Tạm biệt Nonino
Tác giả: Nanasen
Người dịch: Aoi
Tạm biệt Nonino, tạm biệt
Dẫu cho ngày Chủ nhật
Họ mở đầu tôi, tách não tôi
Lấy ký ức tôi, vẫn nhớ thôi
Chúng ta đã từng yêu nhau như vậy.
.
1.
Buổi chiều, tôi ngồi xe buýt xuống phía Nam đến thị trấn nhỏ Saliva. Vốn dĩ tôi muốn đến thẳng nhà giam làm cho xong phỏng vấn, nhưng xem ra hôm nay không kịp rồi.
Tôi quăng ba-lô ở nhà trọ, gọi điện hẹn ngày mai phỏng vấn rồi đến quán cơm nhỏ gần đó ăn cơm hải sản, xong xuôi thì tản bộ một mình trên đường.
Saliva là một thị trấn rất nhỏ, đi bộ từ đài phun nước ở trung tâm ra đến trạm xe rời thị trấn chỉ mất bốn mươi phút, nhà giam thì nằm ở trên núi sát ngoại thành. Kiến trúc trong thị trấn rất đẹp, rất có phong thái thời Trung cổ, tôi nghĩ có lẽ đây là nguyên nhân M chọn nơi này để sinh sống.
Trên đường về, tôi để ý thấy đa số nóc nhà ở thị trấn nhỏ này đều đặt một vật trắng phản quang, lấp lánh dưới hoàng hôn. Là đầu thu tín hiệu vô tuyến.
Tôi mua được tập thơ của M tại nhà sách duy nhất trong thị trấn. Nói thật, tác phẩm của anh ở nơi này không được ưa chuộng lắm. Tập thơ ngả vàng bị xếp xó trên kệ sách, bìa còn đóng một lớp bụi mỏng.
Buổi tối, tôi nằm trên giường ở nhà trọ, mở tập thơ ấy ra xem. Quá khó hiểu. Tôi mới đọc mấy bài đã thấy buồn ngủ. Tôi để tập thơ qua một bên, bắt đầu nghĩ về buổi phỏng vấn ngày mai.
M là một tác giả chuyên mục, một nhà thơ đồng tính, hai năm trước làm ký giả chiến trường ở Serbia, sau khi bị thương thì trở về thị trấn nhỏ này sinh sống, khoảng ba tuần trước bị người yêu cùng chung sống là S giết chết ở trên giường.
Người tôi muốn phỏng vấn là S, người yêu đồng giới của M.
2.
Tôi gặp S ở phòng thăm tù.
Tuổi cậu còn rất trẻ, thân thể và tinh thần đều khỏe mạnh, nhìn cũng bảnh trai, 26 tuổi, dân bản xứ, trước đây công tác ở đài truyền hình.
Tôi nói hóa ra mấy cái đầu thu tín hiệu trên nóc nhà đều do cậu lắp đặt à.
Cậu cười nói đúng vậy.
Khi cậu cười, khuôn mặt cân đối điển trai hết sức quyến rũ.
Chúng tôi hàn huyên một lúc về đài truyền hình và thơ của M, rồi tôi mới vào vấn đề chính.
Tôi nói S này, cậu kể một chút về chuyện làm sao cậu với M quen nhau đi.
S cúi đầu nhìn đôi bàn tay để mở của mình một hồi, sau đó ngẩng đầu.
“Thật ra cũng không có gì để kể… Hai người chúng tôi..."
S quen M ở một hoạt động tuyên truyền ký tên bán sách. Hôm đó rất vắng vẻ, không có bao nhiêu người, S mua sách, cùng M nói mấy câu làm quà, lúc M ký tên thì tiện tay lưu lại số điện thoại, bọn họ bắt đầu liên lạc, gặp gỡ, rồi chung sống. Đại khái mọi chuyện là như vậy.
"Đoạn giữa đương nhiên có nhiều tình tiết... Nhưng mà chuyện giữa hai người đàn ông, chắc độc giả không có hứng thú đâu." S nói.
Tôi gật đầu tán thành.
"Cho nên, nếu anh thực sự muốn nghe chuyện, thì tôi phải kể về khoảng thời gian hai năm trước."
3.
Hai năm trước, S nói, M từ Serbia trở về, cậu ngồi xe buýt từ nội thành ra sân bay đón anh, trở về cùng M là W, một nhiếp ảnh gia của tòa soạn, người yêu cũ của M.
Tôi đã thấy ảnh chụp của W, một người đàn ông có vẻ ngoài giống chúa Jesus, tóc xoăn, cao lớn.
M bị thương, vô cùng tiều tụy, trên đầu quấn đầy băng vải, thân thể gầy gò. Bọn họ cùng nhau ngồi xe buýt về nhà.
"Thật ra vết thương không nghiêm trọng lắm, hộp sọ chỉ bị đạn sượt qua thôi, lành lại rất nhanh." S nói.
Nhưng từ lúc đó, M bắt đầu đau đầu, nôn mửa, lại còn bị mù gián đoạn. Cứ tưởng là di chứng từ chiến trường trở về, S nói, bọn họ cũng không để tâm đến. M đi khám bác sĩ tâm lý định kỳ, tiếp nhận trị liệu thôi miên. Khoảng chừng ba tháng sau, bác sĩ đề nghị M đi kiểm tra não, khi đó bệnh tình của M đã nghiêm trọng rồi.
"Kết quả kiểm tra cho thấy, là GBM, bệnh u tế bào thần kinh đệm ác tính."
4.
S mở cửa xe bước xuống, rồi vòng qua mở cửa chỗ ghế phụ.
"M, đến bệnh viện rồi."
M chần chừ bước xuống khỏi chỗ ngồi.
"Hai tuần trước tôi đã làm kiểm tra rồi mà." Anh nói.
"Hai tuần trước là siêu âm và chụp MRI, tuần này là chụp cắt lớp PET."
S nói, sau đó dứt khoát nắm tay M bước về phía cổng bệnh viện, phòng khi anh chạy trốn.
Lúc ở phòng chờ, S nói, "M nè, tôi phát hiện anh rất giống con nít, rõ ràng lớn hơn tôi rất nhiều..."
M nói, cậu nói bậy gì thế.
"Đúng vậy mà," S xoè từng ngón tay nói, "Sợ bệnh viện, sợ kiểm tra, sợ tiêm, sợ uống thuốc..."
Mặt M hơi đỏ.
Ngay lúc ấy, kết quả kiểm tra có rồi.
S đi lấy kết quả, nói với M, anh chờ tôi ở đây nhé.
S xem báo cáo kết quả kiểm tra. Hình ảnh đen lòm, cậu thật sự không hiểu, thế nhưng vẫn cố gắng đọc.
"... Hiện tại những cơn đau đầu, nôn mửa, mất thị lực gián đoạn đều bắt nguồn từ áp suất cao trong hộp sọ, sau này khối u sẽ dần gây áp lực làm tổn thương các cơ quan thần kinh, có thể sẽ bị liệt, hơn nữa ở khu vận động, khu ngôn ngữ, khu ký ức đều có tế bào ung thư, rất khó cắt bỏ triệt để, trừ phi phẫu thuật cắt bỏ bán cầu não, nhưng xác suất thành công rất thấp..." Bác sĩ nói với S.
S bàng hoàng lắng nghe (thực ra cũng nghe không hiểu lắm, chỉ biết tình hình rất tồi tệ), sau đó ngơ ngác hỏi bác sĩ, "Vậy phải làm sao?"
"Làm hoá trị trước đã," bác sĩ nói, "Dùng thuốc trước, dùng thuốc thử xem sao."
Thuốc thì phải uống, cũng phải tiêm.
Vì M ghét đi bệnh viện, lần nào cũng để S đến bệnh viện lấy thuốc.
"Người bệnh không phải cậu, đương nhiên cậu không ghét đi bệnh viện rồi." M nói.
"Nhưng anh không đến bệnh viện thì ai tiêm thuốc cho anh?" S hỏi.
"Cậu chứ ai." M nói.
Thế là S lại đến bệnh viện nhờ y tá dạy cách tiêm thuốc.
Ban đầu, vì không biết cách tiêm, cậu thường để lại những vết máu bầm lớn, vài ngày sau đã không còn chỗ để tiêm nữa.
Thế là phải chườm nóng, S để M nằm trên giường, cởi quần giúp anh, rồi đặt khăn nóng lên mát-xa cho anh.
"Sao cứ có cảm giác cậu đang thừa cơ hội nhỉ?" M nói.
"Tất nhiên rồi," S hớn hở nói, "Ai bảo anh không chịu đến bệnh viện để nữ y tá xinh đẹp tiêm giúp cho nào?"
"Tiêm cho anh cũng mệt lắm đấy... mỗi lần anh đều gồng như thế… Được rồi, thả lỏng đi, thả lỏng nào!!"
Nói chung quen tay hay việc, dần dà S cũng có thể tiêm cho anh một cách thoải mái, biết tiêm chỗ nào, làm sao rút kim ra mà không đau, không để lại vết tụ máu. Có điều khi đó bệnh tình của M đã nặng thêm, hóa trị đã không còn hiệu quả.
Để giảm bớt căng thẳng cho M, S nói, "Chúng ta chơi chút tình thú đi." Rồi cậu lấy ra một bộ đồ y tá màu hồng cho M xem, "Đây là bộ đồ y tá tôi lấy trộm từ bệnh viện đấy."
"Cho ai mặc?" M nhăn mặt hỏi.
S thầm nghĩ, M đang bệnh, cậu phải hy sinh, mặc bộ đồ ngớ ngẩn này một chút cũng được, bèn nói, "Tôi mặc."
Kết quả của trò chơi tình thú này là suốt một tuần sau đó, S không thể cương nổi.
"Lần sau mặc đồ y tá nhớ cạo lông chân đi nhé." M nói. "Đừng nói nữa, tôi sắp nôn rồi." S hối hận vô cùng về đề xuất của mình, thề sẽ không bao giờ chơi trò tình thú gì nữa.
Những chuyện này... đại khái là một năm rưỡi trước.
S nói.
Thời gian đó, bệnh tình của M chưa quá nặng, dù cũng có một số triệu chứng khó chịu, nhưng cố chịu thì cũng qua được.
"Đành phải nghỉ ngơi tại nhà thôi." M nói, "Cuối cùng cũng có thời gian rảnh rỗi, viết một chút cũng tốt."
Tôi quên chưa nói với anh, M là một nhà thơ... À phải, chúng ta đã nói về điều đó rồi... anh đã đọc những bài thơ của anh ấy.
Những bài thơ của anh ấy... rất hay phải không...
Chí ít thì, tôi thấy vậy.
S nói.
Tôi là một độc giả trung thành của anh ấy đó.
Ngôi nhà nhỏ mà họ chung sống có một khoảng sân. S trồng hoa trong sân, dựng thêm mái hiên, kê bộ bàn ghế nhỏ, M thường ngồi đó làm thơ. Anh ấy có một số bài thơ chưa công bố, về chiến tranh, hòa bình, con người và tình yêu, hy vọng có thể viết xong một tập thơ để xuất bản.
Ban ngày, khi S đi làm cho công ty, đứng trên mái nhà của người ta lắp đặt đầu thu truyền hình vô tuyến, có thể nhìn thấy khoảng sân nhỏ của họ và bóng dáng của M.
Ráng chiều ấm áp, hoa nhài nở rộ trên giàn, hoa violet đung đưa nhẹ nhàng, trong khoảng sân nhỏ vẫn còn nhìn thấy M.
Tất cả đều khiến S cảm thấy hạnh phúc dù trong lòng man mác buồn.
Buổi chiều khi S về đến nhà, M đã ngủ gật trên chiếc bàn tròn.
S vào nhà lấy chăn đắp cho anh, sau đó nghĩ lại vẫn chưa yên tâm, quyết định bế anh vào nhà.
"Bản thảo thơ của tôi còn ở ngoài đấy... chưa viết xong mà..." Anh lầm bầm bất mãn.
Nhưng cuối cùng vẫn không chống nổi mệt mỏi, sau khi S đặt anh lên giường, anh đã ngủ say.
S cúi xuống hôn anh, hôn anh, hôn anh.
Sau đó cởi giày bò lên giường, nằm bên cạnh M, vươn tay ôm lấy anh, thấy anh không phản ứng, cậu cuốn anh vào vòng tay, giống như hai chú cún nằm trong một ổ, tựa đầu nhau ngủ.
5.
S bắt đầu học làm điểm tâm sáng.
Thường thì M làm điểm tâm, anh dán ở cửa phòng bếp một tờ giấy: “Cấm chó và S vào đây.”
S rón rén bò xuống giường, nhón chân vào bếp rồi xé tờ giấy cấm đó đi.
Dù ban đầu S toàn nướng bánh mì khét, nhưng sau đó việc làm bánh mì nướng và sandwich ngon lành đã không còn là vấn đề.
Cậu mang bữa sáng đã chuẩn bị xong ra phòng khách, nhẹ bước trở lại phòng ngủ, xoa đầu M gọi anh dậy.
Cậu vừa vén những sợi tóc vàng nhạt của M vừa nghĩ, trước đây tất cả những việc này đều do M làm. Lòng cậu tràn đầy ngọt ngào.
M hé mắt nhìn S, rồi kéo ghì cậu xuống để hôn.
Những nụ hôn rất nhẹ nhàng, chỉ chạm khẽ môi nhau.
"Này, tôi còn phải đi làm đấy." S phản đối.
"M à, anh ngồi dậy ăn sáng rồi uống thuốc đi." S tiếp tục nói.
"Thật sự sẽ muộn mất." cậu lại nói.
Nhưng cuối cùng, không thể cưỡng lại được cám dỗ, "Ờm, có lẽ sáng nay tôi nên xin nghỉ."
Sau đó cậu đè M xuống giường, "Làm tôi mất tiền thưởng chuyên cần tháng này, anh nói xem phải bù đắp thế nào?"
Tư thế thì thô bạo, nhưng động tác lại vô cùng nhẹ nhàng.
Vì cơ thể M rất yếu, nên cậu phải chuẩn bị rất kỹ, vừa kiên nhẫn mở rộng, vừa hôn lên ngực M, cho đến khi M không chịu nổi nữa phải nói cậu vào được rồi. S vẫn lo lắng hỏi đi hỏi lại: "Thật sự được chứ? Vậy tôi vào nhé."
Làm M rất muốn dùng cái gối trên đầu đập chết cậu.
Khi đã vào rồi, S phải cố nhịn không đẩy mạnh, cậu di chuyển rất chậm, hy vọng M có thể dần thích ứng. Kết quả là cả hai đổ mồ hôi đầm đìa, mất rất lâu mới có thể giải phóng, đối với M, đó mới thực sự là một cực hình.
Sau khi ôm M vào phòng tắm để tắm rửa, cả hai nằm trên giường không muốn động đậy.
"Bữa sáng nguội mất rồi." M nói. "Anh còn chưa uống thuốc." S nói.
Làm xong bổn phận, cả hai lại tiếp tục leo lên giường, mang cả cà phê theo để uống.
"Chắc chiều nay tôi xin nghỉ luôn quá." S nói.
"Cậu sẽ bị sa thải đấy." M liếc nhìn cậu, "Tôi cũng muốn uống cà phê."
"Không được." S nói, vội vàng đặt cốc cà phê lên bàn đầu giường phía mình, rồi khi đi rửa tay, cậu còn thò đầu ra bảo M, "Không được lén uống đâu nhé."
M phải kiêng cử, mọi thứ khác đều kiêng được, nhưng chuyện không được uống cà phê khiến M phát điên, nên anh năn nỉ S, "Đừng keo kiệt thế, một chút thôi mà."
S quay đầu lại, nhìn biểu cảm tội nghiệp của M, cuối cùng không đành lòng, "Anh nói đó nhé." M lập tức gật đầu.
S nhúng ngón tay vào cốc cà phê, đưa tới trước mặt M, "Đây, anh nói chỉ một chút thôi mà."
Hay là cắn đứt ngón tay của S luôn nhỉ, M nghĩ thế, nhưng rồi anh vẫn làm mặt đáng thương ngậm ngón tay S vào miệng.
"Vậy mới ngoan." S hài lòng nói. M dùng lưỡi liếm ngón tay S, cố gắng lấy hết chút cà phê trên đó, sau một lúc, S thấy hơi thở của mình nặng dần lên, cuối cùng cậu hất tung chăn nhảy xuống giường, hét lớn, "Tôi thấy đi làm vẫn tốt hơn."
S cảm thấy chỉ cần ở nhà, bất cứ lúc nào cậu cũng muốn làm tình với M. Thật sự say mê. Như thể làm bao nhiêu lần cũng không chán.
S nói.
Cậu cho tôi xem ảnh của M. Đó là một bức ảnh chụp chung của hai người, ảnh màu 6 inch, đã cũ, các góc đã bị S chạm sờn, mềm mại cuộn lên như tai chó con. S rất quý bức ảnh này, luôn cất trong túi áo trên ngực, cậu nói đó là bức ảnh duy nhất của cậu và M. M không thích chụp ảnh.
Tôi nhận bức ảnh và nhìn, bối cảnh là bãi biển, S trong ảnh cười tươi rói, còn M có vẻ hơi ngại ngùng, quay mặt nghiêng với ống kính, không phải kiểu nữ tính như tôi tưởng, nhưng cũng không nam tính nổi bật, chỉ trông rất thanh tú. Những điều này không thể nói với S.
"Anh ấy hơn cậu bao nhiêu tuổi?" Tôi trả ảnh lại và hỏi.
"11 tuổi." S nói.
Khi anh 36 tuổi, S mới 25, vừa đúng độ tuổi tràn đầy tinh lực. S nhịn rất vất vả, nhưng cậu không muốn lang chạ bên ngoài, chỉ tự giải quyết một mình trong nhà vệ sinh.
Sau đó, có một lần thoả sức, khi S vẫn còn ở trong cơ thể, M đã ngất xỉu. S sợ chết khiếp, vội lấy một cái chăn quấn M lại, bế lên xe đưa thẳng đến bệnh viện.
Trên đường, M tỉnh lại, nhận ra tình cảnh của mình, nhất định không chịu đến bệnh viện. Nhưng S kiên quyết muốn đi, cuối cùng hai người lái xe trở về nhà, mặc quần áo chỉnh tề rồi mới đến bệnh viện.
Khi M làm kiểm tra, S bị bác sĩ mắng. Nghe nói M ngất xỉu khi đang quan hệ, bác sĩ tức tới mức nhảy dựng lên, "Cơ thể người ta đã yếu như vậy, làm sao quan hệ được, cậu muốn người ta chết à!"
Các y tá đi qua cũng nhìn S với ánh mắt khinh bỉ, S cảm thấy mình như một con thú, nhưng mà cũng oan ức, bèn tự biện hộ, "Tại anh ấy muốn mà."
Nói xong, cậu lo lắng nhìn xung quanh, nghĩ nếu M nghe thấy chắc sẽ lột dép đánh cậu.
"Dù là cậu muốn hay người ta muốn đều không được!" Bác sĩ nói chắc nịch.
"Dạ." S đáp nhỏ giọng, trong lòng nghĩ, bộ đến mức không thể quan hệ được hay sao.
"Nếu người ta co giật thì sao!" Bác sĩ nhìn thấu S đang nghĩ gì, thiếu điều cầm sổ ghi chép đánh đầu cậu.
"Anh ấy thường xuyên co giật mà." S nói. Cậu nhìn thấy bác sĩ cau mày.
Lúc đó, S mới biết bệnh tình của M đã tiến triển đến mức khối u chèn ép và phá hủy mô não.
"Sao anh không nói cho tôi biết?" S phàn nàn khi lái xe về lấy đồ cho M nhập viện.
"Nếu cậu biết thì sẽ bắt tôi nhập viện." M thản nhiên nói.
Họ đã dùng rất nhiều loại thuốc, từ VCR, PCB, VM26 đến tiêm ADM và MTX tại chỗ, M đã chịu rất nhiều đau đớn, anh không muốn ở bệnh viện nữa, cuối cùng anh trốn về nhà khi trên người còn cắm đầy ống dẫn.
"Sao anh lại như thế." Họ cãi nhau to, S lấy chìa khóa xe đưa M trở lại bệnh viện. Kết quả bác sĩ phải đứng ra hòa giải, nói thực ra nếu không phẫu thuật, điều trị tại nhà hay nhập viện cũng không khác nhau mấy, chỉ cần kiểm tra định kỳ.
"Tôi không muốn phẫu thuật." M lập tức trả lời. Bề ngoài anh có vẻ hiền hoà nhưng thực ra rất cố chấp, nếu không thì đã không bỏ S chạy đến Serbia.
Nghe vậy, S lập tức muốn cãi nhau to với anh, cuối cùng kiềm chế được, hậm hực lái xe về nhà, về đến nhà cũng không nói chuyện với M, tự lấy chăn ra ngủ trên ghế sofa, vừa uống bia vừa xem TV vừa ăn khoai tây chiên.
Có lẽ vì quá tức giận hoặc ăn quá nhiều nên bị khó tiêu, S dậy đi vệ sinh giữa đêm, nghe thấy tiếng M khóc trong phòng ngủ. Cậu cảm thấy rất đau lòng, cũng đứng ngoài cửa phòng ngủ khóc rất lâu. Sau khi khóc xong, cậu đi rửa mặt rồi bước vào phòng ngủ, ôm chặt lấy M.
"Tôi đã tự tìm hiểu, phẫu thuật cắt bán cầu não, trên thế giới chỉ có 50 ca thành công, ngoài một ca sống sót được 10 năm sau phẫu thuật, các ca khác đều chết do tái phát." M nói với S, cố tỏ ra bình thường, lấm lét lau nước mắt nước mũi vào áo ngủ của S.
"Biết đâu anh lại đặc biệt may mắn, sống thêm mười năm cũng tốt mà." S nói.
"…Nếu trở thành một kẻ vô dụng không thể suy nghĩ, bắt cậu chăm sóc suốt đời, thà chết trên bàn mổ còn hơn."
M nhìn S trong bóng tối, buồn phiền nói.
"Tôi thật sự không muốn phẫu thuật đâu S."
"Ít nhất, để tôi hoàn thành tập thơ đã, được không?"
"Được thôi." S suy nghĩ rồi nói. M không muốn phẫu thuật, cậu đâu thể đánh ngất rồi trói anh lên bàn mổ. Dù cậu không ngại chăm sóc M cả đời, dù M không thể nói, không thể nghĩ, không thể di chuyển.
"Trước hết hãy điều trị, biết đâu không cần phẫu thuật cũng khỏi."
S ôm chặt M trong bóng tối, an ủi anh.
6.
Tình hình không lạc quan như S tưởng, mặc dù cậu luôn cố lạc quan.
Ban đầu những cơn co giật và chuột rút tăng lên, rồi dần xuất hiện thêm tình trạng tê liệt tứ chi, không thể kiểm soát. Tệ nhất là thị lực giảm sút, việc mù gián đoạn trở nên thường xuyên hơn.
M rất muốn hoàn thành nhanh tập thơ, rõ ràng anh biết thời gian không còn nhiều. Anh phải dí sát mắt vào mới thấy được chữ. Sau đó, khả năng cảm quang cũng ngày càng tệ.
Tối hôm đó, S tan làm về nhà, thấy M không bật đèn.
Cậu vấp phải một cuốn từ điển bị bỏ quên ở cửa, suýt ngã, lẩm bẩm, "Sao không bật đèn?"
Rồi đột nhiên cậu hiểu chuyện gì đã xảy ra.
M đã hoàn toàn mất đi thị lực.
"M." Cậu khẽ gọi, mò mẫm trong bóng tối. Cậu tìm thấy M ngồi một mình trên ghế sofa. S đi đến, tựa đầu lên đầu gối M.
"Mất thị lực cũng không sao, tôi có thể nghe anh nói rồi ghi chép lại cho anh mà." S nói. M cử động, rồi đặt tay lên đầu S, vuốt tóc cậu.
Chấp nhận chuyện mất đi thị lực không phải dễ dàng. Thần kinh của M bắt đầu rối loạn, sợ ở một mình, thường bám lấy S, không cho cậu đi làm.
"Tôi cũng muốn ở bên anh, nhưng cứ thế này tôi sẽ mất việc." S nói.
Dù biết M cũng có chút tiền tiết kiệm, nhưng chi phí y tế gần đây là gánh nặng không nhỏ, anh còn phải chuẩn bị cho phẫu thuật sau này. Tiền bản quyền của M gần như không đáng kể.
S có thể ngây ngốc khi đối diện với M, nhưng ở phương diện khác cậu vẫn là một thanh niên lý trí.
Cậu đã đến gặp bác sĩ để hỏi về việc phẫu thuật. Tình hình tương tự những gì M nói. Nhưng S vẫn muốn thuyết phục M phẫu thuật, biết đâu M sẽ là người may mắn trong số đó.
Dù biết mình đang lạc quan mù quáng, S đã hứa không đề cập đến chuyện phẫu thuật cho đến khi M hoàn thành tập thơ.
Tập thơ tiến triển rất chậm.
Một chiều nọ, khi ngồi trên ghế sofa, M nói, S ghi. M liên tục nói rồi liên tục bảo S sửa. Đột nhiên, M giật lấy bản thảo, lẩm bẩm "Toàn là rác", định xé hết.
"Này!" S kêu lên, nhanh chóng giật lại. May mắn là sức M đã yếu, không thể xé hết cả tập giấy.
M vùng vẫy rồi đành để S mở ngón tay mình ra, đặt bản thảo ở xa. "S ơi," anh nói, "Tôi không hoàn thành được tập thơ này rồi."
"Đã không còn gì... ở đây nữa." Anh chỉ vào đầu mình.
"Sao lại thế... Tôi thấy rất ổn mà." S an ủi, nhưng cậu biết M nói đúng.
Vùng ký ức của M đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có lúc đang nói chuyện, M nhìn ngơ ngác như không hiểu gì, S phải kể lại từ đầu.
Khả năng ngôn ngữ của M cũng suy giảm. Anh thường im bặt giữa câu.
Một lần, S thấy M vò đầu cố nhớ từ "tủ lạnh", muốn S lấy đồ uống cho anh. S viết từ "tủ lạnh" vào lòng bàn tay M, giấu đi nước mắt.
"Là triệu chứng suy nhược thần kinh." Bác sĩ nói. "Đã đến giai đoạn cuối, nếu không phẫu thuật ngay sẽ nguy hiểm."
S không biết phải tìm ai để giúp thuyết phục M phẫu thuật. M không có thân nhân, ít bạn bè. Cuối cùng, anh gọi cho W, nhiếp ảnh gia, đồng nghiệp và người yêu cũ của M.
W đến mang theo hành lý. Khi nghe W đến, M mò mẫm ra cửa, ôm W và khóc nức nở trên vai anh ta.
Lúc đó, S lặng lẽ trốn vào bếp. M chưa bao giờ khóc trước mặt S, ngoại trừ đôi lúc làm tình, S làm anh khóc.
Trong bếp, S làm bánh sandwich dưa chuột cho ba người, làm vỡ ba cái đĩa và suýt để dao bay vào lưng W. Khi đổ cà phê lên áo W và dùng áo anh ta lau bàn, S nghĩ mình có đang ghen không?
S ngồi trên sàn bếp tự hỏi một lúc, nhận ra mình đang ghen và đó là cảm xúc tiêu cực. Dù W và M từng là người tình, giờ họ chỉ là bạn, và M rất vui khi gặp W. Vì vậy, S cảm thấy mình nên bao dung và biết ơn về sự tồn tại của W.
Khi ăn tối, S mời W ở lại. W đồng ý ngay. M vui, S cũng vậy. Dù đôi khi thấy M tựa vào W, S không kìm được chạy vào bếp băm hành, hoặc khi M cần người dìu ra ngoài, cậu chặn trước W và mong anh ta dẫm phải vỏ chuối. Nhưng khi W rời đi, S vẫn thấy buồn. Dù sao thì anh ta cũng sẵn lòng đến gặp M và sống cùng một thời gian, điều đó đã giúp ích rất nhiều cho anh.
Ngày W đi, S cùng anh ta đi dạo bờ biển thật lâu.
W đưa S một phong bì.
"Toàn bộ tiền tiết kiệm của tôi," W nói. "Sống hơn nửa đời người mới nhận ra mình nghèo."
S cười, định trả lại, nhưng rồi vẫn nhận lấy.
Gió biển lạnh lẽo và trong lành. W hỏi, "Có nhất thiết phải cắt bỏ bán cầu não không?"
Gió to quá, S không nghe rõ. Cậu hét lớn: "Anh nói gì?"
"Có nhất thiết phải cắt bỏ bán cầu não không?" W cũng hét lại.
Có. S đáp. "Tệ nhất, cũng chỉ chết trên bàn mổ mà thôi."
W hỏi, "Tốt nhất thì sao?"
Sống tiếp.
Nhưng không thể làm thơ, nói chuyện, cử động. Chỉ là sống thôi.
"Đừng nói với M."
Khi W rời đi, anh ta vỗ vai S.
Người ấy sẽ không chịu nổi đâu.
M vốn biết hậu quả của phẫu thuật, nhưng gần đây hay quên, có lẽ đã quên. S nghĩ vậy.
Phải đến thành phố B để phẫu thuật, không thể làm ở đây. S lấy lý do đi du lịch, dụ M lên xe.
Cậu lái 20 tiếng, đưa M đến bệnh viện. Khi bế anh xuống xe, M rất yên lặng, chấp nhận kiểm tra, hiếm khi hợp tác. Nhưng khi y tá muốn thay áo phẫu thuật, M bắt đầu vùng vẫy, bấu chặt áo S không chịu thả tay.
"Tại sao tôi lại ở đây? Tôi không muốn ở đây, S ơi chúng ta về nhà đi."
"Đừng như thế mà M, chỉ là tiểu phẫu thôi." S dỗ dành.
M chôn đầu vào ngực S, không nói gì, chỉ siết chặt áo cậu hơn. S đành bẻ ngón tay M, giữ hai tay anh lại, họ ép anh thay áo phẫu thuật. Để M không vùng vẫy, họ buộc anh bằng dây cản thường dùng cho bệnh nhân tâm thần.
Thực ra không cần, M đã hết sức.
Khi M bị đẩy vào phòng phẫu thuật, anh khóc nức nở.
"Đừng bỏ rơi tôi mà S... Tôi không muốn phẫu thuật đâu S... S ơi tôi muốn về nhà… Tôi sẽ rất ngoan mà... S ơi ..."
S nhìn cánh cửa phòng phẫu thuật đóng lại, ôm đầu, thấy mình sắp phát điên.
Cậu đẩy y tá ra, xông vào phòng phẫu thuật, lúc này đang chuẩn bị gây mê. Mọi người nhìn cậu như kẻ điên.
Cậu tháo dây, bế M khỏi bàn mổ.
"M, chúng ta về nhà."
7.
S cảm thấy mình đã đưa ra một quyết định sai lầm.
Cậu không nên mềm lòng, không nên nghe lời M, không nên để mặc anh tùy ý hành động.
Khi về đến nhà, M thực sự đã cố gắng "rất ngoan". Từ ăn cơm, uống thuốc, tắm rửa đến tiêm thuốc, đều rất nghe lời và hợp tác, dù khi đau đớn đến mức tự mình cào rách da cũng không hề cáu kỉnh.
Vì vậy, S không thể nhẫn tâm nói, "M ơi, chúng ta đi bệnh viện đi."
Chỉ là nhiều lần, khi S chuẩn bị ra ngoài, cậu phát hiện mình không tìm thấy giày, hoặc chẳng hiểu sao chìa khóa xe đang ở bàn trà lại thành sau đệm sofa. Có lần, cậu đặt ví trên bàn, quay lưng lại thì không thấy đâu nữa.
Ban đầu, cậu còn nghĩ mình nhầm lẫn đặt sai chỗ, nhưng một ngày nọ, khi cậu đang thay đồ trong phòng ngủ, nhìn qua khe hở thấy M tựa đầu vào cửa phòng nghe lén. Một lát sau, anh mò mẫm đi vào phòng khách, tay cầm một thứ gì đó.
“M.”
S gọi anh lại.
“Trong tay anh cầm gì thế?”
M ngoan ngoãn mở tay ra cho cậu xem, là chìa khóa xe của S.
S đột nhiên không biết nên khóc hay cười. Cậu ngồi xuống sofa, để M ngồi lên đùi mình, hỏi: “Có phải thường ngày anh giấu chìa khóa xe của tôi không?”
M gật đầu.
“Vậy giày của tôi, cũng là anh ném ra ngoài cửa sổ à?”
M gật đầu.
“Còn ví của tôi bị mất, anh giấu ở đâu rồi?”
M nghĩ ngợi một lúc, rồi chỉ vào dưới mông của S.
S nhấc nệm sofa lên, quả nhiên tìm thấy ví của mình.
“Tên nhóc nghịch ngợm này,” S nói, “Tại sao phải giấu đồ của tôi?”
M quay đầu sang hướng khác.
“M,” S nghiêm túc nói, “Nhìn tôi, tôi đang nói chuyện với anh.”
“Tôi sợ cậu sẽ đưa tôi đi bệnh viện.” M nói khẽ. “Mỗi lần cậu ra ngoài, tôi đều rất sợ.”
“Ngốc quá.”
S nói, cậu ôm M vào lòng, hôn lên tóc anh, lấy mũi của mình chạm vào mũi của M, rồi cù lét anh.
“M, anh đúng là đồ ngốc.” S âu yếm nói.
Cậu đột nhiên cảm thấy, thế này cũng không tệ.
Dù M trở thành như bây giờ, dù bệnh tình của M tiếp tục xấu đi, dù M thực sự trở thành phế nhân vì phẫu thuật, cậu vẫn sẽ tiếp tục yêu anh, chăm sóc anh.
Thực ra, chẳng có gì thay đổi cả.
Ít nhất, đối với S là như vậy.
“M, trên thế giới này, ngoài tôi ra, còn ai chăm sóc anh như vậy, còn ai yêu anh như vậy?”
Khi nghĩ thế, S cảm thấy rất mãn nguyện, rất hạnh phúc.
8.
Đến đây, thời gian M mắc bệnh đã gần hai năm.
Những ghi chép của tôi ngày càng ngắn gọn, vì về sau, khi nói đến bệnh tình ngày càng nặng của M, S yêu cầu tôi tắt máy ghi âm. Có những nội dung tôi chỉ có thể ghi lại theo trí nhớ.
S không muốn độc giả biết những ngày cuối cùng của M trôi qua như thế nào.
Cậu nói, GBM (u tế bào thần kinh đệm ác tính) là căn bệnh tồi tệ nhất. U thần kinh đệm ác tính dần dần giết chết các tế bào não bình thường xung quanh, khối u mọc ra những nhánh như bạch tuộc, quấn lấy các neuron, mỗi ngày di chuyển 0.5 mm trong não. Khối u gửi các tế bào u vào phần não xung quanh. Toàn bộ não của con người bị phá hủy theo cách đó. Và phẫu thuật chỉ có thể cắt bỏ phần bán cầu não bị phá hủy.
Sống với người mắc bệnh này, mỗi lần đi kiểm tra ở bệnh viện là mỗi lần thấy não của anh bị xâm lấn, bị phá hủy thêm một chút, nhìn một người từng rất xuất sắc dần mất đi trí nhớ, không thể di chuyển, không thể nói chuyện, không thể suy nghĩ.
Nhìn anh ấy ngày một tàn tạ là một việc rất tàn nhẫn. Khi M qua đời, trông anh ấy không còn giống những bức ảnh mà anh từng thấy nữa.
Tôi gật đầu, nói tôi có thể tưởng tượng ra.
S kể cho tôi nghe về ngày cuối cùng tỉnh táo của M.
9.
Đôi khi, có độc giả viết thư đến. S nói.
S đọc thư cho M nghe, hy vọng có thể khích lệ anh hoàn thành tập thơ. Tập thơ đã gần xong, chỉ còn thiếu bài cuối cùng. S cảm thấy đó như một phép màu, cậu tin rằng nếu M có thể hoàn thành bài thơ cuối cùng này, thì trên bàn mổ cũng sẽ xảy ra phép màu.
Do đó, khi không có thư, S giả làm độc giả viết những bức thư rất ngọt ngào gửi M, rồi đọc cho M nghe. Đầu thư viết "Gửi chàng thi sĩ vĩ đại nhất yêu dấu nhất của tôi, M", kết thư viết "Độc giả trung thành nhất của anh, George hoặc Michael hoặc Garcia".
Thường thì M chỉ ngồi yên lặng nghe S đọc thư. Nhưng hôm đó, nghe xong, M đột nhiên cười, nói: "Chắc là cậu viết chứ gì."
S lúc đầu chưa nhận ra, nói: "Ơ, sao anh biết là tôi?"
M nói: "Vì chỉ có cậu mới viết ra những bức thư ngọt ngào đến vậy."
Câu nói này rất lưu loát, rất logic, chứng tỏ M nhớ rằng trước đây S từng viết những bức thư tương tự cho anh.
Vậy nên, S xúc động nói: "M, hôm nay anh rất tỉnh táo."
M cũng mỉm cười nói: "Ừ, hôm nay tôi cảm thấy rất tốt."
Cách M nói chuyện hoàn toàn như bình thường. S nói.
Cả hai người đều rất vui, thời tiết bên ngoài cũng rất đẹp. Dù là mùa đông nhưng trời biếc xanh, nắng vàng ấm áp.
Vì vậy, S đề nghị ra ngoài đi dạo, cậu đột nhiên muốn cho M thấy cảnh cậu làm việc. M cũng rất phấn khích, nói: "Được thôi, tôi chưa bao giờ thấy cậu làm việc cả."
Thế là S đến một tòa nhà nơi cậu đang lắp đặt hệ thống truyền hình vô tuyến, nhờ một đồng nghiệp thân thiết đưa họ lên tầng thượng bằng ròng rọc. Cậu để lại xe lăn dưới chân tòa nhà, bế M ngồi trên lan can tầng thượng, tắm nắng.
M nói: "S nè, công việc của cậu thật tốt, có thể nhìn thấy toàn thị trấn, thậm chí cả biển."
S nói: "Ừm, thậm chí còn có thể thấy ngôi nhà nhỏ của chúng ta."
Cậu định chỉ cho M xem, nhưng đột nhiên nhớ ra M đã không nhìn thấy được từ lâu rồi.
Đúng lúc đó, M nói với S: "Tôi nghĩ bây giờ tôi có thể hoàn thành bài thơ cuối cùng."
Anh bắt đầu nói, rất lưu loát, như thể bài thơ đó đã nằm trong đầu anh từ lâu.
S ghi lại, ghi xong, cậu nói: "Thật sự là một bài thơ hay."
"Đúng vậy." M mỉm cười nói. "Đây có lẽ là bài thơ hay nhất tôi từng viết."
Rồi anh chợt nhớ ra, nói: "Còn thiếu một câu."
Anh hỏi xin S bút giấy, mò mẫm viết thêm một câu, rồi đưa lại cho S, nói: "Được rồi, bây giờ hoàn chỉnh rồi."
"Giờ tôi đã không còn gì hối tiếc, có thể làm phẫu thuật rồi." M nói.
S hơi không tin nổi nhìn anh, hỏi: "Cuối cùng anh cũng đồng ý phẫu thuật à?"
M nói: "Đúng vậy, tôi đã hứa với cậu, giờ tập thơ đã hoàn thành."
"Nhưng mà S nè," anh nói tiếp, "Nếu phẫu thuật thất bại, thì chắc đến lúc đó tôi không còn khả năng tự sát."
"Vì vậy cậu phải hứa với tôi, nếu phẫu thuật thất bại, cậu sẽ tự tay giết tôi."
S nghĩ ngợi một lúc, nói: "Được, tôi hứa với anh."
"Thật ngại quá, để cậu phải đồng ý với yêu cầu ích kỷ như vậy." M nói.
"Có gì đâu," S nói, "Chỉ cần là yêu cầu của M, dù ích kỷ đến đâu tôi cũng sẽ làm."
10.
Ngày hôm đó là ngày cuối cùng M tỉnh táo, sau đó anh luôn trong trạng thái hôn mê sâu. S nói.
Cuối cùng, S vẫn để M phẫu thuật.
Cậu nói khi thấy bác sĩ bước ra từ phòng mổ, cậu đã biết phẫu thuật thất bại.
Bán cầu não còn lại vẫn có khối u phát triển, không thể chữa khỏi.
Phép màu đã không xảy ra, có lẽ Thượng Đế cho rằng để hai phép màu xảy ra trên cùng một người là quá nhiều.
Dù sao đi nữa, họ đã thất bại trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Điều duy nhất an ủi là M không chết trên bàn mổ. Tuy nhiên, S nói cậu không biết đó là chuyện tốt hay xấu. Vì cậu đã hứa với M, nếu phẫu thuật thất bại, cậu sẽ giúp anh ấy, tự tay giết chết anh.
Không biết vì quá khiếp nhược hay vì lý do gì khác, S đã ra tay sau khi đưa M về nhà.
Đêm đó, sau khi M say giấc, S bước vào phòng ngủ, ngồi bên giường của họ, trong bóng tối nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt M.
M ngủ rất say, anh xoay người, vô thức dụi mũi vào lòng bàn tay của S, như một chú mèo con sợ lạnh.
S giúp anh vén tóc trên trán, lòng bàn tay nhẹ nhàng vuốt ve lưng anh, như ru ngủ một đứa trẻ.
Rồi cậu cầm chiếc gối đặt bên cạnh lên.
M bắt đầu giãy giụa yếu ớt.
S dùng một cánh tay ôm chặt anh, an ủi anh.
"Suỵt, M à, cố chịu một chút, sẽ nhanh thôi." Cậu vừa khóc vừa nói, "Tôi yêu anh, M."
Cậu không thể kiềm được nước mắt. Trong những ngày M ốm, cậu đã lén khóc rất nhiều lần sau lưng M, tưởng rằng mình sẽ không thể khóc nữa.
Trong bóng tối, nước mắt thấm vào chiếc gối trắng mềm mại.
Cậu ôm chặt M, hôn lên tóc anh.
Cuối cùng, M cũng yên tĩnh. Cơ thể anh mềm nhũn trong vòng tay của S, như một đứa trẻ ngoan ngoãn.
Cả đêm, S ôm M, hôn lên tóc, lên trán, lên môi anh.
Sáng hôm sau, khi mặt trời lên, S thay đồ, đến đồn cảnh sát tự thú.
11.
Ngày phỏng vấn hoàn thành, tôi rời khỏi thị trấn nhỏ Saliva.
Bài báo đó khi đăng lên không nhận được nhiều phản hồi. Ban đầu tôi muốn viết nó thành một câu chuyện tình yêu, nhưng cuối cùng nó vẫn trở thành một bài viết buồn tẻ.
Tổng biên tập rất tức giận với tôi, nhưng cuộc sống là như vậy, tôi đâu thể làm gì khác. Hơn nữa, thơ của M đã không còn phổ biến từ lâu.
Khoảng ba năm sau, khi tôi gần như đã quên chuyện này, tôi nhận được một cuộc điện thoại.
Người kia báo tên tôi, rồi nói: "Anh còn nhớ tôi không? Tôi là S."
S, S nào nhỉ, tôi nghĩ rất lâu mới nhớ ra, "Ồ," tôi nói, "S, cậu đã ra tù rồi à?"
"Đúng vậy." Cậu cười nói ở đầu dây bên kia.
Điện thoại nhiễu tĩnh điện rất nhiều, tôi đang bận viết bài, chưa nói được mấy câu đã cúp máy.
S nói cậu đã ra tù, đang liên hệ xuất bản tập thơ cuối cùng của M, cậu muốn nhờ tôi viết lời mở đầu cho tập thơ của M vì dường như tôi là người duy nhất còn nhớ anh ấy.
Hai tuần sau, tôi nhận được bản mẫu của tập thơ, thơ của M vẫn khó hiểu như trước, duy chỉ có một bài thơ:
Tạm biệt Nonino
Ngày Chủ nhật lấy đi đôi mắt tôi
Không thấy mặt trời và khuôn mặt em
Ngày thứ Hai lấy đi đôi tay tôi
Không còn sức để ôm em, tôi xin lỗi
Ngày thứ Ba và thứ Tư lấy đi đôi chân tôi
Không thể cùng em tản bộ nữa rồi
Ngày thứ Năm lấy đi lưỡi tôi
Không thốt lên được tên của em thành lời
Chẳng biết phải làm sao
Ngày thứ Sáu lại lấy đi vài thứ
Đừng buồn nhé, dù chẳng thể ái ân
Tôi vẫn luôn yêu em như vậy
Tạm biệt Nonino, tạm biệt
Đừng hỏi tôi sao mà đời đau khổ
Cuộc sống này vốn đau khổ đấy thôi
Thượng đế cho, Thượng đế lấy lại rồi
Mà em cho tôi nhiều điều hơn chừng ấy
Tạm biệt Nonino, tạm biệt
Dẫu cho ngày Chủ nhật
Họ mở đầu tôi, tách não tôi
Lấy ký ức tôi, vẫn nhớ thôi
Chúng ta đã từng yêu nhau như vậy.
Ở dưới bài thơ có một hàng chữ nhỏ: Tặng S - người yêu của tôi, chúng ta sẽ gặp lại, tôi vẫn tin như vậy.
Đề ngày 09 tháng 12 năm 1987, đó là bài thơ cuối cùng của M.
Tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần, khép tập thơ lại mà nước mắt còn vương đầy trên mặt.
Tôi nghĩ đó chính là tình yêu.
—----------------------------------------------------------
Vài lời của người dịch:
Nhiều năm về trước, tôi biết đến câu chuyện này qua một bài viết của một người bạn. Bài viết nói về một bài viết khác nói về một nhân vật trong một bộ phim khác. Người viết chỉ cảm khái họ đã từng đọc được một bài thơ như vậy.
“Bài thơ” tôi tìm được có tựa đề "再見諾尼諾" (“Tạm biệt Nonino”) thật ra chỉ là một phần trong truyện ngắn mà các bạn vừa đọc. Bản dịch của tôi là dịch từ bản lưu trữ trên mạng, tác giả không còn chính thức đăng tải truyện ngắn này.
Trong quá trình truy tìm “Bài thơ” này, kết quả tìm kiếm luôn chỉ tôi đến bản nhạc "Adiós Nonino" (“Tạm biệt Nonino”) của Ástor Piazzolla, một nhà soạn nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng người Argentina. Bản nhạc "Adiós Nonino" là một tác phẩm nhạc tango đầy cảm xúc, được Piazzolla sáng tác để tưởng nhớ người cha đã khuất của mình. Có lẽ sự nhầm lẫn này xuất phát từ việc cùng chia sẻ tên gọi "Nonino" mà Ástor Piazzolla dùng trong bản nhạc của ông.
Xin nói rõ hơn, “Bài thơ” xuất hiện trong truyện ngắn này viết về mối quan hệ giữa hai người yêu nhau, không liên quan đến mối quan hệ cha con mà Ástor Piazzolla gửi gắm trong bản nhạc. “Bài thơ” này có thể là một sáng tác độc lập lấy cảm hứng từ bản nhạc, hoặc một tác phẩm văn học khác có sự tương đồng về tên gọi và cảm xúc.
Tôi đã giữ bản dịch này trong máy rất lâu. Một thứ vỗn dĩ phải biến mất, vẫn hiện hữu trên không gian mạng, với hiểu lầm, và tiếc nhớ, vì nỗi buồn đó vẫn còn tồn tại.
Nội dung cũ, lối kể chuyện cũ, thêm chất lãng mạn bi thương tình yêu kiểu cũ, thứ chỉ thuộc về thế hệ của tôi, cảm thấy không đăng được ở nơi nào cho phù hợp.
Rồi một ngày tháng 05 năm 2024, các bạn lại được đọc cùng tôi. Đây là bản dịch, vượt thời gian về lúc tác giả chưa nhấn nút xoá, còn tôi thì biết nơi đâu thuộc về.
Aoi
23.05.2024