thi quỷ
Nguyễn Vũ Hiệp
Tích tắc kim quay
ý nghĩa tháng ngày
là nhìn trôi đi.
Mũ cối
cha tháo sao vàng
kẻo vôi vữa bạc.
Mất trí nhớ
ông không biết đọc
chữ Nho ban thờ.
Lỗi mốt bao năm
áo mẹ mua cho
bằng tuổi rút ngắn.
Tích tắc kim quay
ý nghĩa tháng ngày
là chờ trôi đi.
Tắt TV
bữa cơm chung
mặn im lặng.
*
Mũ cài lại sao vàng
đưa con thăm Lăng Bác
không xa McDonald's
Thành phố hoang
mọc cỏ và con
trên vỉa hè rạn.
Tự bào chữa
cái loa phường kể
dài cuộc chiến xưa.
Nở để chờ tàn
lẵng hoa liên hoan
hẹn nhau thùng rác.
Công sở hoang
rào sắt đứng
canh lá vàng.
Những bức tường có tai
nghe nhau im lặng.
Hai tấm gương đối diện
nhân đôi lệnh bắt nhau.
Mũ rụng sao vàng
cha rưới lên mây
màu ly chè chát.
*
Con ơi
chúng ta mồ côi
sáng nay thức giấc
ngôn từ chết rồi
con không nói gì
cha bật TV
họ nói mấy mươi năm
điều mình không nghĩ.
Đốt ngựa vàng mã
tàn tro bốc cao
mũ quan tưởng tượng
bay lẫn biển sao
tối qua mẹ lên đồng
mặc đồ quan ông
khiêng cơm tối nguội
đi lấp bể Đông.
Những hồn cha chú
lẩn sau đám râu
cỗ nghiêng ly rượu
mới dám nhìn nhau
họ tìm nhau khò khè
ở trong chức danh
em bé học câu chửi
cho lớn bằng anh.
Những trứng vẹt mới nở
học nói giọng người ta
càng gọi nhau lại
càng cách xa
cha sợ con sẽ
lại lảnh lót đêm
trong mộng hót
tiếng bị quên.
*
Nhật nở
cô liêu
tràn qua gối những
bình minh màu chiều.
Phố rộ lầm rầm
tiếng ồn người câm.
Ngôn từ rời nấm mộ
ngật ngưỡng mọc mầm xuân.
Rụng như lá vàng
những nội tạng hư,
tử thi ngôn từ
đứng đợi ngã tư.
"Nó hút máu không nhỉ?"
- con hỏi thầm.
Và con vừa dùng nó,
câu hỏi của người câm.
Nó biết tưởng tượng.
Nó biết soi gương.
Gương hiện mặt con
- bình thường.
Trở thành nó
con vào đời.
Thân con xào xạc
những mùa thịt rơi.
*
Như loài thi quỷ
những văn bản đi
đến khi ngã rụm
bế nhau sầu bi
chúng con nhặt mảnh vụn
rồi ghép lại hình nhau
"Ngôn ngữ thơ này mới!"
- lời khen chỉ khâu.
*
Mãi đi
và mơ
vỡ vụn rồi ghép lại
sinh thể thơ
Không có trong từ điển
sự đứng yên
cơ thể ngôn ngữ
đi tìm vẹn nguyên.
17.08.2023
• Ghi chú của người viết:
Trường ca này được soạn để truyền tải một giả định mà tôi đặt ra mấy tuần gần đây, rằng một sự thất bại chung của ngôn ngữ trong xã hội đương đại đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng dạng ngôn ngữ phi tuyến tính, phân mảnh, mờ tối và gần như mơ mộng vào nghệ thuật đương đại – bao gồm những bài thơ tự do mà tôi viết ra một cách vô thức. Ngôn ngữ nghệ thuật chỉ trở nên phi tuyến tính một cách chính đáng khi ngôn ngữ tuyến tính thường nhật đã mất khả năng truyền tải hiện thực xã hội và hiện thực nội tâm. Những suy tư và cách tân này đã được thực hiện ở phương Tây từ một thế kỷ trước khi người Việt Nam du nhập chúng với rất ít suy tư. Tôi nghĩ đây là một khuynh hướng khó đảo ngược ngay cả ở phương Tây - một phần vì các đại tự sự kiên cố đã sụp đổ, chỉ để lại những mảnh vụn lẫn lộn trên một mặt phẳng nằm ngang; phần khác vì con người đã quá hiểu biết về ngôn ngữ để có thể tiếp tục tin vào chúng.
Nhưng khi đứng trên phế tích của các đại tự sự, chúng ta có nhất thiết phải tin vào sự vô nghĩa? Có thể chọn một thái độ khác: xem các mảnh vụn trên mặt đất như những đồ chơi và công cụ song hành để đạt được một năng lực tạo nghĩa linh hoạt và vui thú hơn. Đây không hẳn là một thái độ hậu hiện đại, chiết trung, tạm thời, phản cái đẹp, hay phi lý tưởng, vì Trang Tử đã chơi như thế một cách đẹp và bền vững từ cách đây hơn 2000 năm. Lối viết hỗn hợp mà tôi thử dùng trong trường ca này sinh ra từ những suy nghĩ đó.
Trước hết, tôi nhìn nhận rằng mình sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn đối nghịch nhau trong cùng một văn bản. Bài thơ phải mô tả được cả bối cảnh xã hội khách quan lẫn tâm cảnh chủ quan; phải đủ sáng rõ để truyền đạt suy nghĩ cho người đọc và đủ mờ tối để khơi gợi trong họ một tâm tình tương đồng với người viết… Lối viết thơ tự do mà tôi thường dùng không đáp ứng được tập nhu cầu đa dạng này, vì nó nghiêng về việc phóng chiếu nội tâm thành những chuỗi biểu tượng – tức là thiếu cả tính khách quan lẫn mạch tư duy. Để bù đắp khoảng trống về mạch tư duy, tôi chọn viết trường ca, và lập dàn ý cho từng đoạn như khi viết truyện ngắn hoặc bài báo. Để bù đắp khoảng trống về tính khách quan, tôi chọn viết nửa đầu bằng các kỹ thuật dành cho thơ haiku. Vẻ phân mảnh của thực tại cũng được làm rõ thêm bằng cách chuyển giữa ba lời kể - là lời khách quan của người dẫn truyện trong đoạn đầu, lời chủ quan dễ hiểu của người cha trong đoạn giữa, và lời chủ quan hơi khó hiểu người con trong đoạn cuối.
Tôi muốn dần kiểm nghiệm một niềm tin của mình - rằng việc đa dạng hoá lối viết, và phân công lao động giữa các lối viết khác nhau trong cùng một văn bản, sẽ cho phép người viết phát triển cùng lúc các phần khác nhau trong con người mình, tạo cơ hội cho chúng hợp tác với nhau thay vì mâu thuẫn và áp chế nhau.
Dù vậy, phải thừa nhận rằng lối viết cho phần lời kể của người con đã không được tuỳ chỉnh nhiều như tôi muốn.