Về những người đóng thuyền trên núi

Maik Cây

[Trích đoạn] Gỡ băng phỏng vấn Trần Bích Băng và Lăng Xuân Minh.

 

Hỏi: Ngày 15 tháng 4 vừa rồi, Edvard Revin đã qua đời ở tuổi 79 trong một chuyến thám hiểm hoang dã mà nhiều người cho là, độ thử thách của chuyến đi này đã quật ngã ông. Ông là một nhà thám hiểm, một vận động viên, một nhà đấu tranh vì môi trường, và một người làm chương trình truyền hình thực tế về thiên nhiên hoang dã rất có tầm ảnh hưởng. Ông được coi là một biểu tượng văn hóa đại chúng trong nhiều thập kỷ.

 

Trong suốt những năm 1983 đến 1998, hai ông bà đã từng có mối quan hệ mật thiết với Revin, đặc biệt là Trần Bích Băng. Tuy nhiên, mối quan hệ của ba người, và trong một thời gian ngắn là bốn người, ở đây chúng tôi đang nhắc đến nhà điêu khắc Tao Li Ying, đã từng là một mối tranh cãi lớn, một xì-căng-đan trong giới nghệ thuật và truyền thông thời gian đó. Hai ông bà đã từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn liên quan đến mối quan hệ này, cho đến tận này hôm nay. Thay mặt tạp chí Da Phantom, đầu tiên, chúng tôi muốn cảm ơn ông bà đã đón tiếp chúng tôi tại nhà riêng và đồng ý thực hiện cuộc phỏng vấn này. Chúng tôi tin rằng, những chia sẻ ngày hôm nay sẽ có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử các thực hành nghệ thuật, cũng như trong nền văn hóa lệch pha hay queer của chúng ta.

 

Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin phép dành cho cả hai ông bà. Ông bà có cảm nghĩ gì về sự ra đi của Revin ạ?

 

Lăng Xuân Minh: Tôi quen Edvard Revin qua Bích Băng. Revin là một người bạn lớn trong cuộc đời tôi, mặc dù chúng tôi không nói chuyện quá nhiều, do rào cản ngôn ngữ, cả tôi và anh ấy đều không quá rành tiếng Anh – tức là ngôn ngữ chung mà chúng tôi có thể và phải dùng, và hiển nhiên, có nhiều đồn đoán về chuyện chúng tôi tranh giành ảnh hưởng lên Bích Băng và tác phẩm của bà ấy trong giai đoạn đó, thậm chí là cả sau này khi Bích Băng và Revin chấm dứt quan hệ tình cảm. Tôi đau xót hơn tôi tưởng tượng rất nhiều khi nghe Edvard qua đời. Chúng tôi xa lạ với nhau về nhiều mặt: căn tính, hoàn cảnh, mối quan tâm cho đến lựa chọn đời sống, nhưng chúng tôi chia sẻ tình yêu với nhiếp ảnh, các môn võ thuật, với du lịch mạo hiểm và đặc biệt là thiên nhiên hoang dã. Trong khoảng thời gian mối quan hệ tay ba giữa chúng tôi xảy ra, tôi và Bích Băng đã khá nhiều lần chia thời gian trong năm ra để lần lượt ‘xê dịch’ cùng Edvard, hoặc cùng nhau ba người làm những chuyến ‘xê dịch’ đó. Tôi không biết nói gì hơn ngoài khẳng định lại rằng những chuyến xê dịch ấy đã thay đổi hoàn toàn con người tôi. Edvard là người dạy cho chúng tôi rằng tình yêu vô điều kiện là khả dĩ giữa những người xa lạ, thậm chí một loại tình yêu rất khó được chấp nhận trong xã hội thời kỳ đó như tình yêu tay ba, hay tay bốn. Tôi nghĩ chúng tôi đã là một gia đình, vì thế nên mất đi Edvard không khác gì mất đi một người thân.

 

Trần Bích Băng: //Im lặng rất lâu trước khi trả lời// Tôi đang cố mường tượng lại quãng thời gian tôi và anh Edvard chia sẻ với nhau. Chúng tôi giờ đều đã quá già rồi, đều là những ông bà già, những bậc trưởng thượng trong thế giới này. Tôi nghĩ là //Trần Bích Băng dừng lại và hút thuốc lá điện tử mất vài phút//, tôi nghĩ là Edvard đã và vẫn luôn luôn là một trong những tình yêu lớn nhất đời tôi. Tôi không biết làm sao để mô tả cảm xúc của tôi lúc này. Tôi không nghĩ đau đớn là từ phù hợp để mô tả trạng thái hiện tại của tôi. Phần lớn thời gian tôi chỉ thấy trống rỗng, một cái hố hư vô có đường kính quá tầm mắt nhìn của tôi. Ed là người đã đẩy tôi lên những cung bậc cảm xúc và tỉnh thức rất cao. Việc này thậm chí vượt xa, nằm ngoài khuôn khổ của sự thật là chúng tôi đã cùng nhau có những trải nghiệm rất cực hạn về thể xác – không phải chỉ là tình dục, thậm chí tình dục là thứ yếu trong mọi so sánh. Đó là một thứ kết nối thể xác và tinh thần rất khó mô tả. Ed rất sâu sắc và tinh tế trong cách anh ứng xử với thế giới và con người, và đó là điều làm tôi luôn đau đáu khi nhớ về anh. Anh luôn rất vui và cũng rất buồn, như mọi trạng thái trong một vậy. Anh choán đầy thế giới, và khi anh ra đi, anh bỏ lại một thế giới rất khó sống cho những người như tôi.

 

Hỏi: Theo ông bà, kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất với Edvard Revin?

 

Trần Bích Băng: Quá nhiều kỷ niệm. Tôi rất nhớ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Tôi chỉ là một nghệ sĩ làm phim quèn, không tên tuổi, còn Ed thì đã đi lang thang khắp thế giới. Anh làm tôi tin vào cái gọi là tình yêu sét đánh. Tôi nhớ những bức thư-phim tôi làm cho riêng anh, từng bức một, và những điều nhỏ nhặt trong đời sống của chúng tôi. Hoặc đơn giản là cách anh ngước nhìn trần nhà khi suy tư. Nhưng tôi nghĩ việc tôi và Ed chia tay nhau sau một đại hải trình có lẽ là điều sau cùng còn lại với tôi. Chúng tôi đã dành 122 ngày lênh đênh trên biển, đối mặt với cái chết, với sự cô đơn và kinh khủng nhất là với chính nhau. Ed đã có những lúc muốn bỏ cuộc, nhưng anh gan lỳ hơn thế và chúng tôi lại tiếp tục cho đến tận Rio de Jainero. Tôi đã cầu nguyện trước tượng Chúa ở đó, sau đó tôi đi về khách sạn, hôn tạm biệt anh và đi thẳng ra sân bay để trở về quê nhà.

 

Lăng Xuân Minh: Tôi nhớ những ngày tháng đó khá rõ. Tôi nhớ cảm giác khá mông lung nhưng cũng không hề thiếu hy vọng với ý nghĩ rằng giờ đây mối quan hệ này chỉ còn hai chúng tôi, tức là sau khi Edvard ra đi thì bộ ba chỉ còn lại tôi và Bích Băng, và tôi tự hỏi chúng tôi sẽ loay hoay thế nào tiếp với nhau.

 

Trần Bích Băng: Sau đó tôi và ông đã quyết định đi bộ 3.000 cây số cùng nhau, xuyên qua ba quốc gia. Tôi cũng rất nhớ chuyến đi đó.

 

Lăng Xuân Minh: Tôi nghĩ sau chuyến đi bộ đó chúng ta đã gần như rất chắc chắn về việc sẽ già đi cùng nhau.

 

Trần Bích Băng: Đúng rồi. Trong thời gian ở Đài Loan, tôi có viết thư gửi Ed và nói với ông ấy rằng chắc tôi và Lăng Xuân Minh sẽ gắn bó với nhau cả đời. Ông ấy không hồi đáp lá thư ấy nhưng có gửi nhiều quà kỳ lạ từ những nơi ông ấy ghé thăm về căn nhà chung của tôi và Xuân Minh thời đó. Ở phố Đào Duy Từ, Đà Lạt. Ông ấy, ý tôi là Edvard, cũng đã dành khá nhiều thời gian ở căn nhà đó.

 

Lăng Xuân Minh: Edvard từng gửi cho tôi và Bích Băng một chiếc răng bị rụng của anh ấy khi quay trở lại Oman. Anh ấy đấm nhau với ai đó, tôi không nhớ rõ nữa.

 

Trần Bích Băng: Ed rất thích các trận đấu. Chúng tôi thường xem quyền Anh với nhau, có những lúc chúng tôi mở màn hình TV là quyền Anh rồi mở nhạc cổ điển lên nghe. Bach, Beethoven, Rachmanioff, mấy cái tên quen thuộc. Anh rất am hiểu nhạc cổ điển và mọi thể loại thể thao đối kháng kiểu boxing.

 

Lăng Xuân Minh: Ông ấy thách đấu với mọi tay đấm mà ông ấy khoái. Về căn bản khi được Edvard thách đấu là bạn đã một chân đi vào cái chúng tôi gọi là ‘hữu giới’, cái vòng tròn bạn bè của Edvard rồi.

 

Trần Bích Băng: Nhưng chúng mình chưa từng tổ chức bất kỳ một trận quyền Anh nào tại cái nhà Đào Duy Từ nhỉ?

 

Lăng Xuân Minh: Chưa, chưa từng ở phố Đào Duy Từ, dù có từng làm ở nơi khác. Giờ cả con phố đó gần như đã hoàn toàn biến thành tài sản tư nhân của bà Liên Ngọc Anh, nhưng thời đó chúng tôi vẫn còn chia sẻ khu phố này. Nó giống như một loại trại sáng tác hoặc trạm nghỉ lữ hành vậy. Tôi rất thích con phố và căn nhà đó. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất với Edvard cũng là ở con phố này. Chúng tôi đã cùng nhau làm một con thuyền gỗ. Đấy là một quyết định rất kỳ cục, rất điên rồ, rất phi lý, việc đóng một con thuyền giữa núi thì hiển nhiên là khó có thể gọi là bình thường rồi. Nhưng khi chúng tôi cùng nhau đồng ý làm con thuyền đó, bất chấp tính bất khả thi của nó, tôi thấy mình và Edvard đã sống trọn sự phi lý của đời người. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, tập trung, nhưng đồng thời cũng trong một tâm thế rất thoải mái. Nghĩa là cả tôi và Edvard đều không nghĩ đến việc phải dựng xong cái thuyền đấy. Chúng tôi sẽ dừng khi nào chúng tôi cần dừng thôi.

 

Trần Bích Băng: Hai người họ bỏ dở con thuyền khi đã xong gần 90%. Sau đó họ cứ vứt nó ở giữa núi. Nói chung là mặc kệ sự thúc giục của tôi, họ bảo bỏ không làm nữa là bỏ. Họ cũng không muốn biến nó thành một loại kỳ quan thiên nhiên do con người bồi đắp hay gì, chỉ đơn giản là cứ bỏ nó giữa rừng cho ai muốn đến làm gì thì làm.

 

Hỏi: Và bà đã can thiệp vào ‘tác phẩm’ đó đúng không ạ?

 

Trần Bích Băng: Đúng rồi. Có lẽ tính cách hống hách của tôi đã xui tôi làm việc ấy. Tôi luôn cảm thấy có một thẩm quyền ý kiến nào đó với cả Xuân Minh và Edvard, nhưng con thuyền đó là thứ đầu tiên họ không thèm nghe tôi khuyên. Khi họ bỏ con thuyền lại, tôi đã thuê thợ rồi tự tay cùng họ hoàn thiện nốt nó và đưa nó vào hoạt động cho chuỗi trải nghiệm ‘Đối diện’ ở hồ nước mặn Balinski. Những người đăng ký trải nghiệm phải ở trên thuyền một mình, không có phương tiện liên lạc nào ngoài một bộ đàm nối với trung tâm cứu hộ. Họ có đủ đồ ăn thức uống và những phương tiện cần thiết để sống sót. Điều yêu cầu duy nhất là họ phải ở một mình trong vòng 5 ngày, hoặc 25 ngày, hoặc 55 ngày, tùy theo đăng ký của họ. Tôi cũng đã từng ở trên con thuyền đó trong vòng 55 ngày để tự quay một phim-selfie cho chính mình, và đó là những ngày tháng hết sức êm đềm, theo như tôi nhớ.

 

Lăng Xuân Minh: Không phải đâu, lúc trở về bà đã khóc và suy sụp khá nhiều đấy.

 

Trần Bích Băng: Có lẽ là tại tôi không thích thế giới loài người lắm. Họ làm tôi rối trí. Hoặc cũng có thể tôi cảm thọ được một điều rằng vốn dĩ chúng ta vẫn rất cần loài người, cần cộng đồng, bất chấp sự khác biệt của chúng ta, và điều đó cũng làm tôi rối trí.

 

Hỏi: Ông Revin có bao giờ đến ở trên con thuyền đó không?

 

Lăng Xuân Minh: Không bao giờ. Ông ấy lựa chọn bỏ lại nó như bỏ lại một quá khứ, và việc ra đi của ông ấy rất toàn bích.

 

Trần Bích Băng: Tôi nhớ có rủ ông ấy, nhưng ông ấy chỉ bảo, có lẽ đợi khi nào anh gần chết đã.

 

Lăng Xuân Minh: Và bây giờ thì rất tiếc là không còn cơ hội nào cả.

 

Trần Bích Băng: Tôi thì không tiếc gì. Tôi thấy mọi ‘course of action’ (nguyên văn tiếng Anh trong phỏng vấn sẽ được giữ nguyên) đều có sự hợp lý của nó. Nói chung mặc dù các khả thể là vô biên, nhưng từng lựa chọn nhỏ một lại khiến các khả thể này đi về một hướng rất ‘absolute’. Nói thế nào nhỉ?

 

Lăng Xuân Minh: Tôi hiểu là nó phải là như thế, và không thể mong cầu một sự kiến tạo thực tế khác.

 

Trần Bích Băng: Ừ tôi nghĩ là như vậy.

 

Hỏi: Ông bà có đánh giá mối tình tay ba khá tai tiếng của mình với Edvard Revin là một dấu mốc văn hóa lệch pha không?

 

Trần Bích Băng: Cần phải làm rõ là nó là dấu mốc văn hóa của cái gì, ngoài ‘lệch pha’, thứ luôn được gắn với chúng tôi một cách cả tự nguyện cả cưỡng ép? Một lược sử tình yêu của lãnh thổ này hay những vùng lãnh thổ liên đới trong thế kỷ 20 và 21 chăng? Tôi nghĩ độ phủ sóng nhất định của câu chuyện chúng tôi thời đó đã phần nào thay đổi quan điểm của nhiều người về những khả thể của tình yêu. Nhưng đồng thời thì nếu không phải là chúng tôi, tôi tin vẫn sẽ có những yếu tố khác làm cho sự thay đổi cục diện này đi đến diễn trình của nó. Thực thà mà nói nếu gọi một tình yêu là một thứ thuộc về dạng di sản văn hóa, thì cũng khá kỳ khôi. Tuy nhiên, tôi thấy được khía cạnh xây dựng, bồi đắp của nó. Sự hiện diện của một thứ tình yêu ngoại vi như vậy rõ ràng tác động đến cảm thức văn hóa của đại chúng, thay đổi cách đại chúng hướng mắt nhìn vào những thứ bên lề. Nên cũng có thể nói là có, nếu cứ buộc lòng phải xét theo quan điểm lịch sử như vậy.

 

Lăng Xuân Minh: Tôi không thích gọi nó là dấu mốc văn hóa lắm. Với tôi nó đã là tình yêu, của hai người đàn ông dành cho một người đàn bà, và tình yêu giữa hai người đàn ông đó - theo một nghĩa nào đấy. Có thể nó có tính iconic ở một mức độ nào đó, nhưng về căn bản nó vẫn là một áp-phe cá nhân. Tôi không thích cứ phải gán những cái mác đại tự sự cho một sự kiện thuần túy tiểu tự sự, dẫu rằng phải nhìn nhận, không có tiểu tự sự nào không đóng góp cho đại tự sự, và ngược lại.

 

Hỏi: Tôi nghĩ chúng tôi đánh bạo gọi mối tình đó là ‘dấu mốc văn hóa’ vì nó không chỉ là một câu chuyện riêng giữa, như ông nói, hai người đàn ông và một người đàn bà, mà nó còn được phản ánh vào rất nhiều tác phẩm của cả ba người? Cả phim và ảnh.

 

Trần Bích Băng: Tôi không thể phủ nhận điều đó. Tác phẩm của tôi chịu những ảnh hưởng rõ nét của Edvard và Xuân Minh trong thời kỳ này. Tôi là người đàn bà đang yêu, và cùng một lúc được cái niềm hân hưởng của việc yêu hai người đàn ông một lúc, mà không bị họ coi là tham lam hay đĩ thõa. Dù chịu đựng nặng nề thứ gọi là ‘búa rìu dư luận’ vào thời điểm mối quan hệ tay ba, tay tư của chúng tôi diễn ra, tôi nhận được tình yêu vô điều kiện từ những người mà tôi cũng yêu vô điều kiện, và tôi được giải phóng mạnh mẽ vì việc đó, và sự tự do mà tôi cảm nhận được đã rỉ ra, hay nói nghe đỡ xúc giác hơn là hiển lộ ra qua những viết lách và một số bộ phim du ký của tôi. Thời kỳ đó tôi làm khá nhiều phim dạng phim ‘mood’, phim kiến tạo tâm trạng, kết hợp với dòng phim essay trước đó tôi theo đuổi. Xuân Minh và Edvard hiện diện thường trực trong những thước phim đó và là minh chứng của việc phim ảnh có thể cá nhân đến mức nào. Một cảnh đến giờ vẫn được trích dẫn khá nhiều mặc dù gây lắm tranh cãi khi nó ra mắt là cảnh Xuân Minh và Edvard tắm suối trong tình trạng khỏa thân, và tôi là người quay phim. Có thể ở thời điểm này chúng ta thấy một cảnh tượng đời sống như thế là một lựa chọn bình thường, nhưng ở thời điểm đó nó động chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là câu hỏi về việc giữa Xuân Minh và Edvard có mối quan hệ đồng giới không? Tôi nghĩ tôi may mắn vì có hai người đàn ông rất thoải mái với tình trạng tính dục và những khả thể tình dục của mình. Tôi cũng nghĩ đó là một thực hành nghệ thuật rất queer, chứ không phải chỉ vì những giá trị gây shock. Nhưng phải nhắc lại là thời đó tôi bị nhục mạ kinh khủng chỉ vì dám đưa lên màn ảnh hai gã đàn ông trần như nhộng này. //Trần Bích Băng cười lớn và bóp nhẹ cánh tay Lăng Xuân Minh.//

 

Lăng Xuân Minh: Thẳng thắn mà nói tôi sẽ không ngại gì khẳng định mối quan hệ của tôi với Edvard Revin. Chúng tôi, tôi và Bích Băng thường nói đùa rằng anh ấy giống như một vị vua phương Bắc. Tôi thấy tôi cũng xứng đáng với một người đàn ông như vậy. //Cười lớn.// Tôi và Bích Băng, à thực ra chủ yếu là tôi, dành cho Edvard sự kính trọng rất lớn kiểu đàn anh. Edvard lớn hơn tôi khá nhiều tuổi và anh có quá nhiều kinh nghiệm với thế giới. Khi tôi gặp Edvard Revin lần đầu, tôi vẫn còn là một cậu nhóc, vướng vào một chuyện tình với một người đàn bà lớn tuổi khó hiểu. Edvard, tôi phải thú thật, là khi ban đầu được biết đến Edvard, tôi thấy ông ấy như một thứ cúp vàng của Bích Băng vậy.

 

Trần Bích Băng: //Cười lớn// Thế là ông lao đến cướp cái cúp đó?

 

Lăng Xuân Minh: Không, không, tôi nghĩ là chúng ta chia sẻ cũng khá ổn thỏa đấy.

 

Hỏi: Theo ông bà, nguyên nhân nào dẫn đến sự đổ vỡ trong mối quan hệ ‘kiềng ba chân’ này?

 

Trần Bích Băng: Thật sự thú vị là chị dung cụm từ ‘kiềng ba chân’ vì nó gợi ngay cho tôi sự tích ông Công ông Táo của chúng ta. Đấy cũng là một mối tình tay ba đúng không, hai người đàn ông và một người đàn bà, nhưng kết thúc rất oan khiên. Điều cảm động là dân gian đã giải sự oan khiên này bằng cách biến họ thành thần. Tôi thấy dân tộc ta là một dân tộc có tính khoan dung. Có thể vì chúng tôi là người của dân tộc này thành thử cũng dễ sống hơn chăng?

 

Lăng Xuân Minh: Việc chia tay thì chủ yếu là quyết định của Bích Băng và Edvard. Bích Băng có hỏi ý kiến tôi, nhưng tôi nói với bà ấy là chị muốn quyết định thế nào thì em cũng tôn trọng quyết định đó, và hơn hết, chị đừng bao giờ quên, đó là quyết định của chị. Tôi và Edvard Verin không thực sự thảo luận về cuộc chia tay này sau đó. Chúng tôi có trao đổi ngắn gọn về những sắp xếp đời sống sắp tới, nhưng chỉ thế thôi. Sau đó một năm thì tôi và Bích Băng quyết định có con. Tôi nghĩ đó cũng là một cái neo đậu trong đời sống. Edvard rất quý Vĩnh Long con chúng tôi, nhưng tôi nghĩ anh ấy khá e dè khi tiếp cận đời sống mới này của chúng tôi. Anh ấy quá yêu tự do và không mường tượng được một thứ đời sống như vậy.

 

Trần Bích Băng: Tôi là người chủ động chia tay. Đương nhiên là cũng sau một quá trình dài tôi và Ed không còn thực sự đóng vai trò then chốt trong cuộc đời nhau. Tôi nghĩ là tình yêu nào cũng có kỳ hạn của nó. Khi đến kỳ hạn, buộc lòng phải tìm cách đóng cửa tình yêu đó một cách êm thấm, thì chính mình mới vượt thoát quá khứ được. Nhìn lại thì tôi chỉ đơn giản là cảm giác rất rõ việc kỳ hạn của tôi và Edvard đã đến. Anh ấy cũng không phản đối gì và hiểu ngay điểm nhìn của tôi. Chúng tôi không có gì phải trách móc nhau hay hối hận ở thời điểm chấm dứt đó cả.

 

Hỏi: Điều gì làm ông bà yêu quý Edvard Revin nhất trong thời gian ba người bên nhau?

 

Lăng Xuân Minh: Sự hào sảng của anh ấy, tôi nghĩ vậy. Sự mở lòng của anh ấy với thế giới. Edvard có một niềm tin rất lớn với thế giới này và mọi con người sống trong thế giới đó. Anh ấy rộng rãi cho nhận tình yêu, và đó là điều tôi phải mất rất lâu mới học được.

 

Trần Bích Băng: Câu hỏi này quả thực bất khả để tôi trả lời. Quá nhiều, quá nhiều. Chị biết đấy, Edvard Revin là người đàn ông mà tôi rất yêu trong một thời gian dài. Đó là người đàn ông mà tôi không cần dùng những mô tả mơ hồ về tính trạng tinh thần hay trí tuệ để nói rằng tôi yêu anh ta thế nào và theo cách nào. Rất cụ thể, tôi có thể mô tả việc tôi yêu mùi thơm trên làn da hay gương mặt đẹp của anh, ngón tay bị gãy hai đốt của anh, cách anh nói thứ ngôn ngữ Xla-vơ của mình như chim, cách anh vận hành cỗ máy khổng lồ là cơ thể của anh. Revin là một người đàn ông ngoại hạng, hay nói đúng hơn, là một con người ngoại hạng, về cả kích cỡ thể xác và tinh thần. Anh là người đàn ông đầu tiên thuộc chủng tộc khác mà tôi có mối quan hệ cùng. Nói thế nào nhỉ, việc đấy là một thay đổi rất căn cốt với nhận thức của tôi về thế giới. Trước đó tôi nghĩ một mối quan hệ như vậy là không khả dĩ với cá nhân tôi, vì tôi định vị mình là một phe-mi-nít da màu, trong khi anh lại là một người đàn ông da trắng tóc vàng mắt xanh, thậm chí có thể chất áp đảo với phần lớn đàn ông trên thế giới này. Tôi không mường tượng được là cái ‘power dynamic’, cái quan hệ quyền lực giữa chúng tôi sẽ hoạt động lành mạnh được. Chúng tôi đến từ hai đất nước phải chịu đau thương vì chiến tranh, đó là điểm chung, nhưng phần còn lại thì rất cách biệt. Tôi từng nghĩ đó là một rào cản rất lớn cho mối quan hệ của chúng tôi, nhưng anh đã chứng minh ngược lại. Rằng bằng cách vượt qua rào cản đó và trao cho nhau tình yêu vô nhiễm không vụ lợi, chúng tôi đã học được bài học của mình không chỉ về nhau, mà còn về chủng tộc kia, về danh tính đàn ông đàn bà, hay danh tính queer và mối quan hệ queer theo nghĩa rộng trong xã hội của chúng tôi ở thời điểm đó.

 

Hỏi: Vì sao bà lại cho rằng việc bà là một người phụ nữ châu Á, da vàng, và Edvard Revin là một người đàn ông châu Âu, da trắng, lại có thể là một cản trở?

 

Trần Bích Băng: Vì khi chúng tôi hiện diện cùng nhau, sẽ có một sự bất cân bằng về quyền lực rất rõ nét. Chúng tôi thường xuyên gặp những tình huống dở khóc dở cười ở các không gian công cộng. Ví dụ như ở nhà hàng, đôi khi người ta sẽ quên mất những chi tiết trong order của tôi, hoặc thậm chí quên luôn, trong khi luôn luôn nhớ order của Ed và phục vụ anh ấy chỉn chu. Hoặc khi chúng tôi nắm tay nhau trên đường và tôi ăn mặc có vẻ phóng khoáng – tôi nghĩ người ta sẽ rất dễ từ hình thức mà khuôn tôi vào cái khuôn ‘con đĩ châu Á’ chẳng hạn. Nghe rất kinh khủng đúng không, nhưng đó là cảm giác của tôi ở thời điểm đó. Chúng tôi từng đùa nhau rất kinh khủng. Thực sự là có lẽ vì Edvard đã qua đời rồi nên tôi mới có thể thổ lộ ra với công chúng, hay với người ngoài nói chung. Ví dụ khi chúng tôi chỉ có hai người với nhau, tôi thường đùa anh ấy kiểu như là, da trắng thượng đẳng các người thì không thể hiểu được sự o ép mà chúng tôi chịu đựng, nhất là lại là một alpha male như Edvard, rằng việc các người làm giỏi nhất là bóc lột tài nguyên bản địa của chúng tôi, và ngược lại anh ấy có thể trêu tôi là, em là một cô ả châu Á, anh chỉ đang lợi dụng thân xác em thôi đấy, và rằng châu Á đang dâng cho anh người đàn bà thơm ngon nhất như một sự triều cống.  //Trần Bích Băng bật cười vẻ e ngại.// Chúng tôi thử đùa nhau bằng những lời chỉ trích hay miệt thị mà chủng tộc này áp lên chủng tộc kia, và đó là lần đầu tiên tôi hiểu ra rằng khi anh nhận những lời miệt thị của tôi thì anh cũng sẽ thấy đau đớn như khi tôi nhận sự kỳ thị của chủng tộc anh, hay những chủng tộc khác khi quan sát sự trình diện của chúng tôi trong vai trò cặp đôi. Đương nhiên tôi hiểu những áp bức có tính thể chế, có tính phả hệ, có tính lịch sử giữa các chủng tộc, hay giữa người nam – người nữ, người hợp giới và người không hợp giới, vân vân, và phải cân nhắc hết những yếu tố đó trong mọi thực hành cá nhân. Nhưng đến sau cùng tôi thấy quan hệ người – người nó vẫn rất là cá nhân, và người ta phải nghĩ nhiều cả về cái bối cảnh, cái context của cá nhân nữa, để không đâm ra đàn áp nhau, hay dùng bạo lực và bá quyền để trị bạo lực và bá quyền.  Tôi nghĩ đó là bài học quý nhất Edvard dành cho tôi.

 

Lăng Xuân Minh: Bích Băng vật lộn rất dữ dội với danh tính nữ. Những cú đụng độ không chỉ xảy ra giữa một người đàn bà da vàng và một người đàn ông da trắng, mà còn xảy ra giữa một người đàn bà da vàng và một người đàn ông da vàng. Có những lúc tôi thấy rất tội lỗi khi đối diện với những bất công mà Bích Băng lên án, chế độ phụ hệ rồi cái nhìn đàn ông, những thứ như vậy. Nhưng rồi chúng tôi cũng phải học cách đối diện với nhau, đối diện với chính mình, và thậm chí là tìm cách thỏa hiệp để có thể đến được với nhau và dành tình yêu cho nhau.

 

Hỏi: Có bao giờ ông cảm thấy mình bị đem lên bàn cân với Edvard Revin không?

 

Lăng Xuân Minh: Cũng có, nhưng cảm giác đó qua đi khá nhanh. Tôi nghĩ là tôi học được từ Edvard việc ta chỉ có thể thực sự đồng đẳng với người khác nếu ta dám coi mình là đồng đẳng với họ. Một khi vẫn đeo mang một thứ mặc cảm tự ti, thì rất khó để mở rộng tầm nhìn và sự chấp nhận.

 

Trần Bích Băng: Tôi cảm thấy rõ nét hơn bao giờ hết trong thời kỳ ba chúng tôi trong một mối quan hệ, việc người đàn ông châu Á và người đàn ông châu Âu, hay nói rộng ra là những con người ở các chủng tộc khác nhau, với những bối cảnh và quyền lực được kế thừa rất khác nhau, có thể vẫn mang những giá trị rất cân bằng và bồi đắp cho thế giới những giá trị tương xứng ngang nhau. Việc tôi sau này chia tay Edvard và có con với Xuân Minh không làm giảm sút đi sự thật rằng tôi và Edvard đã có một tình yêu rất lớn. Xuân Minh công nhận điều đó và đó là một thái độ khiến tôi tin tưởng ông ấy rất nhiều. Ông ấy luôn nói với tôi là em tin chị, dù chị có làm gì thì em cũng tin là chị đang cố gắng lựa chọn đúng đắn và tử tế nhất. Thành ra tôi thấy người đàn ông châu Á họ cũng có thể rất rộng mở, cưu mang, chứ không chỉ như những định kiến về sự thủ cựu, hạn hẹp của họ. Bản thân tôi không bao giờ so sánh họ, và tôi tin là họ cũng không so sánh tôi với những người tình khác của họ, thế cho nên chúng tôi có sự tôn trọng nhau tuyệt đối. Đó là sự trung thành, sự trung tín, mà trước hết sự trung tín đó đến từ tình bạn và sự thấu hiểu lớn, chứ không phải chỉ là sự chung thủy do bị ràng buộc về mặt luân lý.

 

Hỏi: Ông bà có tiếp tục một mối quan hệ tay ba nào khác sau khi kết thúc mối quan hệ với Edvard Revin không?

 

Trần Bích Băng: Với tôi thì là không. Những mối quan hệ sau đó chủ yếu là các ‘fling’, các mối tình nhanh và ít ý nghĩa, rồi sau đó tôi không còn dấn thân vào chiến trường của tình yêu nữa, vì tôi thấy đã có đủ kinh nghiệm với nó rồi và tôi đã học được bài học tôi cần học rồi.

 

Lăng Xuân Minh: Tôi cũng như Bích Băng có một vài quan hệ nhỏ lẻ khác, cũng có những quan hệ rất có ý nghĩa, nhưng về mặt chiều sâu mà nói thì khó lòng được như mối quan hệ chúng tôi đã có với Edvard Revin. Chúng tôi gọi việc chia tay anh ấy là ‘the end of an era’, là kết thúc của một thời đại.

 

Trần Bích Băng: Đó đúng thực sự là một thời đại. Tôi quay nhiều footage và dựng nhiều phim ngắn đến trung bình về Edvard Revin. Người ta vẫn thường vui vẻ trích dẫn tôi trong những cuốn tiểu sử về Ed. Các tác phẩm hư cấu mang hình bóng Ed của tôi cũng không phải là ít. Tôi không nghĩ tôi tìm được một người bạn lớn như anh ấy sau đó, nhưng tôi chấp nhận điều đó. Đó là đời sống, bản giao hưởng của đời sống. Với vai trò là một nhạc công, bạn chỉ có thể chơi bản nhạc đang để trước mặt mình bằng những nỗ lực cao nhất về cảm xúc và kỹ thuật, nhưng bạn không thể phàn nàn rằng Beethoven là quá đau tim cho bạn hay Bach là quá nghiêm khắc với bạn. Bạn phải chơi theo cách của bạn với những lá bài đã được chia cho bạn.

 

Lăng Xuân Minh: Với tôi thì nó giống như một bản jazz ngẫu hứng hơn. Rất nhiều kỹ thuật và cảm xúc, nhưng chúng ta không nhất thiết chơi theo một nhạc phổ của một vị Chúa nào đó đã soạn sẵn. Chúng ta chơi theo tiết tấu tự nhiên của những thời khắc tiếp theo phải đến. Đó là cái đẹp của phong cách ngẫu hứng, và đời sống đẹp bởi ta không biết cái sắp đến. Điều đó không có nghĩa là đời sống luôn giữ ta trong trạng thái phấp phỏng, lo sợ, mặc dù, việc không thể thấu thị tương lai, đối với nhận thức của phần lớn con người, là một điều có vẻ đau khổ. Ví dụ như chị chia tay một người chị đang yêu nồng cháy chẳng hạn, và chị rơi vào bi lụy, chị sẽ rất dễ tìm đến những an ủi tâm linh, những chỉ thị của tâm linh, bói bài chẳng hạn, để trả lời các câu hỏi về tương lai – anh ấy có quay lại với tôi không, liệu anh ấy giờ có ý nghĩa gì với cuộc đời tôi, tình yêu mới của tôi sau anh ấy sắp đến chưa? Những câu hỏi như vậy.

 

Trần Bích Băng: Tôi có những thời kỳ nghiên cứu bài tarot, tử vi, và bản đồ sao khá kỹ lưỡng, có lẽ cũng vì nỗi thấp thỏm trước tương lai bất định đó. Có những khoảng thời gian thì tôi nghĩ chúng ngớ ngẩn, nhưng có lúc tôi khá tin vào những thứ huyền học này. Thật là lạ khi mang cả hai tâm thế đó đúng không? Nhưng có lẽ chủ đề này hơi xa rời chủ đề ban đầu của chúng ta rồi.

 

Lăng Xuân Minh: Tôi thì không coi đó là chuyện tin hay không tin. Đó là những ‘medium’, những công cụ để ta đọc được các thông điệp của thế giới. Thế giới thông báo cho chúng ta qua rất nhiều kênh với rất nhiều ngôn ngữ. Bạn càng dò được nhiều kênh và đọc được càng nhiều ngôn ngữ thì khả năng am hiểu thế giới của bạn sẽ tốt hơn.

 

Trần Bích Băng: Cũng đúng là việc hiểu thế giới rất quan trọng cho tiến trình học cách yêu thế giới và chấp nhận thế giới.

 

Hỏi: Và tại sao ông bà lại đánh giá cao cái gọi là ‘tiến trình học cách yêu’ hay tình yêu nói chung trong các thực hành nghệ thuật và đời sống của mình đến vậy?

 

//Lăng Xuân Minh và Trần Bích Băng nhìn nhau. Trần Bích Băng nhún vai.//

 

Lăng Xuân Minh: Tôi nghĩ là chúng tôi đã yêu rất cuồng nhiệt, nhưng cũng rất bình lặng và sâu sắc - yêu lẫn nhau và yêu đời sống, bất chấp sự hung bạo và kinh khủng của nhau và của đời sống. Đó là một loại ân điển. Một loại ơn gọi. Một loại thiên khải. Dưới ánh sáng của thứ thiên khải đó, người ta buộc phải hiểu rằng tình yêu là thỏi vàng ròng ta được Chúa Phật hoặc một Đấng nào đó cho ngậm trong miệng.

 

//Trần Bích Băng hôn Lăng Xuân Minh và đập nhẹ lên bàn tay ông nhiều lần.//

 

Trần Bích Băng: Vì nếu không phải vì tình yêu, thì có thứ gì đáng để ta, mỗi chúng ta, hàng ngày, hàng ngày, vô cùng phi lý và rã rời, đóng một chiếc thuyền trên núi, và vác một chiếc thuyền qua núi?

 

*Rã bang phần I cuộc phỏng vấn do tạp chí Da Phantom thực hiện với Trần Bích Băng – Lăng Xuân Minh ngày 03/05/20x4

Previous
Previous

Để chấm dứt với thảm sát xác thịt - Félix Guattari

Next
Next

Yokan