Tấm gương mùa thu
Nguyễn Vũ Hiệp
• Tiểu dẫn: Renga (liên ca) là một thể thơ truyền thống của Nhật Bản, trong đó các câu thơ 3 dòng xen kẽ các câu thơ 2 dòng. Mỗi câu thơ mô tả một khung cảnh hoặc nhân vật riêng biệt, nhưng câu sau phải kế thừa dư vị của câu trước, và cả bài thơ phải mang một không khí chung. Các renga cổ điển thường dài 100 hoặc 36 câu, và do một hoặc nhiều tác giả cùng làm. Câu mở đầu phải khái quát chủ đề của toàn bài, và phải có cảnh hoa anh đào trong câu áp chót. Từ thời Basho, câu mở đầu của renga bắt đầu được xem là bài thơ độc lập, từ đó hình thành thơ haiku.
Phía dưới là một liên ca 36 câu mà tôi viết cho prompt ‘Những người giữ xác chết’ của Tiếng-Thét. Nó mô tả một thế giới hoài niệm, nơi con người và sự vật là những bể chứa ký ức tác động qua lại lẫn nhau. Là những mặt hồ cùng soi bóng một bầu trời mưa, liệu họ có in được hình dáng chính xác của bầu trời vốn dĩ thông thủy với mình, liên tục tái định hình cùng mình?
Cuối bài có bổ sung hai chú thích ngắn, xoay quanh một số thực hành tín ngưỡng mà bài thơ đề cập.
1
Tấm gương nhăn
trời soi bóng
hồ mưa thu.
2
Mỏi dấu chân chim
đậu lệ niên thiếu.
3
Tóc xanh tóc bạc
khoả chung sớm muộn
một trận gió vàng.
4
Con chấy cổ am
nấp trong kinh Phật.
5
Dứt chuông đại hồng
phủi tàn tro kiếm
xá lị sư ông.
6
Người Do Thái buồn
mãi treo chữ thập.
7
Quả phụ nước mắt
đong những giận hờn
không ghi điếu văn.
8
Xấp tiền hoá vàng
bé con giấu mẹ.
9
Xoè quạt mắng chồng
và nhận tiền kiếp
khi lên giá đồng.
10
Ngồi thềm pháo xuân
mở tin nhắn cũ.
11
Mang nắm xương tàn
tìm nhà tử sĩ
cửa khuất cỏ hoang.
12
Đỏ đất khăn quàng
ném hôm tốt nghiệp.
13
Nàng cosplayer
vẫn mang cung kiếm
thuở chưa bao giờ.
14
Hẹp đời diễn viên
chiều mưa đóng máy.
15
Cuối ngõ chập chùng
cột lim vách kính
tam đại sống chung.
16
Mười thế kỷ rêu
một bia đá đổ.
17
Lật áng cổ thư
hay tranh tố nữ
hoài kiếm người quen.
18
Viết gửi những ai
mùa sau hé nụ.
19
Bỏ người chết nằm
áng mây dữ liệu
lang thang ngàn năm.
20
Dệt tấm duyên trời
một thoi thuật toán.
21
Giọt nắng bung mầm
dội trên thớ gỗ
vệt sóng đồng tâm.
22
Kiến cánh rụng gieo
hạt hương cố thổ.
23
Hoài viết tên mình
ngàn lòng trai nối
giun sử ký sinh.
24
Đứa bé nhập cư
đổi ông quốc tổ.
25
Cuối con phố lạ
mở bản đồ cũ
vào nếp nhà quen.
26
Vẫn ở với người
trong đôi bức ảnh.
27
Lấm tấm mộc hoa
nhành xuân nay thấm
hương nhành năm qua.
28
Phủ trắng con trăng
bằng thơ mấy kỷ.
29
Ruổi bóng non Tây
bắt dải nắng lịm
ép sổ thơ đầy.
30
Đất trở mình trong
lời ru nhớ lại.
31
Vịn trăng thượng tuần
ông già đi dạo
một chuyến thanh xuân.
32
Con khỉ nhớ rừng
bonsai cúi tỉa.
33
Ra trường xuất môn
cất thanh kiếm gỗ
bụi phủ hoang hồn.
34
Đền thờ võ gia
cờ thay mấy bận.
35
Muốn về làm quả
cành khô xuân đáo
trổ mùa đào hoa.
36
Luân hồi xứ thơ
tử cung ký hiệu.
Chú thích:
(con số dưới đây là số thứ tự câu thơ)
[9] Hai mẩu chuyện mà tôi nghe được từ những người hầu đồng. Trong chuyện thứ nhất, khi một cặp vợ chồng đi hầu đồng, một vị thần đã nhập vào cô vợ để quở mắng người chồng thường bạo hành cô ta, lúc đó ngồi ngay cạnh. Trong mẩu chuyện thứ hai (vốn khá quen thuộc), một phụ nữ nhập đồng tự xưng là có xuất thân cao quý trong các kiếp trước, khi thì là công chúa, khi khác là tiên nữ trên thiên cung.
[10] Trong tư tưởng Thần Đạo, mỗi linh hồn có bốn phần hoặc bốn cách hiện diện – là hoang hồn, hòa hồn, hạnh hồn và cơ hồn. Trong đó, hoang hồn (aramitama) được xem là phương diện hoang dã, nổi loạn của linh hồn đó.