KHI TÔI NGHĨ VỀ PHÁO HOA Ở HỒ MICHIGAN
Maik Cây
Bạch Mai, tháng Tám: khi tôi hình dung bản thân đã hồi phục trở lại từ một cơn đại địa chấn tâm hồn, khi tôi dường như có thể nghe mình cười vang trong một buổi tối không tên mà chẳng cần nửa pha kích thích nhân tạo, khi tôi, lần nữa, tưởng đã nuốt trọn cái tên nàng vào vùng bóng tối của kho lưu trữ ký ức, chính lúc ấy, tôi khởi sự đọc lại mọi quyển sách của Trần Bích Băng mà tôi đã từng đọc.
Tôi ít kể với ai rằng tôi có đủ sách của bà trong nhà, thậm chí, một cuốn có chữ ký từ thời năm 1994 mà tôi mua lại từ một người quen. Tôi không xấu hổ vì đọc bà, tôi đoán vậy, vì kể cả khi người ta không thích thứ văn chương bóng loáng rối mù của Trần Bích Băng, thì người ta luôn có thể tiếp cận bà dưới góc độ nghiên cứu nữ quyền lệch pha. Khi người ta thầm nghĩ bà rởm rít về mặt chất lượng tư tưởng, thì người ta vẫn có thể ranh ma luồn lách để thụ hưởng bà bằng cách ngẫm về bà như một nhà tranh đấu cho đa-quyền. Việc đọc Trần Bích Băng, theo thiển ý của tôi, không khiến một vị trí thức trẻ đáng kính nào (những người quất một roi lên lưng và tự răn mình ‘Latina est gaudium — et utilis!’ mỗi sáng rồi nằm đệm gai đọc Nam Hoa Kinh để hỗ trợ tiêu hóa mỗi tối) phải thấy rầu lòng hay tự khinh khi gu đọc của chính mình.
Dù vậy, tiết lộ rằng tôi đọc bà và thậm chí còn đọc đầy đủ và khá say mê là một sự chướng tai gai mắt thế nào đó, trong quan niệm của cá nhân tôi. Hơn hết, tiết lộ rằng tôi đọc bà, đọc một cách gay gắt trong suốt hơn một tháng ròng gần toàn bộ đống tác phẩm hổ lốn của bà, thì không khác gì tiết lộ cho cả bàn dân thiên hạ về chuyện tôi bị con đĩ tình yêu trêu ngươi, lần nữa. Mười tháng trước, khi đi ra khỏi cửa nhà của một người con gái khác, tôi cũng mất hai tháng việt dã qua các trước tác đầy vật lộn sầu khổ của bà già này. Không có lý gì phải rao lên cho làng nước biết rằng tôi bị một người nào đó bạc đãi, như Trần Dần cứ đòi, mà chỉ cần làm như Trần Dần đã làm, ấy là đến ngã tư xưa rồi đứng dưới một ngôi đèn bỏ.
Điều kinh khủng là tôi toàn đến ngã tư xưa dưới ngôi đèn bỏ ấy với một cuốn sách của Trần Bích Băng. Tôi không thích đọc bà lúc nào khác ngoài lúc thất tình. Chỉ khi bị con đĩ tình yêu nhổ vào mặt, người ta mới đủ suy vi để bị bà chinh phục. Những khi giở sách Trần Bích Băng ra đọc (đặc biệt là tiểu thuyết mỏng ‘Một kẻ chửi rủa ải nhân gian’ và tập truyện ngắn ‘Con ngỗng của một trinh nữ già’ – hai con quỷ cái đội lốt sách), tôi thường mường tượng bà ngồi cạnh tôi, ngắm nghía những vết thương lòng của tôi toác ra trở lại với mỗi nhịp lật sách, và rồi, hết sức duyên dáng và tàn ác, dí một móng tay cắt tỉa lởm chởm vào vết thương hở của tôi và hỏi thản nhiên: ‘Đau không?’
Một bà già ác nghiệt, phải, chính bà.
Nếu tôi phải nói điều gì, thì tôi sẽ nói ‘Đau chứ, thưa bà.’ Nếu không đau đớn thì việc gì phải đọc đi đọc lại bà và tự giày xéo bản thân như một kẻ thống dâm. Nếu không mất ngủ hàng đêm vì những huyễn tưởng và dằn vặt về tình thì việc gì phải gạch chi chít dưới những dòng thơ nồng nhiệt không được hồi đáp bà gửi cho những bà già người yêu của bà. Các nàng thơ bà ngoại – tôi hãy gọi họ vậy, ý là những người yêu cũ đã được Trần Bích Băng ngâm trong formol và bất hủ hóa qua văn chương thơ thẩn – tôi vừa nửa thèm khát họ (vì Trần Bích Băng ướt nhem nhép khi luận về tình ái), nửa lại thấy hơi gớm (vì biết thừa các bà hoặc đã tịch hoặc đã nhăn nheo như những quả táo tàu ngâm rượu. Rồi tôi lại tự trách mình sao nỡ thực hành chủ nghĩa tuổi tác một cách vô tri như thế.)
Bạch Mai, tháng Chín: Thỉnh thoảng tôi tự dưng tỉnh giấc vào khoảng 3 – 4 giờ sáng, rồi trằn trọc mãi không ngủ lại được. Có đôi khi tôi ra tủ lạnh ăn một lát bánh mỳ hoặc nhấp một ngụm rượu gạo nhỏ rồi quay lại giường hòng cứu vãn giấc ngủ, có đôi khi tôi đốt hai điếu thuốc rồi ngồi mãi trong bóng tối ngoài sân nhà, đợi chờ không gì cả, có đôi khi tôi chỉ nằm dài mãi như thế. Tôi lần giở những kỷ niệm mà tôi và nàng đã ôm ấp trong sáu tháng ngắn ngủi với nhau, mân mê chúng trong đầu óc và để cho những con bướm rồ dại chạy quanh ổ bụng, trước khi dùng những ngón tay buốt giá của lý trí bóp nát từng con bướm một. Tôi thầm nghĩ, và tôi thầm mong, rằng tôi đã hết yêu nàng.
Thế nhưng, tôi thú nhận là tôi vẫn còn nghĩ về cái lần đầu tiên nàng cởi áo trước mặt tôi (thực ra là sau lưng tôi, phải nói chính xác hơn là cởi áo trước sự hiện diện của tôi), và nàng bảo ‘Xin lỗi vì ngực chị không được đẹp lắm’, trước khi áp bộ ngực trần mềm mại vào lưng tôi để giấu mình. Tôi thú nhận là tôi vẫn còn nghĩ về cách nàng hay nhìn trộm tôi khi chúng tôi đi tàu với nhau, đôi mắt mà tôi không sao đọc được, đôi mắt mở nhưng chỉ dẫn vào cửa lòng đã khép. Tôi thú nhận là tôi vẫn còn nghĩ về cái lần ở quán Con Mèo Què, trong buổi đọc thơ có cả người yêu cũ của nàng, tôi theo thói quen kéo mặt nàng vào hôn, nhưng nàng giật nhẹ đầu ra né tránh, một cái giật đầu nhẹ đến gần như không thể nhận ra, nhưng mãi bóp nghiến cổ tôi trong một nỗi bất an khôn cùng. Tôi thú nhận là tôi vẫn còn nghĩ về hôm chúng tôi chia tay, khi chúng tôi không thể nói gì với nhau mà chỉ biết nhìn quanh, tôi mừng húm mỗi lần con chó Khánh Lan chạy lại dưới chân và sục sạo ngửi tôi vui vẻ - con Khánh Lan, cái con chó với cái tên của một người đàn bà ấy, cho tôi một cái cớ để không phải nhìn vào mặt nàng. Tôi những tưởng tôi chán ghét nàng đến độ cơ thể tôi đâm ra câm nín, mà không biết rằng tôi đã đau đớn đến độ không mở miệng ra được.
Trong quãng thời gian ấy, tôi hay mơ thấy, một giấc mơ bị dệt đi dệt lại trên khung cửi của một nàng Penelope đã hóa dại, tôi mơ: tôi nằm úp mặt vào lưng nàng ngủ, và khi tôi tỉnh dậy, vẫn trong giấc mơ ấy, thì cây cỏ đã mọc đầy trên tấm thân hai người, và nàng đã chết từ rất lâu. Tôi cũng hay mơ: giữa hai chân tôi mọc ra một dương vật màu sapphire và tôi thượng lên nàng bằng thứ công cụ tân kỳ này, nhưng khi xong xuôi, nàng nói: ‘Chị không thích cái thứ này’, và tôi rơi vào một khối bẽ bàng tột cùng. Và quả tình tôi đã hay mơ: tôi với nàng lái xe qua Ngũ Hồ, một chuyến đi không bao giờ kết thúc, mà chúng tôi chẳng nói đến nửa lời với nhau. Tôi ngâm mọi người yêu cũ của tôi vào những bể dung dịch giấc mơ, và hình tượng hóa họ cho dễ mường tượng khi phải lần sờ lại ký ức. Và nàng – nàng là cây cỏ trên thân xác, là dương vật màu sapphire bị chối bỏ, và là Ngũ Hồ - hay đúng hơn, là Hồ Michigan.
Tôi đọc Trần Bích Băng lần đầu tiên năm 17 tuổi, một truyện ngắn 6,235 chữ có nhan đề ‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’. Với tôi, đến ngày hôm nay đó vẫn là truyện ngắn tuyệt luân nhất về thất tình mà tôi từng đọc. Trần Bích Băng viết truyện ngắn này 4 tháng sau khi chia tay bạn gái 8 năm của bà. Câu chuyện thì chỉ loanh quanh việc hai ả nọ lái xe qua Ngũ Hồ, hút thuốc uống bia tán gái rồi chia tay nhau đùng đoàng cả lên. Những lúc không thất tình, tôi thấy truyện này quá bán là một mớ chữ nghĩa tào lao, nhưng hễ tôi cứ thất tình là đọc thấm không thể tả được. In kèm truyện ngắn là một bức tranh đen trắng chụp Hồ Michigan và khu vực lân cân từ vệ tinh. Tôi thỉnh thoảng lại đánh mất mình trong bức hình đen trắng đó: tôi lang thang ở Hồ Michigan phiên bản ảnh chụp vệ tinh trong tâm tưởng, và đôi khi tôi lấy ngón tay di một vòng quanh viền hồ, tưởng tượng ra hai cô ả nọ đã si mê nhau và căm tức nhau và đuổi bắt nhau và hờn ghen nhau ở những quãng nào.
‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’ của Trần Bích Băng chịu ảnh hưởng khá rõ ràng từ Lorrie Moore, người mà bà sùng bái và hình như hơi yêu thầm thời sinh viên. Bà đi tìm kiếm cảm hứng trong một số chủ đề được đề cập đến trong tập Self-Help năm 1985 của Moore, tái vận dụng cách Moore dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (và vinh danh cách dụng ngôn khó nhằn này). Không thể phủ nhận rằng kể từ giai đoạn này, bà đã thể hiện kỹ thuật khá chắc tay, dù cách lên đường nét vẫn nhiều khi thô kệch, còn lối thể hiện tình cảm dễ sa vào những tuồng sến súa. Tuy vậy, sự thô kệch và sến súa của ‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’ lại tạo cho viết lách của Trần Bích Băng một dáng vẻ tự nhiên, hợp với vai bà đang được phó thác lúc đó là nhà văn nữ da màu đồng tính khu vực Đông Á, một ‘cái khác’ thoáng vị hương xa.
Ảnh: Hồ Michigan và khu vực lân cận
(Nguồn: Đơn vị Khoa học Trái đất và Viễn thám, Trung tâm Vũ trụ NASA Johnson, Đoàn thám hiểm ISS 60)
Bẵng đi vài năm, tôi vào Đại học và đụng độ với một tiểu thuyết của bà – ‘Dục vọng’. Đây là tiểu thuyết nhập môn cho mọi sinh viên nếu muốn tìm hiểu về Trần Bích Băng, là tác phẩm gây tiếng vang lớn nhất của bà – cả về sự đồ sộ của khối nhân vật (88 nhân vật, trải dài suốt 5 thế hệ) và tư tưởng kỳ lạ của bà về vấn đề tham ái ở con người. Tôi chưa bao giờ hoàn toàn phải lòng ‘Dục vọng’. Tôi luôn cảm thấy chúng tôi (nghĩa là tôi và ‘Dục vọng’) như hai người tình lạc vào một cuộc tình mà chính họ cũng thấy xa lạ. Hình dung của tôi về ‘Dục vọng’ lúc nào cũng giống như một tòa nhà theo chủ nghĩa Thô Mộc kiểu Sô-viết, nhưng một nửa lại được Jeff Koons hóa bằng một lớp tráng gương loang loáng ngứa mắt. Tôi biết đây là một loại mô tả khá tối nghĩa, nhưng tôi thấy khó lòng có thể dùng từ ngữ để bao quát cảm nhận của mình, nên mới phải vận đến những thứ nặng về thị giác đến vậy.
Đọc ‘Dục vọng’ làm tôi choáng váng, vì tôi mường tượng về Trần Bích Băng rất khác. Tôi nghĩ bà là dạng người toàn tâm toàn ý cho tình yêu, một kẻ mị tình và ít nhiều đã trầm luân vì sự tối tăm vì tình của mình, nhưng hóa ra lại không phải vậy. Bà hoàn toàn có thể khô khan, mưu cầu tính mục đích cho những khối văn bản bà sản xuất (mà ở đây, là mục đích ngoại hóa các tư tưởng mà bà thuyết giảng). Tôi đã bị ‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’ lừa cho một cú nhớ đời.
Ba phần tư số bạn gái cũ của tôi thờ ơ với Trần Bích Băng, thậm chí có người còn chẳng biết bà là ai. Bà không phải một cái tên mà người người nhà nhà đều biết. Dù vậy, tiểu sử của bà gắn liền với một nữ nghệ sĩ hình ảnh khá tai tiếng hồi thập kỷ 90 – Ngô Long Vân – một người mà các tác phẩm nghệ thuật đa dạng thức và bán-khiêu dâm của bà đã gây ra những tranh cãi nảy lửa trên phương tiện truyền thông thời bấy giờ. Bà Long Vân chính là người bạn gái 8 năm đã gây ám ảnh cho Bích Băng đến độ bà viết ‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’. Truyện ngắn này rất có thể là một dạng tự sự núp bóng văn chương hư cấu của bà.
Ngô Long Vân là con gái út của chính trị gia cực tả Ngô Long Viễn. Không như các chị gái của mình, một người theo nghiệp chính trị của cha và một người trở thành giáo sư ngành Kinh tế Tài chính công tại Đại học Wisconsin, Long Vân trở thành người mẫu từ năm 16 tuổi, sau đó hai năm thì tham gia ban nhạc punk nữ quyền ULTRAGuerrilla trong vai trò chơi trống, và bắt đầu đạo diễn cũng như tự đóng nhiều phim á-khiêu dâm thử nghiệm. Cần phải lưu ý rằng, Ngô Long Vân chưa bao giờ đồng ý với việc dán nhãn cho những bộ phim này là khiêu dâm, bởi theo lời bà: ‘Nếu khiêu dâm không phải là mục đích, thì phim của tôi không nên được gắn mác khiêu dâm. Nếu người xem chỉ nhìn thấy cái khiêu dâm, thì có nghĩa rằng người xem đã quá lười biếng để có thể di trú sang những vùng nhận thức khác.’
Ngô Long Vân gặp Trần Bích Băng tại tiệc mừng năm mới của một người bạn chung, và hai người ngay lập tức phải lòng nhau. Theo lời Trần Bích Băng: ‘Tôi bị choáng váng bởi hào quang tự nhiên của Long Vân, còn Long Vân ảo tưởng rằng tôi là Hannah Arendt đội lốt một con bò cái’. Ngô Long Vân miêu tả lại một cách hơi cợt nhả về ấn tượng đầu tiên của mình khi gặp Trần Bích Băng: ‘vô cùng khủng khiếp’, ‘một người răng như rừng gươm, miệng tợ chậu máu, mỗi tiếng nói đều vang vọng như người đứng thét trên đỉnh núi’. Ngô Long Vân duy trì thói quen cợt nhả đó trong mọi cuộc phỏng vấn chung với Trần Bích Băng, nhưng dù đùa cợt thế nào, cũng luôn dành sự kính trọng rất lớn cho những viết lách của bà, và thể hiện tình yêu với bà không chút che giấu. Nhiều nhà nghiên cứu tiểu sử cho rằng, Bích Băng không hoàn toàn đáp lại hết tình cảm đó, mà chủ yếu đam mê nhan sắc của Long Vân và của cải của cha bà. Nhận định này có thể là rất bất công, vì trong suốt 8 năm sau đó bên nhau, dù chưa lúc nào hoàn toàn thoát khỏi cảnh bí bức về tài chính và không nhận được sự hỗ trợ nào từ gia đình Ngô Long Vân, Trần Bích Băng tương đối tận tụy với bạn gái mình và công việc sáng tác hình ảnh của bà.
Ngoài hỗ trợ các công tác lên kịch bản, quay phim, và dàn dựng cho nhiều tác phẩm điện ảnh của Ngô Long Vân, Trần Bích Băng cũng trực tiếp tham gia bộ phim ‘Vu sơn thần nữ/巫山神女’ (1996) trong vai trò diễn viên. Bộ phim với nhiều cảnh làm tình nữ - nữ/nữ chuyển giới, nữ/nữ chuyển giới - nam chuyển giới táo bạo, một trường đoạn dài 27 phút quay cảnh thiên nhiên tại đảo Koh Phangan nhưng lời dẫn là một loạt các mô tả chi tiết về cực khoái trong và ngoài âm đạo của người nữ, các phỏng vấn và tường thuật về trải nghiệm tình dục của người nữ (bao gồm người nữ đồng tính và chuyển giới nữ). Bộ phim gây tiếng vang lớn trong giới nghệ sĩ lệch pha và thể nghiệm, nhưng bị cấm chiếu ở quê nhà của Bích Băng và Long Vân do nội dung quá gây hấn với bối cảnh bấy giờ.
Tôi và nàng đã rất nhiều lần xem đi xem lại bộ phim này với nhau, phần lớn vì mục đích công việc nghiên cứu chứ không phải vì mục đích khiêu dâm (mặc dù bộ phim có thể gây ra những cảm xúc và hành vi không lường được về mặt tình dục, quả có vậy). Nàng mê Ngô Long Vân và tự nhận rằng, đối với nàng, bà là nàng-thơ vĩnh cửu của điện ảnh độc lập. Nàng đặc biệt chú ý đến một bộ phim mà tôi thấy ngớ ngẩn, lên gân, là ‘Who the fuck wants to be John Waters’ best friend?’ (Bộ phim có nhan đề chính thống tiếng Việt là ‘Đứa đéo nào muốn làm bạn thân của John Waters?’, một nhan đề từng bị đánh giá là quá báng bổ) mà Ngô Long Vân đạo diễn và đóng chính vào thời kỳ đầu làm phim của bà. Bộ phim này được làm trước khi Ngô Long Vân quen Trần Bích Băng. May thay! Tự coi mình là một người hâm mộ (theo một nghĩa nào đó) và tương đối hiểu (về mặt lý thuyết) con người của Trần Bích Băng, tôi dám cá là bà không bao giờ thèm tham gia vào một bộ phim như thế. Hoặc giả có đi chăng nữa, thì bà đã làm nó khá khẩm lên ít ra là 53%. Nói chung, goût của chúng tôi không mấy hợp nhau, dù điều đó thì có đáng kể gì, bởi chúng tôi hiếm khi cãi nhau về goût của mỗi người.
Cái khiến chúng tôi cãi nhau là tất cả mọi thứ khác: bạn gái cũ của nàng, thái độ ‘thiếu cầu thị’ (theo nàng) của tôi, tính khinh người của tôi (mà nàng cho rằng do tôi thuộc loại gắn bó không an toàn-né tránh, tôi không biết mấy thứ gắn bó gắn biếc này có nghĩa mẹ gì) và tính lụy người của nàng (mà tôi cho là do dở hơi và thiếu tự tôn, còn nàng cho là do nàng thuộc loại gắn bó lo âu), cách nàng thích gây hấn tự động và cách tôi rút lui ngay vào cái vỏ ốc của mình khi cuộc tranh cãi lên cao trào và thường tự khóa mồm mình trong lúc nàng la hét, cách tôi rửa bát phí phạm nước nôi và cách nàng tỏ ra kinh tởm những món thịt thà không phải đồ chay của tôi (nàng ăn chay, bạn gái cũ nàng ăn chay, ‘phần lớn bạn bè chị ăn chay, nên em không phải lo cho chị’, khi tôi ngu ngốc hỏi nàng có phiền khi người ta hay hỏi hoặc làm khó nàng về lựa chọn ăn uống này không. Tôi quả từng có cảm tình sâu đậm với mọi người thực hành ăn chay cho đến khi nàng thở ra câu này). Túm lại: mọi thứ.
Tôi không hiểu vì lý do gì mà chúng tôi cãi nhau nhiều đến vậy. Chúng tôi như hai con gà mái điên, hai con gà mái xù lông dựng cánh nhảy lên nhảy xuống một đống rơm rối nùi là đời sống chung chạ ngớ ngẩn. Tôi luôn tự hỏi, những ngày êm đềm đã biến đi đâu mất, đã hóa hơi đi đâu trên những quãng đường chúng tôi sóng bước? Tô An, một gã bạn thân của tôi, bình luận ngoa ngoắt: ‘Ô-môi trên ba mươi chỉ có drama thôi, chị hiểu không?’ Thật tôi muốn nghiến gót giày lên chân con ả, vì gớm, lũ bê-đê đực thì hẳn lại chẳng phải là các bà chúa kịch tính đấy?
Mà thôi, tôi đã không cãi lại Tô An, cũng không phí nửa câu miệt thị cho gã bạn bê-đê nào. Mà thôi, tình yêu chỉ là vết cháy, tình yêu chỉ là nòng súng ấm, tình yêu chỉ là một trò chơi người ta luôn luôn phải thua, trích dẫn hết các loại lời bài hát sáo rỗng nhất ra đây cho tôi. Mà thôi, sự thật là, tôi đã rất suy vi, tim tôi đã vỡ thành hai trăm mảnh, không đùa một tí nào. Tôi đã nằm bết trên giường, đôi khi, chờ một tín hiệu gì đó từ nàng, thậm chí một giấc mơ mà tôi hay tự diễn dịch là thông điệp truyền từ nỗi nhớ mãnh liệt của nàng sang tôi. Nhưng nhà quê và rầu rĩ lắm thay, dù chẳng muốn phải thưa thốt ra, thì ‘người ta nào có thương tôi’, như ả bóng già Tô An bạn tôi thường oán than mỗi khi bị một con đực to đần khác ruồng rẫy. Tôi đoán vậy. Chỉ là tôi đoán vậy.
Quả tình, tôi thú nhận: đôi khi, tôi trả vờ như vô tình đi qua sở làm của nàng, đôi khi, tôi ngóng trông một tiếng gọi giật tôi lại ngoài đường, đôi khi, tôi vẽ đủ viễn cảnh ra mình sẽ làm mình làm mẩy thế nào nếu biết nàng và bạn gái cũ quay lại. Phải, là tôi, chính ả khốn khổ này đã lững lờ trôi trong một bể sầu mênh mang.
Quả tình, tôi trách cứ: ký ức về những nụ hôn khuya, sao mày chưa biến đi, ký ức về bàn tay luồn vào trong tay tôi giữa biển người và mái tóc lởm chởm vụng dại chọc vào má tôi, sao mày chưa biến đi, ký ức về làn da quá ấm và cái lưỡi quá nhỏ, sao mày chưa biến đi? Ta mong rằng chúng bay sẽ biến đi, biến đi ngay và đừng dẫm lên lồng ngực ta mà giày xéo. Tôi đọc lại chiếc bưu thiếp nàng gửi ‘Những ả lesbian phản loạn! Đấu tranh, phản kháng, và yêu đương! Hãy giữ thiệp này để làm bùa hộ mạng cho em nếu hệ thống muốn đánh gục em.’ Nhưng người yêu ơi, chua cay thay và nực cười thay, hệ thống chưa đánh gục tôi, tư bản chưa hạ sát tôi, thể chế chưa nghiến nát tôi, mà chính lại là người.
Bạch Mai, tháng Mười: Tôi gần như ngày nào cũng khóc vì Palestine. Tôi đi lại trong nhà và lẩm bẩm một mình: ‘Từ sông sâu đến bể đầy’, hay thỉnh thoảng, tôi đi thắp hương với đọc Kinh hồi hướng cho những người đã chết. Tôi thấy mình già đi 50 tuổi, và khổ đau trong nỗi buồn chung của con người khi đứng dưới bóng đổ của những thập kỷ đen tối. Tôi nhớ nàng, và tôi nghĩ, nếu không phải là người yêu, có lẽ chúng tôi vẫn còn là những người đồng chí tốt. Tôi nhớ lại cái meme động cuối cùng tôi đã lưu trên điện thoại định gửi cho nàng. Nội dung chiếc meme như sau: ở trên, một dòng văn bản - ‘Khi một con mèo cái gặp đúng con mèo cái của mình’ và ở dưới, đoạn video ngắn – nhỏ một giọt thủy ngân vào nhôm nguyên chất, và bề mặt tấm nhôm sủi lên thành một con rắn hỗn hống ngóc cao đầu lên khỏi tấm nhôm phẳng. Như rất nhiều cặp đôi khác chia tay trước khi kịp gửi chiếc meme cuối cùng cho nhau, chúng tôi đã vĩnh viễn bỏ lỡ dịp cùng cười (hoặc giả bộ cùng cười) với nhau trước một tác phẩm mì ăn liền của chủ nghĩa thông-tin-vừa-miếng.
Hai nhân vật chính trong ‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’ nuôi chung với nhau một con mèo cái màu đen và đặt tên ả mèo này là Yoko Ono. Yoko Ono-mèo này chính là kẻ đã làm nhân vật ‘tôi’ bừng tỉnh ngộ sau bảy bảy bốn chín hồi vật vã vì tình. Đại thể, trong lúc cuồng nộ dưới cái ách tình yêu (xin cụ thể hóa: người yêu không hồi đáp thư suốt 3 tháng trời), ‘tôi’ nằm yên trên sàn nhà suốt 8 tiếng đồng hồ không nhúc nhích, cho đến khi Yoko Ono trèo lên người ‘tôi’ ngồi một cách điềm nhiên.
Trần Bích Băng viết: “Mùi của Yoko Ono xâm lăng vòm mũi tôi, mùi của một con mèo cái, và tôi nhận ra, cả cuộc đời mình, tôi đã rồ điên thế nào vì những con mèo cái. Chính tôi, một con mèo cái, lang thang và cô độc đến từng sợi lông mèo cái, tôi hẳn cũng đã làm bao nhiêu con mèo cái phát điên. Nhưng chẳng nhẽ đấy là ý nghĩa của cuộc đời những con mèo cái hay sao? La hét vào trăng sao và phát cuồng vì không thể hiện hữu trọn vẹn với chính mình và với nhau? Tôi đã 34 tuổi mất rồi, và tôi vẫn đi quanh một vòng tròn vô tận của cơn khổ nạn tình yêu.
Chính giờ khắc ấy, một sự việc có tính thiên khải xảy ra: Yoko Ono đứng dậy, xoay ba vòng để tìm được chỗ nằm vừa ý, rồi cho cặp mông nặng nề của ả hạ phàm lên nơi ắt hẳn là ngay trên bọng đái của tôi. Cuộc hành hương nằm tám tiếng của tôi thế là đành kết thúc - ả làm tôi nhận ra mình buồn đái vô cùng. Trong lúc vừa đái vừa thất tình, tôi bỗng nhớ ra rằng: Tất-đạt-đa Cồ-đàm xứ Ấn Độ cổ đại đã đạt được giác ngộ chính pháp , trở thành Phật toàn giác, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 35 tuổi, rằng Jesus thành Nazareth đã bị bội phản ở vườn Getsemani, đóng đinh trên thập giá rồi phục sinh vào một ngày Chủ Nhật nọ và trở thành Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Tiên Tri vào quãng đâu đó tầm 33 tuổi. Cho một người 34 tuổi đau khổ, câu hỏi lớn nhất đặt ra cho kẻ đó có lẽ chỉ là: giờ ta phải trở thành Chúa Jesus hay thành Đức Phật?”
Như bà, dưới ách khổ đau, tôi cũng dành câu hỏi đó cho tôi.
Văn chương của Trần Bích Băng là thứ văn chương rất cơ thể tính. Không hẳn vì nó khuấy đảo các giác quan cơ thể, mà chủ yếu vì sự giống-cơ-thể của nó. Bà càng viết nhiều thì cơ thể đó càng nhiều cơ bắp hơn và ít mỡ màng hơn. ‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’ là dạng mỡ màng thời kỳ đầu, cái thời kỳ mà khi bà nói về tình yêu, thì đó là về tình yêu, chứ không phải là cái rhizome ham muốn đan dệt nên bởi hệ thống tư bản. ‘Dục vọng’ là cơ thể đã qua trui rèn, có sự sắt đá trong từng thớ cơ và những đường gân chạy dọc bắp vế. Tôi rất sợ giai đoạn Tam liên họa – Triptych của bà sau này. Ngắn gọn mà nói, nó đại diện cho thứ điên loạn lạnh lẽo xác chết. Hơi ấm cuối cùng còn lưu luyến ở ‘Dục vọng’ đã tan biến hoàn toàn.
Trần Bích Băng là một môn đồ trung tín của Francis Bacon (bà viết trong thư gửi cho bạn: ‘Tôi xin thề với ông, tôi bật khóc như trẻ ranh khi đứng trước Bacon ở Tate. Với tôi, Bacon là ánh sáng thiên khải và là ơn gọi.’) Bà mê mẩn mô hình tam liên họa trong các thực hành nghệ thuật của ông. Quả tình, tính đối xứng đậm màu tôn giáo của tranh bộ ba được hiển lộ bởi các thiên tài: từ sự đồ sộ trong thẩm mỹ của Hieronymus Bosch đến sự phì nhiêu trong giác quan ở Francis Bacon – tam liên họa mang trong nó một tố chất thánh thần khó tả, khởi nguyên từ truyền thống tranh thờ hay ban thờ Trung cổ. Không thể vẽ (bà có vẽ, nhưng tự đánh giá mình rất thấp), Trần Bích Băng phong ấn viết lách của mình vào thứ khuôn mẫu nhại lại loại hình tranh bộ ba này.
Giai đoạn Tam liên họa bao gồm ba tập truyện, mỗi tập gồm ba tiểu-truyện dài chừng 15 đến 20 ngàn chữ. Tập một – ‘Đường kách mạng’, với các tiểu-truyện: ‘Kứng rắn’, ‘Một kon kái vô hình’, và ‘Kwên lãng’. Theo nhiều nhà phê bình, đây là tập truyện với những phá cách triệt để về mặt hình thức và có tính cách tân độc đáo với văn chương nói riêng và các hệ sáng tạo liên quan tới văn bản nói chung. Tham vọng của Trần Bích Băng kinh khiếp hơn thế nhiều. Bà tỏ vẻ giễu cợt, nhưng thực ra lại hết sức chân thành với ham muốn vĩ cuồng của mình trong một phỏng vấn sau này: ‘Tôi muốn cách tân Việt ngữ, hoằng dương Việt ngữ.’
Tập hai – ‘Đảo của Đạo’, gồm ba tiểu-truyện: ‘Con bò cái tỉnh ngộ’, ‘Chân không’, và ‘Một kết thúc thật thà’. Bà rũ bỏ các thể nghiệm về đánh vần và chuyển sang bộ môn đánh đố người đọc. Bà viết sắc, gọn - một thứ văn chương đạm bạc, kiệm lời, và ngập tràn phi lý.
Càng về sau, văn chương của Trần Bích Băng càng dữ dội, và nồng độ của bà gắt gỏng nhất chính là ở kỷ Tam liên họa này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tham vọng của Trần Bích Băng vốn dĩ đã manh nha từ câu hỏi đặt ra trong ‘Khi tôi nghĩ về pháo hoa ở Hồ Michigan’ – một tham vọng vượt thoát người, một tham vọng thành Chúa Phật. Bà nhận thức được nồng độ gây choáng do ngôn từ của mình gây ra, sự ngột thở, thúc ép thập diện của chữ nghĩa bà, song Trần Bích Băng chưa bao giờ khoan nhượng. Bà mô tả: ‘Tôi viết vì tiếng ồn trong người tôi mỗi ngày một lớn hơn, sự đọa đày, luôn luôn là sự đọa đày. Tiếng ồn của một cơn mưa chậm rãi rơi lên tôi mỗi ngày trong ngót trăm năm. Tiếng ồn của một đàn ong khổng lồ cổ đại đang bốc cháy rừng rực, khói khét mù trời. Tiếng ồn nghiến xuống bàn tay tôi như gã kỵ sĩ không đầu giấn gót đạp thúc con ngựa nhảy qua bờ vực. Một bước nhảy của đức tin.’
Có một thời gian nàng đặt cái tên ‘Con bò cái tỉnh ngộ’ cho trang nhật ký điện tử cá nhân của nàng. Tôi nghĩ nàng ngộ nhận khá nhiều khi đọc Trần Bích Băng, và không thể nào hài lòng cho nổi khi nàng dùng bà già của tôi để che giấu cho sự thiếu hụt về nhận thức văn chương của nàng. Tôi nhớ nàng, hẳn vậy, đến độ tôi đâm ghét nàng, thậm chí có lẽ là khinh khi. ‘Cầu cho chúng mày hạnh phúc bên nhau trọn đời.’ – tôi đảo mắt đến lộn cả tròng khi nghĩ về nàng và cô người yêu cũ. ‘Cầu cho chị viên mãn với ước mơ thành người-thơ khó thở của thế hệ chị.’ – tôi vén rèm môi dè bỉu khi nghĩ về thứ nàng gọi là sáng tác văn chương (và ôi Chúa Phật ơi, những bức tranh màu dầu khủng khiếp mà thời còn yêu nhau tôi nhểu mồm ra khen ngợi). ‘Cầu cho chị và mọi người chị yêu hân hưởng những điều an lành và rỗng tuếch trên thế giới này.’ – và đây là tôi, thở hắt ra một hơi đầy lửa khi mơ về viễn cảnh tôi sẽ thành một nghệ sĩ thị giác thành công, và vô tình gặp lại nàng trong một triển lãm đình đám của tôi (triển lãm mang tên ‘Con bò cái tỉnh ngộ’, hiển nhiên), nhưng tôi chỉ gật đầu nhẹ khi bắt gặp ánh mắt bi phẫn của nàng, và khoác tay người yêu mới của tôi đi vòng vòng theo nhịp 4/4 trong một điệu foxtrot khoa trương vô tận. Tôi, chính tôi, không thể giấu diếm gì, tôi chỉ là một con ả hoàn toàn khốn nạn và đau khổ.
Tập ba – ’88:88’, gồm ba tiểu-truyện: ’11:11’, ’22:22’, và ’55:55’. Tam liên họa được hoàn thiện bởi những vỉa tầng văn bản tăm tối và bị cường hóa nặng nề về nghĩa của tập ba này (dù Trần Bích Băng suốt ngày bá láp về tính hư vô của nghĩa, về sự cấp thiết của việc khước từ hay trì hoãn việc triển khai các hoạt động của nghĩa, thậm chí, hoàng hôn của diễn ngôn). Trần Bích Băng từ chối phát ngôn bất kỳ điều gì về ’88:88’, nhưng một số nguồn thân tín với bà (có lẽ là từ biên tập viên lâu năm và bạn gái cũ của bà, Didi Davies-Phạm), toàn bộ tập ba được bà coi là tập hợp những sấm truyền đã được hiển lộ cho bà. ’88:88’ cũng là tác phẩm viết lách cuối cùng của Trần Bích Băng, trước khi bà chết cô độc tại Viện Tâm thần Mai Hương chín năm sau đó. Bà gần như không thể trụ vững sau cái chết của Didi Davies-Phạm (đúng tám năm sau khi ’88:88’ xuất bản), và không bao giờ gặp lại Ngô Long Vân.