PHÍA TÂY THẤT THỦ

Maik Cây

Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.
Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ,
Đường thế đồ gót rỗ khi khu.
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh.

‘Cung oán ngâm khúc’ – Nguyễn Gia Thiều

 

Sự thất thủ của phía Tây đã được báo mộng cho Trần Bích Băng vào ngày 12 tháng 12 năm 1992. Bà còn nhớ bởi thằng cháu ruột của bà, Trần Phong Điền, sinh vào đúng ngày ấy tháng ấy, tức tuổi Nhâm Thân, mệnh Kiếm Phong Kim, nghĩa là vàng mũi kiếm, đúng 100 năm sau ông cố tổ Trần Thân, người làm rạng danh dòng họ nhà bà. Ông cố tổ Trần Thân sinh năm Nhâm Thìn 1892, mệnh Trường Lưu Thủy, tức là dòng nước lớn. Cụ nổi tiếng không vì khoa bảng hay công danh, mà vì tài xem phong thủy. Cụ là loại người được trời phú cho khả năng trấn dương trạch, yểm âm trạch, xem vận khí, đoán cát hung, nhưng đi đôi với cái bệnh là dăm bữa nửa tháng lại bị đau đầu. Cũng phải nói tài này truyền trong dòng họ nhà bà nhiều đời, đời nào cũng tinh hoa phát tiết ở vài ba người: người thì về nghề phong thủy, người thì về khoa đoán mộng, người thì về ngành xem tướng, người thì chỉ chuyên đoán việc bằng chân gà hoặc cỏ thi, người thì đi theo Tử vi, Tứ trụ, hoặc sau này có người theo cả ngạch bói các loại bài Tây. Trong số này, có người đoản vận vì tài, cũng có người biết dùng đức mà chế ngự thì được trường vận hơn, song không ai sống quá 69 tuổi.

 

Trần Bích Băng, giống bà nội của mình, Dương Thị Hiệp, được truyền thừa cái gene mơ mộng. Chính cụ Hiệp cứu cả dòng họ Trần nhà bà nhờ được báo mộng về trận lũ lịch sử năm 1959. Trần Bích Băng thì thực thà không mưu đồ cứu ai. Vả, bà tự coi mình là một người Bolshevik chính chuyên, nên những mộng mơ của riêng mình, bà đều giữ hết cho riêng mình, không bao giờ chia sẻ với ai, mặc dù vẫn ghi chép cẩn thận trong một cuốn sổ bìa da xanh sờn giấu dưới đáy tủ đồ lót.

 

Ngày 12 tháng 12 năm 1992, trời nắng đẹp, se lạnh nhưng không buốt. Lúc ấy vừa qua tiết Đại Tuyết, nhưng ở xứ bà thì không có tuyết. Ngày 08 tháng 12, bà nằm mơ thấy trời rơi xuống tuyết đen và hôi như tro, nhiều người dưới thung nằm chết, trẻ con tắm dưới suối máu. Bà coi đây là điềm rất xấu, nhưng chưa biết ứng với việc gì.

 

Hôm ấy, bà nghỉ làm ở xưởng dệt để ở nhà làm giỗ. Đang vừa hút thuốc, vừa nghe đài về tình hình chiến sự ở Filasṭīn, vừa thầm chửi tiên sư bè lũ đế quốc, vừa trộn một nồi nộm to như nồi cám lợn, thì bà Lã Kim Chi, chị dâu trưởng của bà chạy vào hô hoán. Anh trai thứ hai của bà, ông Trần Kiều Thư, đương dọa tự tử ở trên nhà tổ. Trần Bích Băng cùng mấy người anh chị em trong dòng họ tất tả theo bà Kim Chi lên xem thế nào. Lên đến nơi thì thấy ông Kiều Thư nằm trên phản khóc lóc đòi đi theo cha mẹ, tay lăm lăm cầm một con dao bầu. Mọi người ai cũng lo hãi, không biết phải can ra sao. Trần Bích Băng chỉ thấy lộn ruột. Bà biết tỏng anh trai lại bị trai trẻ phụ bạc, nhưng việc này bà cũng không nói với ai. Bà đang định xông vào đánh cho anh trai một cái cho tỉnh, thì anh trai thứ ba của bà, ông Trần Ngân Diệp hối hả chạy vào, kêu là phải đưa vợ lên trạm xá đẻ. Cả làng cả tổng lại lu loa rối loạn lên. Ông Kiều Thư nhổm dậy la lối linh tinh, bị Trần Bích Băng vả một cái vào mồm, giằng con dao vứt đi, rồi sai mấy người chị em gô vào trong nhà cho uống canh gừng và nằm nghỉ. Bà tự tiện vào nhà lấy ít hoa quả với trứng luộc, móc túi có 10 đồng sẵn dúi cho ông Ngân Diệp, bắt đi ngay không chần chừ. Rồi tất tả, bà quay về nhà, châm nốt điếu thuốc đang dở và trộn tiếp nồi nộm còn kịp giờ lễ lạt.

 

Đến gần cuối giờ Tị thì cúng. Anh trai trưởng của bà, ông Trần Khanh Tường, người hom hem ốm yếu, vừa vực dậy được đôi chút sau đợt xạ trị ung thư, đứng lẩm bẩm khấn trước ban thờ tổ tiên. Bà Kim Chi, vợ ông, đứng rúm ró ở một góc vái đến độ mắt lộn ngược cả lên, nhìn qua lại tưởng bị cụ nào nhập. Trần Bích Băng đứng gần ngang hàng với anh trai cả, cũng vái nhưng không khấn gì. Mặt bà trống trơn, hơi có vẻ giận dữ vì những nếp nhăn hằn xuống hai bên miệng và trên lông mày.

 

Là một người lúc nào cũng chán đời và lộn ruột với thế nhân, bà đương mải bận nghĩ xem làm cách nào để trốn thoát khỏi hiện tồn thân xác và cân nhắc các khả thể của việc sống như một ý niệm. Nhưng cũng là một người Bolshevik khẳng khái lúc nào cũng đau đáu về cách mạng, bà bèn nghĩ tiếp về những quan điểm xung quanh khái niệm Đế quốc và bà thấy ứa gan vì tức. Bà cũng thoáng nghĩ về Heidegger và thầm rủa rằng sao ông có thể xuẩn ngốc thể, sao có thể ở trong Đảng Quốc xã cho đến năm ’45, hồn nhiên vô lối, rồi bà rủa sang cả Trần Kiều Thư anh bà, một bóng già buồn thảm đến nhểu cả nước ra, rằng cớ sao càng về già lại càng đâm một kẻ lụy tình ngu ngục. Bà thấy tựu trung đàn ông trong đời bà (bà chỉ dám nhận đến vậy, chứ đàn ông nói chung trên cõi đời bà không có phúc phần được trải nghiệm hết nên không dám nói) không ai được cái việc gì, tuyền hay nhố nhăng, nhưng là đàn bà, hay nói thuần túy hơn, là một người có chức năng sinh đẻ (dù không thèm dùng đến chức năng ấy), bà chẹp miệng cho là đẻ ra thì phải nuôi, và đàn bà đâm cứ có trách nhiệm với cả thế giới là bởi vậy.

 

Trần Bích Băng chưa bao giờ cảm thấy thích hợp để làm mẹ. Bà tự liệt kê: một mụ đàn bà giọng ồm ồm như đàn ông, hay ngồi ở hiên nhà dạng hai chân ra vừa nhặt rau vừa hút thuốc, đang trên đà thăng tiến trong công việc ở xưởng dệt nên không có thời gian nào đi chăm bẵm cho bất kỳ ai, vả, bà còn muốn lo chuyện thế sự. Vào sáng thứ Bảy bà muốn đi họp Đảng chứ không muốn dắt con đi công viên chơi vườn gương, nhà bóng. Vào tối Chủ Nhật bà muốn nghiền ngẫm lại một chút Das Manifest der Kommunistischen Partei (Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, tiếng Đức, bản của nhà Anaconda Verlag), thay vì vác con đi đến cửa hàng đồ ăn nhanh gọi một suất Thiếu nhi Khổng lồ.

 

Chuyện yêu đương của bà cũng quá lằng nhằng, khiến việc có con đâm ra bất khả. Bà dính vào chuyện tình tay ba với hai cô nữ công nhân trong xưởng, đúng là không hay ho gì, dù bà tự bào chữa do lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Câu chuyện um sùm cả lên vì cô này ghen cô kia, rồi chửi rủa nhau và báo cáo lên tận Ban Giám đốc và Bí thư Chi bộ Đảng. Tí nữa thì Trần Bích Băng bị kỷ luật trước Đảng ủy. Phúc tổ bảy mươi đời bà, đúng lúc đấy thì Aleksandr Davydov xuất hiện. Anh là một tay cán bộ Liên Xô trẻ măng, có đôi mắt bèn bẹt và cái đầu đã chớm hói từ tuổi 23, cái mũi hiền lành buồn khổ và đôi bàn tay luôn lóng ngóng không biết để đâu. Anh được cử sang đây để hỗ trợ lắp đặt dây chuyền mới. Không có ai rành tiếng Nga bằng Trần Bích Băng, nên cậu trẻ hiển nhiên được giao vào tay bà.

 

Anh bám dính lấy Trần Bích Băng như một đồng chí chó con bám lấy đồng chí mẹ, như người trong xưởng hay trêu bà. Lúc say rượu, anh cầm tay Trần Bích Băng rồi thổn thức đọc những vần thơ của Osip Mandelstam mà bà nghe câu được câu chăng, anh khóc hu hu vì nhớ nhà trên vai áo Trần Bích Băng lúc cho mấy con mèo hoang ăn đồ ăn thừa ở đằng sau xưởng, anh gọi đùa Trần Bích Băng là ‘chồng em’, rồi đâm thích bí mật mua những váy sống xinh xẻo về mặc cho bà xem. Anh vừa trầm cảm vừa hôi nách nồng nặc, nhưng Trần Bích Băng đâm ra thương cảm và yêu quý anh hết mực. Hai người dính lấy nhau trong vòng một năm rưỡi khi Aleksandr sống ở một khu tập thể gần xưởng, đập tan những tin đồn về việc Trần Bích Băng làm náo loạn chị em xưởng dệt vì những trò tình ái nhố nhăng của mình. Hơn nữa, việc lắp đặt dây chuyền thành công, sản lượng gia tăng 125%, tình hữu nghị Việt-Xô đằm thắm hơn bao giờ hết, tất cả những cái ấy được coi là có một phần công lao của Trần Bích Băng, bởi vậy nên Đảng ủy cũng đành giơ cao đánh khẽ với bà.

 

Sau Aleksandr Davydov, Trần Bích Băng không yêu thêm bất kỳ một người đàn ông, hay người nấp dưới bóng dáng đàn ông nào. Đàn bà lấp kín cuộc đời bà. Có lẽ bởi vậy, bà không bao giờ quên con người ấy. Một đêm, nhiều năm về sau, Trần Bích Băng mơ thấy Aleksandr treo cổ chết bằng một dải lụa hồng trong một căn phòng chất đầy hoa huệ trắng, thứ hoa huệ nhỏ, thơm, và buồn cắm bàn thờ quê bà. Bà nằm dưới giường nói chuyện với anh, trong lúc anh thè lè cái lưỡi tím ngắt ra khỏi miệng và đáp lại bằng một giọng đớt do cái lưỡi đã chiếm hết khoang miệng.

 

Bốn tháng sau giấc mơ đó, Aleksandr Davydov treo cổ bằng một sợi thừng, trong một căn hộ nhỏ nhắn ngụ ở quận Yaroslavsky, ngay gần Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow nơi anh giảng dạy lúc đó. Anh chết thật ngoài đời, tự tử, đúng như Trần Bích Băng đã nhìn thấy trước. Không gì khiếp vía hơn và không gì trác tuyệt hơn, là sống trên đời với một thứ quỷ tài.

 

Trần Bích Băng có một cảm tưởng mơ hồ rằng, tương lai của những người yếu bóng vía thì dễ soi chiếu hơn. Aleksandr Davydov, ‘cô vợ Nga ngố của tôi’ – như bà thường huênh hoang với Trần Kiều Thư, anh bà, và cũng là bạn thân nhất của bà, là một ví dụ điển hình. Nhưng cũng có những người, dù bà nghĩ là yếu bóng vía, nhưng phần số họ lúc nào cũng như có vẩn mây bên trên, không sao thông suốt được. Trần Kiều Thư, con bóng già đau khổ, anh trai và cũng là bà chúa tiên nga của cuộc đời Trần Bích Băng, là một ví dụ điển hình cho trường hợp này.

 

Thậm chí khi đã có tuổi, Trần Kiều Thư vẫn là một người đẹp và kiểu cách. Ông nội bà thường trách cha bà đã đặt cho cậu ấm cái tên như thế: “Cái tên nó vận vào cái người chứ không phải là đùa.” Trần Kiều Thư, kẻ ấy: dung mạo thanh tú, một thứ nhan sắc được con Tạo ban phát đến mức thừa thãi, nét mặt nhu mì, thoáng qua thì tuồng như lạnh nhạt, nhưng thực chất lại là kẻ đa đoan. Cũng kẻ ấy: có hai cái tài, hay đúng hơn là hai cái nghiệp, một là thơ phú, hai là áp vong. Mãi sau này, Trần Bích Băng có kể lại trong hồi ký của mình, về một trò chơi, hay đúng hơn là một tai nạn thưở nhỏ của hai người. Cách nhau chỉ một tuổi, Trần Kiều Thư và Trần Bích Băng gắn bó sâu sắc như chân tay, cả về mặt tình cảm lẫn tâm linh. Một sự kiện mà Trần Bích Băng hồi cố: Kiều Thư, năm tuổi, bụ bẫm trắng trẻo, cậu ấm của gia đình, rủ em gái nhỏ là Bích Băng, bốn tuổi, trán dô môi bặm, con cừu đen ương bướng, trèo lên ngọn núi gần nhà chơi hái thuốc. Đi một hồi, hai anh em gặp một bãi tha ma bị bỏ quên đã lâu. Kiều Thư, được ông nội dạy cho đọc Kiều từ năm hai tuổi, bắt em quỳ xuống cạnh mình, khấn:

 

“Hữu tình ta lại gặp ta,

Chớ nề u hiển mới là chị em.

Đã lòng hiển hiện cho xem”

 

Khấn thế xong thì, theo lời Trần Bích Băng ‘cây đổ cành rơi, trời tối ám như mực’, rồi bà ngất đi. Khi tỉnh lại, hai anh em đã được đưa về nhà. Bà mẹ bà, Ngô Thị Lan, một người đàn bà hiền lành tảo tần, khóc ri rỉ bên giường hai con. Bà nội bà, bà Hiệp, nhưng thời ấy hay gọi theo tên chồng nên được gọi là bà Đạo Loan, ngồi khấn vái lầm rầm giữa nhà, trong lúc mọi người vừa đi ra đi vào vừa suỵt nhau như sợ sắp có tang sự.

 

May thay, hai đứa trẻ đều không mệnh hệ gì, song Kiều Thư bị một cành cây va trúng đầu, từ đó cứ trái gió trở giời là đau đầu không thể chịu được. Suốt hai năm sau sự kiện đó, mỗi khi chỉ có hai anh em với nhau, Kiều Thư lại xưng chị gọi em với Bích Băng. Bích Băng, như thể sinh đã ra vậy, chấp nhận hết mọi sự trái khoáy của Kiều Thư mà không bao giờ chất vấn gì.

 

Vào ngày 12 tháng 12 năm 1992, sau những thủ tục cúng giỗ khách khứa ở nhà tổ, Trần Bích Băng thong dong vào thăm Trần Kiều Thư đang nằm khóc ỉ eo một mình ở nhà trong.

 

“Thế chị làm sao, chị kể tôi nghe xem nào. Thương quá đi thôi đây này.” Trần Bích Băng ngồi xuống giường, châm một điếu thuốc hiệu Kiêu Binh rồi nói giọng cợt nhả.

 

“Thôi chị im đi!” Kiều Thư tru tréo lên, mặt vẫn úp vào gối. “Chị không phải giở cái giọng đấy. Tôi biết chị chỉ muốn vào đây để giễu tôi, cười tôi, cười cái con bóng già này thôi. Chị tát tôi như tát một con đĩ già bị vứt vào trại hủi. Ừ, tôi chỉ là một con đĩ già thôi, thì đã làm sao!”

 

“Sao chị lại sồn lên như thế?” Bích Băng dí một ngón tay vào giữa lưng Kiều Thư vẻ nanh nọc, nhưng không làm anh mình đau. “Tôi còn chưa mở mồm ra phán một câu nào, mà cái tâm chị đã khởi, cái khẩu chị đã phát ra như vậy. Ừ mà tôi nói chị nghe, thế có sai không? Có đúng là dơ như một con đĩ già không? Ngày giỗ ông bà tổ tiên mà chị định làm cho khốc hại chỉ vì một thằng trẻ ranh. Tôi có lạ gì chị không? Phải vào mồm bà Hiệp thì bà ấy chửi cho là cái phường vô dạng.”

 

“Tao cấm mày gọi tao là chị!” Kiều Thư ngồi bật dậy, tóc tai xổ tung ra quanh một gương mặt lem nhem đầy nước mắt nước mũi.

 

Ôi gương mặt này, ôi gương mặt này. Gương mặt của đứa trẻ thân yêu ngu ngốc mãi bi lụy trong biển men tình, một kẻ như lời ông tự bộc, rằng, từ phen đá biết tuổi vàng, tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ, một kẻ mị tình, mù lòa vì tình. Bà những muốn tát ông như bà đã tát ông sáng nay, bà những muốn ghì siết họng ông và chôn ông đi theo cha mẹ, để cho đời ông đỡ khốn khổ. Nhưng chao ôi, đứa trẻ này.

 

“Thế anh nói đi. Thằng phò non nó bỏ anh rồi hẳn? Tôi đã bảo-”

 

“Thôi chị im đi.” Tiếng Kiều Thư rên nghe như tiếng con chó bị giết trong núi. Một con chó già hẳn đã què, còn lòa, nằm chết dưới một cơn mù mưa trời giăng miên viễn.

 

Họ ngồi im không nói thêm câu gì. Kiều Thư cũng hút thuốc Kiêu Binh. Ông ghét cái thứ thuốc hôi hám, rẻ tiền này, nhưng giờ thì cuộc đời có hơn thua gì nữa đâu mà phải so đo, là hôi hay thơm. Đôi khi họ trao ánh mắt nửa thấu hiểu, nửa xót xa cho nhau, và Bích Băng nhân thế lần giở lại những người tình đã đi qua đời Kiều Thư, mà bà biết.

 

Bà không ưng nổi một ai, đám đàn ông ấy. Tuyền những phường không Mã Giám Sinh thì cũng phải thằng bán tơ. Anh bà, suốt ngần ấy năm, bà chưa thấy lúc nào thôi đau thương vì tình. Người như thế mà sống được đến tận hôm nay, mặt đã đầy nếp nhăn, tóc đã bạc, mà vẫn còn lết đi được trên đường tình, âu cũng là, xương mai tính đã rũ mòn, lần lừa ai biết hãy còn hôm nay.

 

Bà ngắm anh mà đau xót. Gương mặt ấy đã từng như hoa như ngọc, bàn tay ấy trước giờ vốn chỉ lần giở đèn sách, trói gà cũng không chặt, tâm hồn ấy đã từng phong nhiêu, nay dâu bể đã từng, lại hóa tiêu điều. Trên đầu giường ông mở cuốn Ngữ pháp học của Derrida mà một người yêu cũ đã tặng ông, một cuốn mà Trần Bích Băng lần nào cầm lên cũng định đọc rồi chẳng bao giờ đọc phải đã đến mười năm. Giữa trang sách gác một tờ giấy in hoa, một bông hồng trắng ép khô, và cây bút mực mở nắp, trông cả bọn quê kiểng và bẽ bàng như nhau. Trần Bích Băng liếc mắt nhìn tờ giấy, thoáng thấy những dòng ‘Trăng thề còn đó trơ trơn // Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.’, với ‘Anh chẳng nói dối Nam làm gì, đời anh về căn bản là phi nghĩa. Có lẽ Nam nghĩ anh ngu dại vì tội tình gì mà ngày xanh mòn mỏi cứ hoài trông một hình bóng không còn là của mình. Nhưng anh biết làm sao, vì anh đồ rằng Nam hiểu, cái ngày Nam rời bàn tay khỏi tay anh, thì, phũ phàng chi bấy hóa công.’

 

Nam, niếc. Bà rồ cả người lên.

 

Cái cơn rồ người ấy chảy từ từ thành một dòng lạnh toát từ đỉnh đầu xuống, rồi ứa vào trong vành mắt bà, rồi chui tọt vào lỗ mũi lỗ mồm bà, làm Trần Bích Băng nghẹn cả thở. Bà tím tái người vì căm ghét. Có lẽ, như bà vẫn ghét Trần Kiều Thư biết bao năm nay.

 

Kẻ ấy: thằng con trai xinh xẻo của gia đình, một thằng bóng èo uột chỉ biết ấp mặt vào những giấc mộng lầu hồng, còn bà: đứa con gái thô kệch, phàm phu, nhưng sắc sảo như băng đá, cứng cỏi như thép lạnh, đứa con đã lèo lái cái gia đình này thay cho lũ đàn ông, ôi chao, bà đã biết bao lần phải kinh qua nỗi căm ghét ông vì sự khác biệt giữa họ cứ thường được đặt lên bàn cân. Mẹ bà, hẳn trong một cơn rã rời về thần kinh, từng bảo với bà, sao Kiều Thư không phải là Bích Băng, mà Bích Băng không phải là Kiều Thư.

 

Nhưng có ước thế thì để làm gì? Ngu ngục, bà phát ốm với giống người ngu ngục, với những ảo tượng phụ hệ đần si, với gánh nặng làm người giữa nhung nhúc kẻ khác, với tình ái và những thứ hãm quẻ phái sinh từ những thực hành tình ái. Tình ái làm bà buồn nôn, và hiển nhiên, bà chỉ hạ cánh tạm thời vào những mối tình để cơ thể bà bớt khát. Tình ái, với bà, chẳng nhiều nhặn gì hơn là một mê cung của khao khát nhục thể, những sờ đụng, chọc ngoáy cũ kỹ mà con người bất lực để làm mới, và những cú phóng xuất trái khoáy của các chất dẫn truyền thần kinh. Thế mà đây, trước mặt bà, một con tình quỷ.

 

Bà định dúi đầu Trần Kiều Thư xuống, nhưng dằn được lòng, nên chỉ ra mặt mỉa mai cầm tờ giấy in hoa lên rồi hỏi:

 

“Thế hóa ra chiều nay anh nổi điên nổi đóa vì em Nam tôi?”

 

Kiều Thư yên lặng, gẩy tàn điếu thuốc Kiêu Binh rất nhã nhưng rất buồn tình vào chiếc gạt tàn sứ xanh ngọc.

 

“Tôi nói thế này Thư nghe được thì nghe.” Bích Băng ngồi thẳng lưng dậy, nhìn thẳng vào chỏm đầu của anh mình mà nói. “Tham ái không ai không có, lại còn là cái nẻo sắc dục thì mấy ai đi được đường quang mà cũng toàn phải quàng vào bụi rậm. Nhưng anh nghĩ xem, anh được nuôi trong cái nhà này như tiểu thánh á thần. Anh có biết hôm kìa tôi qua nhà bà Cả Đoan mà bà ấy còn hỏi han anh dạo này ốm o thế nào, rồi dúi tôi chục trứng vịt mang về cho anh. Anh nghĩ một bà già bần hàn như thế, xét ra cũng chỉ là bác gái bên nhà ngoại, mà còn thương anh đến vậy. Thế còn anh, anh lỏng buông tay khấu bước lần cái tình đạo này, thôi thì là nghiệp của anh, nhưng tự giày xéo mình như thế ngần ấy năm, thử hỏi có đáng hay không? Gia đình ta xưa cũng gặp hoạn nạn trong đợt Thiên Phân Địa Cải, nhưng rồi cũng dìu dắt nhau được đến ngày hôm nay, cũng gọi là có thể mở mặt với đời. Ngày xưa nghĩ còn sống được là tốt rồi, vậy mà nay anh vung vít cái mạng mình trong tay ba đứa trẻ ranh miệng còn hôi sữa. Anh thấy có đáng hay là không? Yêu đương thì cũng chỉ là yêu đương, có phải Hán – Sở tranh hùng đâu mà lần nào biệt cơ cũng như chết đi sống lại làm vậy? Tôi bảo anh, nào người phượng chạ loan chung, nào người tích lục tham hồng là ai? Đến cuối cùng, cũng chỉ còn tôi với anh mà thôi, điều ấy chẳng nhẽ anh không hiểu?”

 

“Thế chị nghĩ rồi đời tôi và chị cũng chỉ đến vậy? Chết già trong một xó với nhau? Chăn đơn gối chiếc? Chẳng nhẽ làm người mà không được mưu cầu hạnh phúc?”

 

“Anh nói cái gì? Anh nói cái gì? Thế anh còn muốn như thế nào? Anh ơi, ôi anh ơi, em bảo anh như thế này. Những cái ngữ ấy, cái giống trai tơ mà lại là trai lơ ấy, người ta trẻ trung mơn mởn như thế, anh thì chẳng sang cả gì, anh nghĩ người ta chịu anh hay sao? Anh ơi, trông người lại ngẫm đến ta, một dày một mỏng biết là có nên? Em xin khuyên anh một điều là thôi. Là thôi luôn.”

 

“Chị khuyên thì cũng để làm gì? Chẳng nhẽ những điều chị nói chị nghĩ tôi chưa từng ngẫm ngợi? Chị nghĩ tôi ngu độn thế à?”

 

“Tôi không dám một lần mạt sát cái trí tuệ của anh. Nhưng cái con tim của anh-”

 

“Thế chị phải hiểu.” Điếu thuốc Kiêu Binh run lên trong bàn tay Trần Kiều Thư. “Thế chị phải hiểu lấy một điều. Là tôi, tôi ấy, biết thân chạy chẳng khỏi trời, nên là, cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh. Ai bẽ bang? Ừ là tôi. Ai bi ai? Ừ là tôi. Vâng, tôi hiểu lắm, hiểu lắm, tôi chỉ là thứ bóng tàn đĩ tạ, củi mục cành khô. Nhưng không ai khác sống được cái đời tôi, như đúng cách tôi phải sống. Chị hiểu hộ tôi điều ấy được không?”

 

Mắt ông ngấn lệ, đôi bàn tay yếu đuối khép xuống cạnh đùi, làn khói thuốc bay lên mỏng mảnh như thân tằm phận tơ. Trần Bích Băng thở hắt ra, rồi bảo:

 

“Cái ngữ anh, dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ. Anh muốn giãi dề hàn huyên gì với Nam, thì xin anh cứ nốt, nhưng xong rồi thì anh nhanh chân rảo bước mà đẩy cái hồn anh về hộ tôi.”

 

Đoạn, bà giật gói thuốc Kiêu Binh vỏ mềm vàng bủng beo trên giường, dằn mạnh vào túi áo, rồi ban cho Kiều Thư một ánh mắt hắt hủi cuối cùng, trước khi quầy quả bỏ đi.

‘Cô gái với khăn quàng cổ xanh’ (1982) - Lê Phổ

 Khi Trần Bích Băng lên đến trạm xá, trời đã sẩm tối. Nỗi buồn buông xuống vai bà mênh mang như sông mùa lũ. Trần Ngân Diệp đương đứng hút thuốc ngoài giời, mặt mũi hốc hác bơ phờ. Tai ông ngơ ngẩn áp vào một cái đài cầm tay. Đài lại đang phát tin chiến sự Filasṭīn, kể lể bằng chất giọng ấm áp hơi quê mùa tình hình nhân dân Filasṭīn kiên cường trong gian khổ dưới ách áp bức của quân đế quốc ra sao. Vừa hờn đế quốc, vừa hờn cuộc đời, Trần Bích Băng đến bên cạnh em, lôi gói Kiêu Binh đã hơi nhàu nát ra rút một điếu cắm vào mồm.

 

“Thế nào rồi?” Bà hất hàm hỏi.

 

“Con trai. Con trai đấy.” Ngân Diệp trả lời, mặt tuồng như lại còn hốc hác hơn.

 

Bích Băng nhíu mày. Bà nhíu mày vì hai lẽ: một, ấy là, đàn ông trong nhà này chắc phải trăm năm nay chưa có người nào có tích sự gì mấy, tuyền phải nhờ vào đàn bà, theo thiển ý của bà, đời nào cũng có suất đinh nhưng toàn đinh cong đinh cụt; hai, đã vậy, cái thằng bé này sinh sau đẻ muộn, trước nó đã đủ bộ sậu những ông thừa tự từ lòng thòng râu nách đến thò lò mũi xanh rồi. Đâm ra, nghe tin bà lại hơi bực bực. Giá như nó là con gái, thì có khi bà lại lấy làm mừng.

 

“Trai à? Thế cũng mừng cho chú thím. Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài.” Bà nói gọn lỏn, rồi đứng im im hút nốt điếu thuốc, trước khi vào thăm em dâu.

 

Trần Phong Điền, thằng này: mặt quắt tai dơi, nhưng hai con mắt to thô lố, láo liên, sinh động, không giống như sơ sinh, mà như thể đã nhũ nhi, đúng là một con khỉ. Cũng thằng này: bàn tay trẻ nhỏ nhưng đã dày dặn, đường trí đạo rõ mồn một, nhìn là đã thấy sướng khổ toàn vì chữ nghĩa. Tuy nhiên lúc ấy, cả Trần Bích Băng cũng chưa lường được cái văn án sẽ lật úp đời cậu ấm Trần Phong Điền và đốt trụi ra tro điền sản nhà bà. Hiển nhiên, ‘thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ’, ấy là chuyện của nhiều năm sau. Lúc bấy giờ, bà chỉ thấy thằng bé ấy buồn cười, và cũng đáng yêu. Trần Bích Băng bồng thằng bé từ tay mẹ nó, chép miệng:

 

“Con giai tôi đẹp quá. Con mẹ Cúc của con giờ đúng là, lòng riêng khấp khởi mừng thầm: vui này đã bõ đau ngầm xưa nay. Thằng này là hợp tuổi tao lắm đây này.”

 

Em dâu bà, Phạm Thị Lãn Cúc, nằm tựa đầu vào gối cười ủ ê méo mó, cái gối lại ấp vào chân một bà đẻ đang nằm đảo đầu đuôi với chị này. Cặp chân vẫn còn phù nề trông tàn tạ buồn thương đến kinh hãi.

 

“Bác bế cho lây nhá.” Chị Cúc nói giọng chân quê. Giọng ấy là giọng chị cố tình giả vờ cho quê kiểng vậy. Cả đời chị đã học được rằng, không chân quê, không giống nhân dân khác, thì sống không bằng chết. Mắt chị nhìn chị chồng hơi long lanh, dù gương mặt chị còn tái dại.

 

“Gớm, chị cho tôi miễn.” Trần Bích Băng nguýt, tiếng nguýt đanh đá đến độ làm chị Cúc cười bựt cả khuy áo ngực. Trần Bích Băng liếc nhanh bộ ngực sồ sề của em dâu, rồi lanh lẹ trả lại thằng bé.

 

“Tôi được người ta cho ít sữa bột Liên Xô. Bảo thằng bố nó pha ra cho hai mẹ con cùng uống.”

 

Nói rồi, bà quầy quả đi ra. Bên ngoài giời, biển buồn thương vẫn còn táp sóng vào mặt người.

 

Đêm 12 tháng 12 năm 1992, bóng tối cắn nát đầu Trần Bích Băng.

 

Giữa trán bà xẻ một vết đau như búa bổ, lại một thân một mình ở nhà, lần giở lọ dầu gió đầu giường mà nước mắt bà tự nhiên chảy ra.

 

“Chút thân quằn quại vũng lầy,
Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?”

 

Bà vừa lẩm bẩm lẩy Kiều vừa khóc, kiểu khóc nghèn nghẹn giật cục như đang tự bạo lực thân mình của những kẻ không được giời ban cho cái can đảm khóc to. Bà muốn tru tréo lên, giời ơi, giời ơi là giời, sao đọa đày tôi đến như thế, sao kéo dài cái kiếp sống két bụi hồng lấm trần ai đến thế, các thầy tôi, các thầy kính yêu của tôi, sao chưa đến đón tôi mà đi?

 

Bà tựa đầu vào thành giường, tay với lấy bao thuốc Kiêu Binh. Trong một nháng rất nhanh, bộ ngực của em dâu bà, Lãn Cúc, bồng bềnh choán lấy tâm trí Trần Bích Băng – nhưng thứ dị dược ấy chưa kịp xoa lành vết thương lòng cho bà, thì đã làm lở lói ra bao vết thương mới.

 

Cơn đau luôn dẫn Trần Bích Băng về với những ký ức nấp dưới bóng hoa của Aleksandr Davydov. Vì anh đã chết rồi, tự mình chọn chết. Con người đã khổ ải, nhục nhằn, như mọi con người. Bà định nghe đài, nhưng sợ mình chỉ bi ai thêm hay oán hờn thêm khi lại nghe về Filasṭīn, nên đành hớp ngụm nước chè, súc súc trong miệng cho trôi đờm dãi, rồi lảo đảo đứng dậy ra đứng dưới bàn thờ. Bà thắp đèn dầu, rót nước, thắp hương, đứng chắp tay định khấn, nhưng rồi không biết khấn xin cái gì? Một nửa con người bà đau đáu mong tai họa đừng giáng xuống trên đầu xứ Filasṭīn đau khổ, một nửa con người còn lại xót xa van ơn trên phủ lên con bóng già tự đọa Trần Kiều Thư, nhưng trên hết thảy, bà chỉ mong biển sầu thương cõi thế xin hãy buông tha sải tay bơi đã rã rời của bà.

 

Bà không khấn Phật như mọi khi, mà lầm rầm:

 

“Tiện đây xin một hai điều,
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”

 

Khấn xong như thế, thì ngọn đèn dầu tự dưng leo lét rồi phụt tắt. Trần Bích Băng thở dài, nhắm mắt khấn tiếp:

 

“Hữu tình ta lại gặp ta,

Chớ nề u hiển mới là chị em.

Đã lòng hiển hiện cho xem”

 

Khấn xong như thế, thì thấy lạnh toát sau lưng, như có bàn tay xoa từ xương sống dọc lên đến đỉnh đầu.

Không sợ hãi, cũng không âu lo, Trần Bích Băng bèn đi ngủ.

 

Khi mơ, bà mơ thấy Aleksandr Davydov, vẫn lè dài cái lưỡi tím và nói với bà bằng giọng đớt, đang ngồi giữa một bầy thầy tu đầu chim mặc áo choàng đen trong một quầng tối. Bà gọi: “Alek, Alek, mắt ta đã mù hay ngoài kia trời tối thế?”, nhưng anh chỉ lắc đầu chầm chậm, cái đầu lặc lìa, anh nói, hiển nhiên bằng giọng đớt:

 

“Đồng chí Trần Bích Băng, xin chào đồng chí. Xin đồng chí ghi nhớ, phía Tây sẽ thất thủ vào ngày 14 tháng 10 năm ‘24. Bốn chiếc búa đen sẽ quai xuống hai trụ cột của phía Tây. Mặt kính của chiếc la bàn đạo đức vốn trung trinh chỉ hướng những chuẩn mực Judeo-Christian sẽ xuất hiện một vết rạn có tính quyết định, trước khi đi đến vụn vỡ tất yếu; Viên gạch nền móng cho niềm xác tín cậy nhờ vào những khái niệm phi nhân và phi giai cấp sẽ bắt đầu lụn bại, cho đến khi sự lụn bại lan tới viên đá đỉnh vòm. Dù rằng, kẻ đi tước đoạt có thể chưa kịp nhận ra điều đó, và kẻ bị tước đoạt càng chưa thể kịp nhận ra điều đó.

 

Tiếc thay, đây không phải là phúc âm, đồng chí Trần Bích Băng thân mến. Con người, dù ở giai tầng nào, cũng sẽ bị tha hóa cùng cực, và ở những giai đoạn tăm tối nhất, buộc lòng phải vĩnh quyết với tồn tại có tính chất người của họ, trước khi, như chúng ta vẫn hằng tin tưởng, kẻ đi tước đoạt sẽ bị tước đoạt, và công lý cách mạng để phủ định cái phủ định được thực thi.”

 

Trần Bích Băng lắc đầu buồn rầu: “Thôi đừng nói linh tinh nữa, Alek. Đi về thôi nào. Tôi thổi cơm tối rồi.”

 

“Đồng chí Trần Bích Băng, con người sẽ không trở lại nữa. Cái trở lại với thanh gươm sáng lòa chỉ là những viễn tượng của con người. Hiện tồn người sẽ trượt vào bản sao của các hình thức. Các hình thức này, đến lượt chúng, sẽ bị điều kiện hóa đủ để tự quy chiếu về những khả thể của trạng thái người. Cái chúng ta còn lại, đồng chí Trần Bích Băng, sau sự thất thủ của phía Tây, là sự tha hương của con người trên chính mảnh đất thân xác mình.”

 

Bà rên lên: “Alek, đừng chạy trốn khỏi tôi nữa. Trời đã tối lắm rồi.”

 

“Đồng chí Trần Bích Băng, cái chúng ta còn lại chỉ là những giấc mơ người được kết xuất-”

 

Nhưng bà đã cản Aleksandr lại bằng một cái khoát tay.

 

“Alek ơi, đồng chí Aleksandr-Davydov-con-người thân mến, tôi biết hết rồi. Cái chúng ta còn lại chỉ là nghiệp. Chúng ta chỉ là những kẻ thừa tự của nghiệp. Trời tối lắm rồi, hai mắt tôi đã lòa, hai tay tôi trống trải.”

 

Từng kẻ một trong bầy thầy tu đầu chim chìm dần vào vũng tối, và Aleksandr Davydov cúi mặt như thể đầu anh rồi đây sẽ bị bể buồn thương cuốn phăng.

 

“Dạ đài cách mặt khuất lời.” Bà thở than, những muốn cầm lấy bàn tay anh, đôi tay lóng ngóng như cặp chó gầy, nhưng biết là không thể.

 

“Con người này, con người này, con người này.” Bà nói.

 

“Cuộc đời này, cuộc đời này, cuộc đời này.” Bà nói.

 

Nhưng bà biết rõ rằng cả con người và cuộc đời đều vô vọng. Điều ấy thậm chí vẫn còn đúng, ngay cả khi Trần Bích Băng tỉnh giấc.

 

Previous
Previous

Day 50, Another war (2023)

Next
Next

Thơ văn dịch