngồi ở bể vầy cho lũ trẻ con nhỏ tuổi và ngửa mặt nhìn những đám mây trắng xốp bồng bềnh mùa hè bay qua đầu. Máu khô lẫn với mùi clo tạo thành một tổ hợp phức tạp những mùi không lấy gì làm dễ chịu hằn sâu lên vùng đồi hải mã của anh. Việc vượt thoát những ký ức tuổi thơ là một cuộc việt dã bất khả, trong đó, những đứa trẻ của những thực tại-quá khứ đã từng là anh và vẫn tiếp tục là anh nối đuôi nhau chạy đến một hố thẳm khôn cùng.

 

Buổi tối Tường về nhà, tắm nước lạnh và đứng trân trối nhìn cơ thể mình ướt đẫm dưới những tia nước mỏng lét của vòi hoa sen. Mùa hè đã khoác lên làn da anh một lớp men màu nâu dễ chịu, nhưng cơ thể anh không phải là thứ làm anh vui – những thớ cơ ngực đã bắt đầu hơi chảy xệ, vòng bụng ngày một lớn ra, cặp đùi dài buồn rầu, chỉ có cánh tay là vẫn còn phần nào khiến người ta mơ hồ cảm nhận về bóng hình còn lại của một cơ thể sung mãn. Ở Quy Nhơn, trong một lần đi cùng đám bạn và Tùng Linh, anh đã cố ghi nhớ cơ thể hắn – và giờ cơ thể ấy quay về với anh từ những khoảng đen mông lung của ký ức. Hắn đu người trên thành bể bơi vô cực, mắt đắm đuối nhìn những rặng núi đằng xa. Anh lấy làm hài lòng vì ở tư thế ấy, anh có thể đứng đằng sau mà ngắm nghía hắn trong lúc giả bộ rằng mình đang ngắm núi. Những cơ bắp cuộn lên gần như cục súc trên chiều dài 178cm của cơ thể hắn, đám lông đen dài chiếm cứ cẳng chân và cánh tay không khoan nhượng, xương quai hàm rắn đanh lại như bực bội mỗi khi hắn nhíu mày nhìn ra xa.

 

Tường đã khao khát điều gì? Hẳn anh không bao giờ dám mơ rằng cơ thể yếu đuối, thư sinh của mình có thể chiếm đoạt thứ năng lượng đang trực vỡ tung ra khỏi thành trì thịt da của hắn, hoặc hẳn là anh, chính anh, đã mơ như thế, về những trận pháo hoa trên bóng đêm của thành trì đó, những cuộc đột kích man dại với hàng nghìn mũi tên lửa chói sáng và những cỗ máy bắn đá trung cổ, những vó ngựa đạp lên mọi lối vào cổng thành, những lá cờ rách nát ám khói đen của thành trì thất thủ. Hay anh đi vào những giấc mơ ban ngày giản dị và ít biểu tượng hơn: một cuộc đụng độ bất ngờ nơi phòng thay đồ của bể bơi khách sạn, một tiếng gõ cửa lúc nửa đêm, một tin nhắn gọi anh đi dạo lúc sớm mai – bất kỳ giấc mơ ban ngày nào khả dĩ tạo một lối thoát cho niềm khao khát dằn vặt của anh.

 

Anh không thích gọi đó là tình yêu – vết cháy râm ran từ đỉnh đầu xuống những ngón chân giống với mô tả của một cơn cuồng vọng nặng màu tính dục hơn những gì anh được những bậc thầy đã chết dạy về tình yêu. Không thể nào có chuyện anh yêu gã trai trẻ măng thô tục này, kẻ chỉ biết cười khi xem những video cụt lủn của Žižek nhưng từ chối nói bất kỳ câu chuyện sâu xa hơn nào về chính trị và thực tại, kẻ hành nghề kỹ sư xây dựng và thường xuyên suy tư về những cây cầu – hẳn nhiên những cây cầu có chất thơ riêng của chúng – nhưng không phải chất thơ là thứ Linh có khả năng mang rước, kẻ đôi khi bực bội ghen tỵ vì các bạn bè riêng nào đó của hắn đạt đôi ba thành tựu tiêu dùng: mua một chiếc xe phân khối lớn, tậu một dàn âm thanh đắt tiền, hay phung phí cuộc đời vào những chai rượu đắt đỏ ở một quán bar sang trọng. Hắn không giống gì với tưởng tượng của Tường về đối tượng tình yêu, hẳn nhiên, hắn quá nông cạn, theo thiển ý của anh, và nếu nói rằng anh yêu hắn thì đó là một sự hạ phàm mà anh không gánh chịu nổi.

 

Nhưng không bậc thầy đã chết nào giải thích cho anh sự yếu đuối khi cơn cháy lan khắp bụng anh, nhưng con bươm bướm bằng tro với đôi cánh xám, chúng quá nóng và anh quá run rẩy. Hắn bơi sát về phía anh và nhảy chồm lên lưng anh cười sằng sặc, trong lúc anh tỏ vẻ chán nản và kẻ cả để những con bướm tro không vô ý thoát ra từ mọi cái lỗ trên cơ thể mình. Con quỷ. Con quỷ của dục vọng đã thiêu đốt hết ruột rà gan phổi của anh, và hóa thành những con bướm tro nhức buốt này. Hắn hét lên: “Sao ông cứ rầu rĩ như một thằng chết trôi thế nhỉ? Vui con mẹ nó lên chút nào anh giai.” Và anh gào lên trong sự câm lặng vĩnh hằng, tiếng thét nằm ngoài mọi tần số khả thính: bởi vì ta yêu mày, hỡi con quỷ địa ngục, vì ta yêu mày, vì tình yêu rút hết xương của ta và thiêu trụi tủy của ta, vì da thịt mày là một mồi lửa và hơi thở của mày là một luồng độc khí, vì mày là cái ác và đường trượt của ngón tay mày trên cơ thể ta vẽ nên biên giới của một lãnh thổ phi luân. Anh dìm Tùng Linh xuống làm hắn sặc nước, đôi cánh tay chắc khỏe cuộn lấy người anh như một con trăn. Anh nhắm mắt lại và ước mình có thể giết chết hắn bằng đôi tay trần trụi này. Anh mở mắt ra và hắn đã ngoi lên mặt nước, cơ thể ướt đẫm in lên ráng chiều đỏ như máu đằng xa. Hắn lại cười vang, giả bộ vả nhẹ vào mặt anh. “Thằng khốn này!” hắn nói, hổn hển, và Tường, quy hàng.

 

Hiển nhiên, có những ngày vết cháy dường như không còn là một khả thể của hiện hữu. Những ngày anh bận rộn trong vòng chuột chạy của xã hội tư bản – khi anh là một mã số nháy đèn xanh đỏ trong hệ thống nhị phân - một tay quản lý tầm trung sáng cắp cặp đi tối cắp cặp về với những cuộc điện thoại và tin nhắn liên tu bất tận trên nhóm chat công việc. Những ngày cuộc đời quá tối và quá lạnh, đến độ một vết cháy cũng không thể làm ấm thịt da. Những ngày Linh nói với anh về chuyện của hắn và H., người yêu hắn – không hẳn là nói với anh, Linh không phải bạn của riêng anh, mà là bạn của bạn anh, và họ chỉ gặp nhau khi cả nhóm lố nhố bạn bè đó tụ lại. Hắn ngẫm ngợi về chuyện kết hôn, sinh con đẻ cái, làm một công việc ổn định, về những cơn chán nản của việc sống cuộc đời công chức tầm thường (như anh), làm một ông bố tầm thường (rõ ràng là không như anh) và già đi (như anh và tất cả mọi thứ trên cõi đời này). Lúc đó, Tường cảm thấy anh và hắn chỉ là hai con ốc bình thường trong cỗ máy, hai kẻ bị điều khiển trong các xã hội tập trung điều khiển – anh đi làm và hắn cưới vợ, cả hai chia sẻ những toan tính thường nhật.

 

Anh không bao giờ ghen với H., hoặc có thể nói chính xác hơn là hiếm khi, vì nàng không hẳn là một tình địch mà giống như đại diện của những giá trị chuẩn tắc trong cuộc đời – thứ vốn dĩ không thể tránh khỏi phải tuân thủ dưới những con mắt giám sát khốc liệt của thế lực cảnh sát đạo đức. Nàng ở đó như một sự thật, dù hiểu sự thật theo nghĩa nào, một người đàn bà tóc ngang vai, cao gầy và có vẻ buồn tẻ rất chuẩn mực. Với anh, nàng chỉ là một người nào đó khác. Một nữ cảnh sát mềm, theo cách anh hiểu, người sẽ lèo lái cuộc đời Linh vào những con đường chuẩn mực. Khi nghĩ về nàng và hắn, lòng anh thường dịu lại, và anh dụi vết cháy đi như dụi lửa của một điếu thuốc sắp tàn.

 

Cũng có lần anh đã ngu xuẩn thử ngăn cản hắn cưới nàng. Nhưng đương nhiên, anh biết cố gắng đó là cực kỳ ngu xuẩn.

 

“Ông trẻ quá. Ông cũng đéo chắc rằng ông yêu người yêu ông, chí ít là yêu đến mức phải sống đời với nhau. Tại sao ông lại lựa chọn đi con đường an toàn trong khi có những con đường khác, rồi đến đây rên rỉ như một con chó đói. Một con chó đói cái cơn đói lớn, nhưng lại đi ăn một bữa ăn nhỏ về căn bản không bao giờ làm nó no. Ông phi lý vãi đái ra, ông hiểu không.”  Anh gân cổ lên, điếu thuốc cháy dở chọc về phía mặt Linh đầy vẻ thách thức.

 

“Ô thì sao? Chẳng lẽ ông khá hơn tôi? Ông cũng chỉ là một thằng hèn với cái đời sống tư bản chó gặm của ông đúng không? Thôi thôi đừng nói với tôi về tiền, về nuôi bố nuôi mẹ nuôi thân hay gì. Ý tôi là, ờ, ý tôi là gì nhỉ? Là ông cũng thế, ông cũng đói cơn đói lớn và ông tru lên vì ông ăn toàn những thứ chó gặm để sống qua ngày. Ông đéo thể trách tôi được, vì ông cũng là một con chó ghẻ lác y như tôi.”

 

Điều hắn nói làm anh im lặng nhún vai. Tường chỉ muốn nói, đừng tuân phục thế giới và tuân phục tuổi già, đừng quay lại đây sau mười năm với một cái bụng phệ và cái trán hói bóng và những phét lác về tín dụng, tiền ảo, xe cộ, cổ phiếu, kỳ nghỉ du thuyền, xì gà Havana và những cô bồ làm vợ mày đau khổ. Nhưng anh có thể nói điều đó với chính anh, chỉ cần khác đi vài chi tiết. Anh biết họ sẽ ngồi đây sau mười năm, với những cái bụng phệ, với những bàn tay đã mỏi và đôi chân đã tuân phục thời gian, Linh sẽ nói về tiền, về vợ, và anh sẽ nói về địa vị, về những cuốn sách khó hiểu anh đã đọc và những nghệ sĩ anh đã gặp, cả hai sẽ vênh váo về sự tầm thường của đời mình. Anh hút nốt điếu thuốc trong lúc nhìn ra khu rừng sắt thép bê tông của thành phố nhợt nhạt này. Những ngày thứ Hai sẽ đến, và anh lẫn Linh vẫn sẽ đùa với nhau rằng mày không ghét thứ Hai mà mày ghét tư bản, rằng đến cơ quan phải tranh thủ đi nặng để lợi dụng ngược lại bọn tư bản, phải, hãy trét phân vào những cái hố mồm của tư bản. Nhưng những ngày thứ Hai vẫn sẽ đến như những cái bụng phệ của thực tại-tương lai không xa, và anh lẫn Linh sẽ đều giơ tay ra hứng lấy nó như những con chiên chờ nước thánh dưới giáo đường của đạo Tư bản. Tất cả những sự phản đối này có ý nghĩa gì? Anh mong rằng hắn sẽ thuộc về anh chăng, hay anh mong rằng hắn sẽ ngộ ra chủ nghĩa xã hội và tiêu hóa mọi thứ văn bản hậu cấu trúc hậu hiện đại mà anh vẫn đọc? Cả hai ý tưởng đều nực cười như nhau.

 

Song cũng hiển nhiên, anh mong hắn thuộc về anh, một cách phi lý và ngu xuẩn. Anh thường gặp hắn trong những giấc mơ – sau hơn ba mươi năm cuộc đời những giấc mơ cuối cùng đã trở thành một vùng lãnh thổ có đôi chút ý nghĩa với anh – vùng đất cấm của những cuộc hẹn bị cấm.

 

Có lần anh mơ thấy hai người đi với nhau dưới một cái hang ấm sực – thực tế là một cái hang thì không thể ấm sực được – nhưng trong giấc mơ nó lại ấm áp đến kỳ lạ. Hoặc đó là nhiệt độ tỏa ra từ anh và Tùng Linh – hai ngọn đèn-người trong bóng tối lạnh giá của một cái hang thực. Họ chẳng nói gì, nhưng Tường biết dưới cái hang đó, hắn phải lòng anh và anh phải lòng hắn – một sự biết rất kỳ khôi thuộc về phạm trù của niềm tin phi lý – Kierkegaard hẳn sẽ gọi anh là một hiệp sĩ của đức tin. Anh nắm tay hắn và chỉ có thế, nhưng niềm hạnh phúc dưới cái hang đó là hoàn toàn bất khả trong cuộc sống thực tại, dù anh có thể chiếm được hắn hay không.

 

Cũng có lần Tường mơ thấy anh và Tùng Linh là hai thằng học sinh trong một lớp học có đến hàng trăm học sinh – anh sẽ nói hình ảnh của họ trong mơ chính là ánh xạ của họ trong cái xã hội kỷ luật – hậu kỷ luật chán ói này – hoặc anh sẽ phải công nhận một thứ mơ ước ngu xuẩn được lùi lại mãi vào quá khứ. Cả bạn bè anh cũng hiện diện trong giấc mơ ấy, nhưng gương mặt họ mờ nhòe đi. Chỉ có gương mặt của Linh hằn rõ lên như có một chiếc đèn rọi vô hình mọc ra từ trên đầu hắn. Lớp học đó phải đi tản cư, vì chiến tranh, hoặc một thứ dịch bệnh đáng sợ nào đó, và tất cả phải nằm dồn lại trong một hàng lán trại tạm thời dựng bên trên đồi. Anh và Linh nằm cạnh nhau, tán dóc những chuyện đùa vu vơ, và rồi cơn mệt mỏi ập đến, anh nghiêng người ngã vào ngực hắn, bờ ngực anh đã nghĩ về nhiều đêm. Linh không còn hiện hữu nữa, thay vào đó, Tường rơi vào một vũ trụ tối om êm ái – bóng tối ấy ôm lấy anh, rìa của bóng tối là vòng tay vững chãi của hắn, nhưng chiều sâu của bóng tối khi anh cố nhìn vào bên trong lồng ngực hắn là vô tận. Anh bắt đầu bơi ếch trong bóng tối đó, hít đầy lồng ngực thứ khí êm như nhung của nó, vòng tay Linh siết lấy anh và hắn dựa cằm vào đỉnh đầu anh, từ nơi làn da hắn chạm vào mái tóc anh, một ngọn lửa truyền lan ra khắp vũ trụ tối và anh tưởng như mình thấy hết sự hình thành của những chòm sao và tinh vân, của muôn triệu mặt trời và muôn triệu triệu hành tinh khô cằn, của những sao lùn trắng và hố đen - vũ trụ giãn nở đến vô cùng – còn anh, anh chỉ là một kẻ quan sát đang bơi ếch một cách khoan khoái qua không-thời gian.

 

Rồi có lần anh mơ thấy con ngựa thành Turin. Linh là gã đánh xe cục mịch đang quất con ngựa tơi bời như thể nếu không quất nó đến chết thì chính hắn sẽ chết. Những giọt nước mắt to như quả quýt rơi lã chã khỏi cặp mắt hạnh nhân của con ngựa. Anh chạy đến ôm lấy đầu nó, khóc rống lên. Anh thấy thù ghét Linh như thù ghét chính thế giới này, nhưng anh cũng thương cảm hắn, như thương cảm con ngựa. Anh không nhớ giấc mơ kết thúc thế nào, cũng như anh không thể nhớ thế giới đã kết thúc thế nào. Có thể giấc mơ đã biến thành một cơn ác mộng, hoặc một trận bóng đè, như vẫn thường xảy ra với anh – đó là lý do vì sao trước Tùng Linh, anh ghét những giấc mơ. Nhưng dù thế nào, quả thực là anh không nhớ gì cả. Khi tỉnh dậy lúc 4h25’ sáng, anh bật bộ phim cùng tên của Béla Tarr lên xem. Anh vốn thích ông già này. Nhưng hôm ấy anh ghét cả Béla Tarr, ghét cả cách anh không thể quên Linh như cách một người không quên được bàn tay mình cả khi bàn tay đã cụt, nên anh tắt phim đi, không bật nhạc, không hút thuốc, chỉ nằm im trong bóng tối và cảm nhận sự trống rỗng của cuộc hiện tồn đắp lên anh như một chiếc chăn mỏng.

 

TL,

Bây giờ là 2h sáng thứ Năm. Tôi không còn có thể mở lời với cậu vì không biết còn gì để nói, và cậu cũng chẳng còn gì để nói với tôi. Có một vết cháy xẻ dọc người tôi. Hãy tưởng tượng một thanh kiếm ánh sáng. Hãy tưởng tượng một cuộc đấu – một Jedi và một Sith – cậu là Jedi và tôi là Sith, hoặc ngược lại, hoặc tôi là một Wookiee, tôi không biết nữa. Hãy tưởng tượng một triệu Stormtrooper mặc đồng phục màu hồng da lợn diễu hành để rồi lần lượt ngã xuống một cái hố tối. Tôi sẽ diễu hành trong quân đoàn đó. Tôi là kẻ duy nhất cầm cờ, lá cờ có in gương mặt cậu. Lá cờ đó sẽ bị hủy diệt, cũng như bản thể của tôi, dưới cái hố sủi rực acid xanh biếc. Cậu hẳn không tưởng tượng nổi đâu, nhưng tôi mong ngày đó sẽ đến.

 

Những ngón tay dài bất thường của cậu giờ đang làm gì? Tối hôm qua chúng đã nấu ăn hay rửa bát? Chúng có bóc một quả quýt hoặc gọt một quả táo hay không? Chúng có ngấm khói từ một điếu thuốc, hay giờ cậu đã bỏ thuốc rồi? Chúng có trượt đi trên bánh xà phòng, nhảy múa trên bàn phím hay luồn lách vào những cái hang trên cơ thể cậu (lỗ mũi, miệng, lỗ tai, tôi không cần tưởng tượng xa hơn)? Giờ thì chúng ở đâu? Hờ hững ngồi trên một phần cơ thể của một ai đó mà lý trí cậu nói rằng cậu yêu và cần? Hay thật cô đơn, co quắp, nằm trên đệm, như một kẻ chờ đợi vô vọng, mà không biết mình đang chờ đợi điều gì? Những ngón tay cậu giờ đang làm gì? Tôi có thể tìm thấy chúng ở đâu?

 

Sáng ấy, nửa đêm về sáng thứ Năm, vết cháy đã thu gọn thành một mũi giáo ấn xuyên qua người Tường. Anh về nhà, say và chán chường. Cuộc rượu để lại trong anh một khối rì rầm phiền nhiễu như một đàn ong vô hình giữa hai tai. Những con người đó, những chuyện ngày qua ngày không có gì thú vị hơn đó, hôm nay Tùng Linh đi vắng nên không tham gia, hắn bảo hắn mệt, những thứ thức ăn tầm thường của cuộc đời tầm thường đó, đáng ra hắn nên báo sớm hơn để anh cũng từ chối cuộc gặp, nhưng không, những ly rượu như ly thuốc độc đó, anh nhìn mọi chiếc ghế trống và hình dung Linh có thể đã ngồi vào một trong số chúng, những chiếc ghế nhựa xanh đỏ không người ngồi bẽ bàng đó, và anh, anh một mình trong một cơn lạnh đến tận xương tủy, cơn lạnh của việc làm người. Cảm thấy cần phải báng bổ thần linh, anh ngật ngưỡng đến bên bàn thờ, gạt đổ bình hoa huệ, vớ một chai Vodka Hà Nội xuống và tu một mạch. Cơn buồn nôn đến thật nhanh. Anh tóm lấy một cuốn sách từ trên giá sách cao nhất xuống, vẽ nhằng nhịt lên bức tranh Adam và Eve trên bìa cứng, nhổ nước bọt vào giữa sách rồi bắt đầu nôn thốc nôn tháo. Quỳ rạp giữa đống vật chất bị lộn trái lênh láng bốc mùi từ dạ dày mình, anh thấy mình thật kinh tởm và dớ dẩn. Anh muốn khóc rống lên như một con chó đói khát và ngu xuẩn đã ăn nhầm cả một túi đinh, nhưng anh không sao khóc nổi. Anh định chọc kéo vào giữa bụng mình, rạch một đường dài theo vết cháy, và lôi cái túi đinh mà mỗi chiếc đinh là một cái tên của Tùng Linh ra khỏi bụng mình. Nhưng khi ấn lưỡi kéo vào thịt, anh chợt nhớ đến việc buổi chiều thứ Sáu anh có một cuộc họp với Hội đồng Quản trị của công ty. Với tình trạng này, anh vẫn có thể nghỉ làm sáng thứ Sáu, và xin đến vào lúc 1h chiều. Ý nghĩ thê thảm và rất thực tế ấy làm anh dừng lại.

 

Tường ra ban công hút thuốc, rồi tự dưng thấy tỉnh đến nỗi anh lại vào dọn dẹp đống bừa bãi trong nhà. Chẳng hiểu mình nghĩ cái mẹ gì, như một thằng say cùng quẫn, anh lẩm bẩm và thấy buồn lòng về mình. Anh nghĩ về Tùng Linh, anh nhớ những lần ngồi cạnh nhau không cần nói gì, anh nhớ cái lần anh cõng hắn cả một quãng dài khi hắn say, và râu cằm hắn cọ rát vào sau gáy anh, anh nhớ đôi giày bốt màu đen sờn cũ hắn vẫn mang, anh nhớ những cái cười riêng tư cho những câu đùa riêng tư mà hiếm hoi chỉ anh và hắn hiểu, anh nhớ mái tóc mà anh chưa một lần chạm tay và bàn tay mà anh luôn tìm kiếm trong vô vọng, anh nhớ tấm lưng trần cuồn cuộn sóng thịt da giữa cuồn cuộn sóng biển. Một giấc mơ – không phải một giấc mơ – một giấc phản mơ thiêng liêng và trần tục – một kinh chú được phản tụng niệm và tái tụng niệm – một đứa trẻ có làn da bằng lửa sinh ra từ một trái câm của thứ không được phép gọi là tình yêu.

 

Tường mở cửa nhà, rồi đi mãi đi mãi vào trong bóng đêm. Những đường phố quá dài, như bộ lòng ruột của một con ngựa khóc những giọt nước mắt to bằng quả quýt, hoặc những ngón tay chới với của một bàn tay mà giờ này không biết đang làm gì, hoặc như một ẩn dụ-phản ẩn dụ của mọi thứ trong đời. Tường mơ hồ nghĩ rằng, anh sẽ phải đi hết những đường phố đó.

Previous
Previous

Thơ vụn

Next
Next

Ghi-vắn