Ở giữa địa đồ tư bản, một cuộc đụng độ

Ly T. Nguyen


1. Không khí của cuộc chiến đóng dai dẳng ở Bờ Tây và dài Gaza của địa đồ Palestine cuối cùng cũng đã thổi vào đây, giữa lòng thành phố LA. Chị Tân bước đi nhấp nhổm. Hôm nay chị bay trở lại miền Trung Tây. Tay xách nách mang, lỉnh kỉnh những túi to túi bé, ba lô và tay nải xách mèo, chị Tân được thả vội vàng bên vỉa hè cạnh cổng tự động dẫn vào sảnh sân bay, nơi gửi đồ. Hôn tạm biệt người tình, chị xốc lại cái ba lô to đùng sau lưng, một cái cốc nhôm ngoắc vào tay túi để lát vào đến nơi còn uống nước. Trời nắng đì đùng dù là đầu tháng một—thời tiết như cái địa cầu ngày càng nóng lên, còn cái địa đồ chị đi tới thì nhiệt độ dưới âm. Cúi xuống mở cái va li to đùng, vỏ nhựa sơn màu đen lấp lánh dưới ánh nắng như là sơn ôtô, lại có góc bị vỡ phải dùng băng mà dính lại, chị đổ hết những các đầu dầu cần sa vào túi đồ trang điểm, tranh thủ nhai một cái kẹo gôm hứa sẽ giảm đau, rồi nhấn tay mạnh dằn cái vali xuống để khoá. Chị dựng vali dậy, kéo tay cầm, rồi đặt túi nải có con mèo đen đi đâu chị cũng mang đi lên bề mặt, rồi mới thư thả bước vào sảnh sân bay.

Đằng sau chị, sau cánh cửa tự động mở ra, người ta chỉ thấy những kiến trúc lặp đi lặp lại: Những con xe nườm nượp, xa xa hơn là những bãi gửi xe, đường tắc nghẽn dẫn ra vào sân bay, những tòa nhà bất định, mấy ngọn cây cọ dầu đứng cao liên xuyên lẫn vào những tòa nhà lổn nhổn. Bầu trời bị cắt lem nhem vì tầm mắt tới đâu thì billboard cao tới đó. Người xung quanh cứ đi, chỉ có lòng chị Tân cứ nôn nao lo lắng nghĩ tới hôm qua và hôm nay Nam Phi ra tòa án tội phạm quốc tế để chấn chỉnh hành vi diệt chủng trong cuộc đụng độ tháng mười năm ngoái với Lực Lượng Kháng Chiến Hồi giáo. Ngày hôm qua chị bận không có thời gian xem ba tiếng đồng hồ 11 người luật sư từ Nam Phi của miền Nam Toàn Cầu đanh thép buộc tội Israel về những hành vi diệt chủng mà quân đô hộ lập quốc Do Thái đã gây ra đối với người dân thường ở Lãnh thổ bị đô hộ của Palestine. Hôm nay thì mấy luật sư của Israel được quyền phản biện, chị lại càng chẳng muốn nghe. Nhưng đọc hồ sơ tin tức các bằng hữu chia sẻ trên mạng xã hội thì thấy nội dung buộc tội cũng chính là những gì chị thấy trong suốt hơn ba tháng qua, và sự bao biện cũng vẫn chỉ có từng đấy chuyện, lại lừa lọc dối trá với nhau—cách thể loại vừa ăn cướp vừa la làng vừa độc đoán lại còn đạo đức giả, ra vẻ nạn nhân lại còn được bầy đoàn mấy nước thực dân Châu Âu bảo vệ muốn làm trời làm biển gì cũng được. Chị nửa sốt ruột nửa lo âu, vừa đi vừa thở, khuyên nhủ bản thân nên từ từ mà bước, nhẹ nhàng cẩn thận bỏ cái vali lên cân, rồi đưa chứng minh thư cho đại diện hãng hàng không, rồi lấy vé, rồi lại tay xách nước mang cả ba lô dẫn mèo đi lên tầng hai để qua cửa an ninh.

Chị Tân đến sớm hơn chuyến bay hẳn hai tiếng đồng hồ. Bay từ địa đồ này sang địa đồ kia mãi rồi chị cũng nhận ra cứ thong thả mà đi là nhanh nhất, đỡ mệt thì không mất thời gian hồi sức. Mọi thủ tục vẫn vậy, chị đeo khẩu trang kín mặt và kính râm kính mắt, chẳng muốn nhìn ai trong cả cái sân bay không một người đeo khẩu trang vào giữa cái mùa dịch cao trào lần thứ hai kể từ hồi 2020. Đã bốn năm rồi, người ta đã bị chính phủ Đảng Tiến Bộ (được mỗi cái danh) lừa cho quay trở lại làm công ăn lương, không có bảo hiểm xã hội hay nhân sinh gì hết. Ở nơi chị làm, trường đại học tư vừa nhỏ vừa nghèo, người ta cứ lừ đừ mà sống vậy, khiến chị cứ lừ đừ sống rồi lại xoay như chong chóng mà hỏi phải biết sống thế nào. Chị cứ vừa đi vừa nghĩ lan man, phần vì mấy cái kẹo gôm giảm đau chị ăn hồi nãy, phần vì mấy tháng hay cả năm nay rồi chị cứ như là đi trong mơ vậy, ngơ ngẩn, rối bời, lo lắng, sợ hãi. Tiếng Anh thoát ra khỏi mồm chị như bong bóng trong nước biển, chị nói không thành âm, không biết phải trích dẫn bao nhiêu người thì bọn trẻ con nhà lao động sinh viên lớp chị sẽ hiểu được “sự phản bội của lũ cầm quyền” và ý nghĩa của hàng ngàn tấn bom đổ lên người đầu bị trị.

Ngày hôm kia, vừa dứt một cái hôn khỏi miệng người thương, chị và cô ấy lại liền cãi nhau không dứt, hét vào mặt nhau bởi vì cả hai không đồng tình được với cái cách người kia phản ứng trước cơn diệt chủng ngày. Chị Tân thì hiểu lắm, sự thờ ơ và năng lực của mấy người tư bản sống không cần biết ai vào với ai, cứ thân mình sướng là đủ, không phải bận tâm. Cô người tình thì khăng khăng rằng người nào cũng có con đường của họ, nếu họ chưa nghĩ đến thông hiểu và họ cố gắng hết sức mình vậy là đủ, ai cũng cần góp sức vào. Chị hiểu nhưng sốt ruột kinh khủng, những file cũ cứ hiện ra trong bộ nhớ, câu hát rời rạc của những bài ca khuyến khích xã hội cộng sản ngày xưa vang lên thoang thoảng. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”

Vừa đi lên cầu thang tự động, chị cứ cúi đầu xem đi xem lại đoạn video ngắn trên điện thoại, giọng một đứa trẻ con vang lên, nức nở, ngoan cường đọc bài thơ nghe như bài hịch viết bằng tiếng Ả Rập:

Và hãy để lịch sử nhớ về

Những trận bom rơi lên đầu 

lũ trẻ con và những căn nhà tan nát

và hãy để ngày sau kể về lũ cầm quyền phản trắc 

những thủ đoạn của cái chế độ 

cứ hành xử như lũ khỉ hoang 

và tiểu đoàn Al-Qassam thì 

nhất quyết không đầu hàng 

họ nhất quyết lao về phía trước

Thân họ như sấm sét 

Quân số họ thì đông 

Hệ tư tưởng rõ ràng minh bạch 

Tại tâm có tầm nhìn 

Có vũ khí là tình đoàn kết 


Các anh em ơi, hãy tới đây 

hãy cứ đi thẳng đến thiên đường 

để tìm gặp phái đoàn đi trước 

Dòng máu ta trong sạch 

Linh hồn ta hiên ngang 

Cuộc đời là vật tế cho Đức Chúa ta thờ phụng 

Vũ khí ta là đức tin 

Là lòng kiên nhẫn là sự ủi an 

Và chúng ta van lạy Đấng Khoan Hồng 

xin người chấp nhận cho những lời khai chứng

Chị nhớ tha thiết những ngày tháng tràn đầy niềm tin bởi chúng luôn bị cướp đi. Bài thơ ấy miêu tả sự hy sinh, đất quê hương ta chết để bảo vệ, đất người thì muốn cướp phải sát sinh. Những bài học này từ ông cha, chị nhớ, nhưng cái thói tha hương lúc nào cũng khiến người ta muốn quên đi.

2. Ngày hôm nay, ông Juan vui vẻ đi làm. Huýt sáo một câu ca vu vơ, ông đứng trong phòng tắm với cái gương nhỏ tại bồn rửa tay, mải mê vuốt hai cho tóc mái và chải ngược về phía sau, mái tóc trơn cộm với keo. Ông cẩn thận cạo râu nhẵn dưới cằm, mặc một cái áo sơ mi không cổ trắng bên dưới bộ đồng phục an ninh hàng không màu xanh biển. Hôm nay là thứ sáu, ông chỉ mong nhanh nhanh chong chóng hết ca còn đi về. Vừa huýt sáo vừa xịt một hơi nước hoa vào dưới cổ và hai nước áo, ông hài lòng nhìn vào gương. Phản chiếu lại là một người đàn ông điển trai tuổi tứ tuần da ngăm tóc đen nhánh, ánh mắt hiền lành lấp lánh sự mong chờ. Ngày hôm nay ông và Gloria sẽ được đoàn tụ cùng vợ, họ đã chờ đợi ở biên giới phía Nam hàng tháng trời mới được đoàn tụ. Ông đã đếm từng giờ từng phút. Catten, con mèo đen 6 tuổi đi qua đi lại dụi dụi dưới chân; ông nhấc nó lên, hôn một cái trên đầu rồi bế ra bếp cho ăn. 

Phủi phủi ống quần đột nhiên đầy lông mèo, ông Juan với tay lấy chùm chìa khoá lanh canh to bự treo bên cạnh cửa. Trên tường, miếng thánh giá có khắc hình Đức Mẹ Đồng Trinh Mary Guadalupe treo chỏng chơ, loá lên phút chốc khi cột đèn cao ngoài hiên cửa hắt sáng vào. Ông Juan bước ra ngoài, khoá trái cửa rồi túc tắc đi dọc hành lang của một khu chung cư hai tầng đã cũ. Hành lang với lan can sắt rỉ đen được bọc bằng một lớp lưới mắt cáo nhỏ bằng nhựa đen, nền bê tông lồi lõm, đi cứ phải tránh mấy vũng nhỏ sóng sánh đọng nước mưa từ hai, ba hôm trước. Không khí ngoài trời vẫn ngậm sương đêm. Ông đi xuống cầu thang bê tông hơi sứt mẻ, qua cái cổng sắt nối với phía sau toà nhà mỗi lần mở đều rít lên như tiếng thét. Ngồi vào buồng lái của con xe Toyota cũ mèm nhưng được sạch gọn, ông lùi khỏi bãi đỗ xe đằng sau khu chung cư rồi rẽ phải, đi qua cái ngõ nhỏ có nhiều rác rến hai bên đường và những bờ tường đầy rẫy những hình graffiti cũ mới. Chỉ trong vài cú rẽ phải trái, ông nhanh chóng bỏ lại sau lưng khu dân cư xen lẫn với quán đồ ăn mặt đường, mấy tiệm cà phê san sát, mấy quán kem và phòng thể dục, mấy cái nhà thờ và một cái mosque nhỏ. Chẳng mấy chốc, xe ông hòa lẫn vào dòng người hối hả và đại lộ một linh một dẫn đến sân bay.

Radio tự động nhảy đài. Tin thể thao, quảng cáo, kênh ca nhạc, tôn giáo, salsa. Dừng lại ở đài NPR, phát thanh viên đang báo cáo dở tin quốc tế ngày. Buổi sáng hôm nay, chính phủ Israel phải cử đoàn luật sư đi bảo vệ danh tiếng của mình vì họ bị Nam Phi kiện ra tòa án quốc tế. Cuộc đối chất lên án ngày hôm qua của phía Nam Phi thì hầu như chẳng có kênh nào của mấy nước phương Tây chiếu cả. Ông Juan chỉ biết vì được nghe loáng thoáng ở phòng nghỉ chỗ làm, nơi mấy đồng nghiệp trẻ hơn cứ rù rì với nhau. Tổ nhân công ở sân bay LAX hầu như ai cũng biết thằng Jeremiah phòng an ninh hung hăng về phe nào. Hôm 7/10 năm ngoái, khi chiến tranh mới xảy ra, cả ngày đi làm nó cứ dính mắt vào điện thoại, nhắc mãi nhưng ai cũng ngại bảo nhau thôi kệ chắc nhà nó có hung tin. Ông thì biết thằng Jeremiah không có gia đình gì ở Israel. Chỉ có hồi đại học nó đăng ký tham gia cái chương trình gọi là Quyền Dòng Nòi do chính phủ Israel tài trợ. Ai ở nước nào cũng được, cứ gốc Do Thái thì được bao ăn ở chơi bời một chuyến sang thăm Tel Aviv hai tuần hay một tháng gì đó. Bởi thế, bọn thanh niên Mỹ trắng gốc Do Thái nhất là mấy đứa được đi đại học thì rất thường được mời chào. Đứa nào đứa nấy được cho đi chơi đi về đều thích Israel thương lắm thương vừa. Nhiều đứa sinh ra ở đây mà chuyển nhà sang đấy ở hẳn. Ông nghe kể chuyện thì không tưởng tượng được cảnh có chính phủ trả tiền cho đi chơi, du lịch, hay là cho quyền công dân đơn giản như vậy. Mấy đời nhà ông từ hồi cha mẹ làm nông phải đi cày thuê cuốc mướn, hay thời ông bà bị mất đất, hay khi có đường biên giới chạy thẳng qua lãnh thổ của dân tộc ông—Tohono O’odham— khiến ai cũng lao đao. Nhiều người phải chạy giấy tờ, ở lại đất trại thì bị chia lìa, trở thành người nhập cư thì lại lo dần dần cháu con mất gốc. Nhưng nghe cái viễn cảnh được bao bọc, được yên bình thì ai mà chẳng muốn. Thế mà ông Juan biết những cái ân huệ quốc gia đấy thì chẳng bao giờ đến lượt người Bản địa. Ông sống đủ lâu rồi, qua mấy chục đời tổng thống của bao nhiêu lần nước trên thế giới này, ai tranh cử cũng hứa xàm, mà quanh đi quẩn lại dân nghèo ở đâu cũng vẫn khổ, người lao động chân tay thì cứ thế mà làm, cứ hy vọng con cái lớn lên được đổi đời, được học hành. 

Nên khi ông mới nghe tin chiến tranh xảy ra, ông cũng không quan tâm. Ông không muốn biết nhiều, hay đi tụ tập nói chuyện chính trị chính em với anh em họ trong nhà, nhiều đứa đã quên hết tiếng dân tộc, con cháu trong nhà ở bên này thì tiếng Tây Ban Nha cũng còn bập bẹ. Mấy đứa trẻ hơn ông lái xe tải ngày này tháng nọ cho Amazon, chỉ tiêu khiển bằng âm nhạc, thể thao, chán lại nghe trên đài mấy kênh YouTube. Thân ai người lo, đứa nào cũng có cái nhìn nửa chán chường trong mắt, đứa nào cũng có người chúng nó phải lo cho, nên chẳng mấy khi có cơ hội để chia sẻ cái gì.

Nhưng Jeremiah thì ông biết là loại người nào. Ông cứ hay trốn mỗi khi đi ngang qua nó. Một đồng nghiệp khác, cô Chimène, cũng lại là thế hệ khác tại chỗ làm, thì lại đỡ thằng này giỏi lắm. Như là thầy bói, không hiểu sao cứ lần nào Jeremiah quàu quạu cái mặt là Chimène lại hiện ra, xởi lởi nói chuyện với mọi người. Ai cũng thở phào vì không phải đỡ nó, không phải đi quanh vỏ trứng mỗi lần thằng Jeremiah đá thúng đụng nia. Có lần, ông nghe lỏm được bí mật rằng thằng Jeremiah bị đá ném giữa mặt để lại sẹo trên trán to lắm nó phải che bằng mái. Cô Chimène hôm ấy tỉnh bơ nói, “ra trận đánh nhau ắt có sẹo mang về, chuyện đời là thế,” khiến thằng Jeremiah nhìn uất ức rồi gằn giọng:

“Cô thì làm sao mà hiểu được cái thương chấn mà người do Thái phải chịu. Chúng tôi bị ghét bỏ, xua đuổi hàng nghìn năm, bây giờ về được cố hương, để Phục Quốc thì cái gì chúng tôi cũng dám làm, bằng mọi giá.”

Ông Juan nhướng mày. Cô Chimène liếc thấy lông mày ông giơ cao giữa trán thì cười khảng khái, đôi môi nâu dày dặn hé lộ ra hàm răng trắng đều:

“Ở đâu thì biết ở đó, cái gì không phải việc của mình thì tớ không làm, thế thôi. Cậu thích đi theo lời chính phủ nước người kêu gọi đi lính là chuyện của cậu, tớ ở đây chả bao giờ nghĩ đến cái chuyện về Haiti để mà giúp ai, cái thân mình còn lo chưa xong.”

Ông Juan chỉ nghe đến đấy rồi lên lén rời khỏi phòng nghỉ nên không biết kết cục hay mở đầu cuộc đối thoại là gì, chỉ biết từ đó về sau hai người chỉ có thể cứ giả lả với nhau. Jeremiah thì cau có ra mặt còn cô Chimène thì cứ vui vẻ vậy thôi. Những luồng suy nghĩ cứ kéo đến như mây đen trong đầu; đại lộ mỗi lúc một chật ních người. Ai cũng ì ạch di chuyển từ từ trong giờ cao điểm. Khi mặt trời hưởng nắng lúc 7 giờ rồi thì luồng không khí lạnh của đêm qua nhanh chóng được thay thế bởi hơi nóng bụi đường.

* * *

“Meo-----”

Đang hơi mệt mỏi, đột nhiên ông Juan nghe tiếng mèo. Hôm nay ông ngồi trực kiểm tra boarding pass của hành khách, cái việc làm vừa tỉ mẩn vừa qua loa khiến người ta buồn ngủ phát khiếp. Nén một cái ngáp dài trong mồm, ngẩng lên ông thấy một người nữ châu Á đeo kính râm, khẩu trang xanh lá, tay xách nách mang một cái ba lô hồng căng cứng, mặc cái áo khoác in hoa tông màu hồng cam, quần thể thao ống vảy màu xanh lá đậm, quanh bụng còn cột một cái áo hoodie màu vàng chói lọi, tay cầm túi màu ghi trong đó có tiếng mèo kêu than. Bộ dạng kích rích cập rập của cô này khiến ông phải bặm môi nén cười. Ông hơi muốn xem mèo, nhưng cảm thấy được Chimène đang đứng sau băng chuyền lườm nguýt nên liền tự cười rồi thôi. Người nữ tới gần. Ông tranh thủ soi kỹ. Cô này mập mạp trắng trẻo, nhìn dáng dân nhập cư. Người châu Á ở LA ông gặp nhiều lắm rồi, giàu có xa hoa cũng có, nhớn nhác lao xao như mấy bà dì ông biết cũng có. Ông gặp người Philippines sang đây từng đoàn, hay là học sinh sinh viên người Hàn, Trung Quốc. Không cần hỏi, người khách nữ đưa cho ông cái boarding pass gập đôi rồi tự động kéo mặt nạ xuống cho ông kiểm tra. Ông liếc sơ qua cái tên thì họ Nguyễn nhận ra là người Việt. Vợ ông hồi trước khi bị trục xuất chơi với một bà tên là Huệ thợ móng ở Santa Ana, cô này là dân tị nạn sang đây từ hồi 40 năm trước. 

“Cô có mèo đấy à?” Ông quyết định hỏi, đon đả. 

“Vâng, tôi có mèo.” Giọng người nữ vang lên, giọng châu Á nhưng ông vẫn nghe được. Cô ta có vẻ muốn mở túi ra cho ông xem mèo nhưng vì cái ba lô to đằng sau to quá, rút cục chỉ nâng túi lên tầm ngay vai rồi chỉ vào trong. Ông nheo mắt cũng không thấy gì, cười thầm vì biết chắc cô này cũng có mèo đen giống mình, nó biến mất trong bóng tối và lớp lưới màu đen sin sít. Ông trả lại chị ta cái pass gấp đôi rồi chỉ đường vào chỗ kiểm tra hành lý và rà soát người. Ông dỏng tai lên nghe thấy cô kia nói với chị Chimène là muốn được kiểm tra riêng vì có mèo. Chimène giọng lanh lảnh đằng sau trả lời được chứ, rồi nhìn ông ngoắc ngoắc cái đầu. Ông quay lại bắt gặp ánh mắt vui vẻ của Chimène liền nhanh chóng tụt khỏi ghế, bảo ngay con bé Sonny thay ca để ông đưa khách vào phòng riêng khám mèo. 

Đằng sau ông, cô khách hỏi Chimène:

“Có cần áo khoác để scan không?” 

Chimène lại vui vẻ trả lời: 

“Nếu được là tốt nhất.”

Ông lục tục mở cửa đi vào phía sau cửa bóng chuyền vừa kịp lúc thấy hành khách kia cô cởi áo khoác hồng và cái áo hoodie vàng, để lộ ra một cái áo Tshirt có biểu tượng nắm đấm giơ lên với màu đen đỏ xanh giữa nền áo trắng, bao quanh là dòng chữ Free Palestine, Free Gaza. Không ai nói gì nhưng ông biết mấy thằng bạn của Jeremiah lặng người đi một chút. Thôi thế là xong, ông tiếc rẻ bước ra gần cửa ra soát để nói nốt mấy câu. Đừng hòng ông được vào phòng riêng. 

“Đứng đợi ở đây này,” ông nói với ra cho người khách, chỉ vào khoảng trống cạnh cửa soi. “Mèo cô tên gì?”

“Lenina…” người khách nói, hơi dè dặt.

“À thế đặt tên người à?”

Một bà khách khác đột nhiên chen vào, xuýt xoa:

“Aw! Lenina!”

“Ông có mèo à? Mèo tên gì?” Cô khách hỏi lại. 

“Tôi có,” ông cười chữa ngượng, “tên là Catten.” Người khách cười sảng khoái:

“Cat cộng Kitten, Catten, tên hay thế còn gì.” Trong lúc cười đáp lại, đằng cuối mắt ông liền thấy ngay thằng John hẳn đã đi gọi Jeremiah. Từ xa xa, nó đang hùng hổ tiến về nơi ông đang đứng. Ông thở dài rồi bỏ về chỗ ngồi, hy vọng sẽ không có gì rắc rối quá xảy ra. Thằng Jeremiah cái mặt căng như dây đàn, đanh lại, nó đứng không nói không rằng chỉ ngoắc ngoắc tay tới phía người khách Việt. Cô ta đứng thẳng, tay cầm túi mèo, hình in trên áo rõ ràng dễ đọc. Cô ta hất hàm lại Jeremiah mấy lần trước khi nhận ra nó đang nói chuyện với mình. Chimène lẳng lặng bước lại cổng soi và đứng ngay cạnh đó.

3. Jeremiah hầm hầm chạy với lại cửa an ninh sau khi nghe John gọi điện bảo là có một đứa ủng hộ khủng bố đang protest bằng áo sơ mi. Nắm chặt tay thành quả đấm, hắn không thể tin được là giữa thanh thiên bạch nhật bao nhiêu ngày chính là cái này hôm nay hắn lại phải đối đãi loại người muốn làm kẻ thù của hắn. Sáng nay, hắn đã thức từ ba giờ sáng để mà nghe ba tiếng cuộc biện hộ của chính phủ dân hắn tại phiên tòa ở Hague nơi cả thế giới đang bủa vây và lên án cộng đồng, quốc gia của hắn. Bọn chúng bêu riếu nước hắn, nào là diệt chủng, nào là phân biệt chủng tộc, nào là chế độ quân trị. Cảm giác vừa đau xót và uất nghẹn, hắn đến giờ vẫn không hiểu tại sao không ai chịu thừa nhận sự khốc liệt của cuộc Holocaust tàn sát người như hắn. Tuy không thực hành đạo và nói tiếng Hebrew cũng vừa phải thôi, Jeremiah từ khi lên đại học và được biết nguồn gốc của mình, hắn đã tự coi mình là người bảo vệ cho sự an toàn của người Do Thái. Ngày xưa dân hắn yếu đuối bị mấy thằng phát xít hành hình, chứ bây giờ đã có đất nước, có chính phủ tôn giáo dân tộc rồi, thì mọi chuyện sẽ khác hẳn. Tất cả những kẻ khước từ lịch sử, ủng hộ bọn khủng bố Ả Rập và cái cách chúng giết chóc tại mấy khu công xã nông nghiệp gần biên giới Gaza thật không thể tha thứ. Hắn ước gì hắn đủ tự tin để nhập ngũ trở lại sau khi đã đi quân sự hai năm khi chính phủ Israel kêu gọi. Nếu vậy thì giờ này hắn đã không phải ở đây mà chống đỡ cái sự tấn công đê hèn này. Nhân dân tao đang bị tấn công dồn dập trên mọi phương diện, lũ Ả rập thì cứ hô hào “Từ đầu sông về cuối biển, Palestine sẽ được tự do,” chẳng khác nào kêu gọi cho sự diệt chủng, thanh trừng người do Thái như ngàn năm vẫn thế. Lũ bài Do Thái thì chết bớt đi. Chúng nên biết thân biết phận mà di trú sang các nước Ả rập, để đất thánh lại cho người của hắn.

Đã hơn năm năm rồi mà Jeremiah vẫn không thể quên được sự ghét bỏ và thù hằn hắn phải chứng kiến khi làm lính bộ binh ở Bờ Tây. Trẻ con, cả gái lẫn trai, 8,9 tuổi thôi mà cứ tụ tập lêu lổng ngoài đường, thấy lính đi ngang qua là ném đá. Mấy hòn đá vừa sắc vừa to, mỗi lần trúng vào xe Jeep cứ đập thình thình, lắm lúc xước sơn một đường rõ dài. Lũ quỷ này thì trốn ở khắp mọi nơi. Nhiều lúc đang đi tuần trên đường mà chúng nó cứ sẩn sổ vào gây chuyện. Súng thì cầm trong tay, nhiều lúc chỉ muốn bắn bỏ mẹ cho xong.

Hắn đã nghĩ, trẻ con rồi sẽ hiểu, nên hắn đối đãi tử tế với chúng hơn nhiều so với mấy thằng lính Ashkenazi sinh ra bên đấy. Thế mà rồi có một đứa con gái, trông mặt mũi cũng trắng trẻo xinh xắn lại còn tóc vàng, khá khẩm hơn hẳn bọn trẻ con Ả rập bình thường, ném hòn đá trúng giữa trán giờ vẫn để lại vết sẹo dài. Hắn thì bất tỉnh còn mấy thằng đồng đội thì vừa cười vừa lay hắn. Khi tỉnh lại, thằng tiểu đội trưởng Yunov đầu trọc lóc mắt nhọn hoắt đang lên đạn khẩu M16 bảo:

“Mày là công dân Mỹ, mày có muốn bắt cả nhà nó không?” Yunov khụt khịt mũi. Hắn ngơ ngác; con bé ném đá thì gào thất thanh bởi ba thằng lính khác đã bắt nó mang đi. Thẳng Yunov cười khằng khặc rồi bảo hắn:

“Xem mà học tập nhé.”

Nói rồi nó bắn xối xả vào hai vệ đường. Bọn trẻ con ré lên rồi ù té chạy, có đứa trúng đạn ngã ra đất kêu thảm thiết, mấy đứa khác nằm rạp xuống đường bò lại để cứu bạn. Yunov bắn tiếp, mắt nó lạc thần. Jeremiah sợ rùng mình, trên đầu máu vẫn chảy, khi Yunov dí sát mặt hắn, thì thào:

“Mày đã hiểu chưa? Bọn này là phải giết từ trong trứng nước. Phải bóp chết cái thói ném đá giết người. Chúng nó ghét người Do Thái lắm, cả cái vùng này.” 

Dòng suy tư bị cắt ngang khi Jeremiah đến cửa soi ở cổng an ninh. Trước mặt hắn, một ả đeo mặt nạ kín kẽ như lũ Kungflu. Ả ta mặc trên mình cái áo đáng xấu hổ, bài Do Thái, kêu gọi diệt chủng. Không che tóc thì chắc không phải là mấy con Hồi giáo châu Á. Thế thì hẳn là bị tẩy não bởi bọn woke bên này. Cái đất nước này ngu muội kinh khủng. Hắn cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể, nếu đây không phải là chỗ làm thì con mẹ kia sẽ được biết hắn nghĩ gì ngay. Hầm hầm tiến lại gần cửa soi, mắt nhìn trừng trừng vào ả, hắn ngoắc ngoắc tay để ả tiến lại gần. Như thể thách thức, ả ta vừa đeo kính râm vừa đeo mặt nạ cứ vui vẻ nói chuyện với người khác mà không để ý gì tới hắn. Hắn ngoắc tay lần thứ hai, mắt vẫn nhìn trừng trừng. Con ả đã có vẻ chú ý, quay lại phía hắn, nhưng thay vì đi tới, ả lại hất hàm mà không nói gì. Hắn giữ im lặng. Ả hất hàm tiếp, rồi hỏi lại:

“Đi về phía đấy à?”


Hắn gật đầu, cơn giận đầy đầu. Hắn cố giữ bình tĩnh, nói như thì thầm:

“Tôi sẽ giữ túi mèo cho bà, bà đi qua cổng soi đi.”

Ả ta đưa túi cho hắn rồi cứ thế thản nhiên bước vào cổng soi. Cái áo ả mặc như cái gai trong mắt; ả còn giương tay ưỡn ngực không một chút ngại ngần. Hắn thấy một vài ánh mắt tò mò của đồng nghiệp liếc nhìn hắn rồi liếc nhìn ả. Thằng John với bà Julie chuyên scan khách thì biết chuyện, chỉ có con mụ da đen Chimène thì hắn biết chắc là sẽ không để hắn yên thân mà đối đãi con châu Á kia. Hắn cứ nhìn mãi vào cái áo nó mặc, trong lòng dấy lên cơn giận không thể nuốt trôi.

4. Chimène biết ngay. Vừa nhác thấy chị khách xách cái túi mèo theo là chú Juan thể nào cũng ham chơi. Đồng nghiệp tại sảnh 1 của sân bay LAX thì chỉ có cô với chú Juan là câu lạc bộ bố mẹ mèo. Ở nhà cô có hẳn hai con, một con tabby màu cam nghịch như quỷ, và một con lông ngắn mặt bẹt, tai ngơ ngác yêu không chịu nổi. Cô nhấm nháy với chú Juan đang nhấp nhổm trên ghế kiểm tra boarding pass. Thể nào con Sonny cũng bị triệu hồi để ngồi thay cho xem. Lúc Sonny lạch tạch chạy lại, chân ngắn rõ khổ, cô tự ghi chú sự đúng của bản thân. Chimène cái gì cũng biết và lại đúng nữa rồi! Chị khách phía trước mặt ì ạch bỏ túi lên khay, cả giày, cả thắt lưng, cả áo hoodie. Tướng chậm chạp thường thì sẽ gây ùn tắc, nhưng bây giờ chẳng có mấy khách vì 2 tiếng nữa mới tới chuyến bay. Chimène rất ưng khách khứa biết điều thế này. Bay LAX thì phải đi sớm, còn mang cả mèo nữa thì lại càng nên cẩn thận không cuống quít, bọn mèo nó bị bất an.  Sau khi đã bỏ hết đồ lên băng chuyền, chị ta hỏi có cần cởi áo khoác. Chị ta đeo mặt nạ nên hơi khó nghe, nhưng cô vẫn hiểu.

“Nếu được thì tốt.” Cô nhoẻn cười thân thiện với chị khách.

Cô lại quay sang nhấm nháy với chú Juan. Đột nhiên cô thấy không khí hơi đặc lại trong khoảng vài giây, trước khi mọi âm thanh dè dặt quay trở lại với bình thường. Cô quay sang kịp thấy chị khách đã bỏ áo vào khay trên băng chuyền, và mặc trên mình một cái áo Tshirt có thông điệp phản kháng. Đánh mắt sang trái, cô thấy ngay thằng John đã nhắn tin chiu chíu còn bà Julie thì đã đảo mắt muốn lộn cả tròng. Chimène nhún vai, thôi thì hôm nay lại phải đỡ cậu Jeremiah thôi. Cái cậu này tính khí thất thường, cứ nổi giận là không che giấu được, đúng kiểu mấy thằng đi lính về không chịu đi bác sĩ tâm lý chỉ ở nhà tự chữa bằng rượu với cần. 

Chimène còn lạ gì mấy ông cựu chiến binh. Đi lính mà chẳng may phải ra tiền tuyến hay phải đánh trận thì về nhà chẳng ông nào bình thường cả. Mà đi lính kiểu thằng Jeremiah thì đúng kiểu nhập băng đảng, vì cô biết thừa bọn lính Israel là kiểu lực lượng đô hộ thực dân. Cái thông tin lịch sử thế này người Mỹ chẳng mấy ai biết, vì cái nền giáo dục vớ vẩn phân biệt chủng tộc của nước này. Chế độ ngu dân thì phải gọi là kinh khủng. Chủ nghĩa tiêu dùng và đam mê ngôi sao làm cho đầu óc họ mụ đi, phát chán cả người. Nhất là mấy cậu ranh con như Jeremiah, chuyên bị đội phục quốc dụ dỗ, mua chuộc bằng mấy lời nói dối và một chuyến tham quan, thế là tự dưng hiến mấy năm thanh xuân đi lính cho nước người ta. Người đến từ Haiti thì đừng hòng! Sống đang yên đang lành không biết hưởng lại còn đi tìm chiến trận mà lao vào.

Sinh ra sau vụ ám sát lật đổ chính quyền hồi năm 1991, Chimène được gia đình đưa sang LA tị nạn năm 94. Lớn lên với những câu chuyện kể của người mẹ luôn mơ tưởng về lịch sử hào hùng của Haiti, đất nước người da đen làm chủ đầu tiên đã bãi bỏ chế độ nô lệ và đánh đuổi quân Pháp khỏi bờ cõi, rồi những lần Mỹ tìm cách lấn áp kinh tế chính trị, Chimène đã học được rất nhiều về sự bạo tàn và phản trắc của đế chế Mỹ và bầy đoàn thê tử các quốc gia bị Mỹ chi phối. Ở LA, các nhóm hoạt động chính trị nhiều vô kể. Cô lúc nào cũng có nơi để cập nhật thông tin cấp tiến, bởi vậy chẳng hề xa lạ gì với câu chuyện xảy ra ở Palestine. 

Dân Châu Âu nó bày trò đô hộ Palestine rồi nó bảo để rửa nhục cho nạn nhân Holocaust, nhưng mấy thằng Phục quốc Do Thái toàn mấy thằng nhà giàu có điều kiện ở đẩu ở đâu toàn Ba Lan với Nga, từ cuối thế kỉ 19 đã muốn lập nhà nước tôn giáo sắc tộc Do Thái rồi mà. Hội này cầu thân với thực dân Anh rồi lập mưu dựng nước, bắt đầu tổng nhập cư từ hồi những năm 1910, trước Holocaust cả 3 thập kỉ. Năm 1948 để dựng nước nó đánh giết đuổi gần ¾ triệu dân lành Palestine đi thành tị nạn cấm không về, cướp nhà cướp của, phá làng giết hiếp. Cái lịch sử đấy nó rành rành ra, không biết thì Gu gồ miễn phí, ấy thế mà ai hỏi cũng lơ mơ. Người Mỹ quen bị nghe thông tin dối giá quen rồi, đất nước này nó nói điêu từ nóc xuống sàn, cứ để có chiến tranh xảy ra là đài báo lại lôm xôm in ấn bài viết theo lệnh cấp trên hết. Thế mà họ vẫn nghĩ là họ tự do.

Chú Juan chạy lại chỗ cô vừa kịp nhìn thấy cái áo. Chimène hất đầu về phía John để báo hiệu, thấy chú Juan thở dài thườn thượt cô đang hơi căng thẳng cũng phải bật cười. Ông chú người Bản địa tộc Tohono O’odham có vợ bị trục xuất, phải thuê luật sư chạy chọt mấy năm liền, nên chỉ có mèo làm bạn. Mỗi lần khách mang mèo đi soi riêng là ông chú lại hớn hở sán vào. 

“Thằng Jeremiah chuẩn bị tới là cái chắc,” Chimène nói không thành tiếng, chỉ khớp miệng. Chú Juan nhăn mũi để trả lời rồi quay sang hỏi chuyện mèo với chị khách. Chimène tranh thủ nhìn kỹ hơn cái áo, rồi tự gật gù. Mấy hôm trước nhóm If Not Now, tổ chức người Do Thái chống chủ nghĩa phục quốc ở LA, đã tổ chức biểu tình chặn giao thông tới sân bay mất một ngày. Cô hôm ấy được thư giãn cũng thích, nhưng bấy lâu cũng không thấy nhiều hành khách biểu tình bằng áo Tshirt. Nhoằng một cái, Jeremiah xuất hiện và hầm hầm tiến tới cổng soi. Chú Juan buồn bã đi về chỗ, còn Chimène thì hít một hơi dài để chuẩn bị đỡ thiên lôi.

Jeremiah cầm lấy cái túi mèo, không nói không rằng đi phăm phăm ra phía trước. Chị khách lơn tơn chạy theo, hơi bối rối, vì cậu kia chẳng giải thích gì cả. Ngúng nguẩy lắm. Chimène chỉ đi theo sau, không nói gì. Lúc vào đến phòng riêng, cô lựa chỗ đứng ngay gần Jeremiah, tướng cao lớn áp đảo cậu này, may ra thì đánh lạc hướng để khách không nhận ra thái độ thù hằn của cậu. May mắn sao, người khách có vẻ không chú ý. Chị ta mải bế mèo ra khỏi giỏ nên không nhìn thấy đôi mắt hình viên đạn mà Jeremiah cứ trương lên, hăm doạ. Thế rồi Chimène thấy chị khách nhìn thẳng vào mắt Jeremiah mà cảm ơn nhiệt tình. Cặp kính râm giờ đang ngự trên đỉnh đầu, giờ mới thấy rõ đôi mắt chị ta nghênh nghênh không một nét cười dù miệng vẫn mỉm chi lịch sự. Cô nhướng mày, đợi Jeremiah rời đi với cái túi đựng mèo. Hy vọng nó không phát rồ lên xong bỏ cái gì bất hảo vào túi để gây khó dễ cho chị này.

Jeremiah vừa đi khỏi, Chimène mới liền lùi gần đến bờ tường, dựa vào rồi bắt chuyện:

“Mèo nhà chị xinh quá. Mấy tuổi rồi?” 

“Già lắm rồi!” Chị khách ôm con mèo đen lông dài như bế con, cưng nựng. Con mèo đen mắt vàng dưỡn dẹo, có vẻ muốn trốn vào góc nhà. “12 tuổi là thành tuổi bà già rồi.”

“Nhà em cũng có mèo. Em thích mèo lắm, bọn nó thông minh lại có cá tính riêng.”

“Người thích mèo ai cũng bảo thế.” Chị khách đáp, tay vẫn vuốt ve mèo. 

Chimène nghĩ có khi nào chị khách sẽ tìm cách hỏi tại sao Jeremiah lại cư xử thô lỗ, trong đầu đang tìm cách bịa ra một cái lý do. Cô không biết nên phải nói gì, nói về sự nam tính độc ác cùng cái xuẩn ngốc và bạo lực của bọn đàn ông con trai sinh ra và lớn lên dưới tư bản da trắng thượng đẳng? Việc những kẻ ác bá thường tin mình là nạn nhân khi chỉ gặp chuyện không may một hai lần? Có phải giải thích về sự ngu muội tín giáo bởi lắng nghe những thánh chúa giả vờ? Hay là quấy quá mà bảo nó hay bị đau dạ dày? Chimène nghĩ mông lung, còn cuộc đối thoại thì quẩn quanh con mèo. Cô thấy sự chọn lọc ấy cũng dễ chịu. Dù, thực ra cô cũng hy vọng chị khách sẽ tìm cách nói về Palestine một chút. Có khi nào chị ta mặc đồ mà không biết áo mình in cái gì? 

Ý nghĩ chưa kịp đi xa, Jeremiah đã trở về với cái túi. Không nín thở, Chimène chỉ cầu trời rằng Jeremiah không bỏ đồ bất hảo gì vào túi.

5. Chị Tân chậm rãi nhận ra rằng khi cởi áo khoác, cái Tshirt chị mặc lót này sẽ lộ ra. Chuyện rằng thông điệp trên áo sẽ được trưng bày chị không hề nghĩ đến. Cái áo này một người lạ cho chị hồi tháng Mười một năm ngoái, khi chị vẫn ở miền Trung Tây và tuần nào cũng đi dự một cuộc biểu tình. Ngày hôm ấy, chị dắt mấy đứa sinh viên trong lớp ra trụ sở chính phủ bang, vừa để tạo mối liên kết với sinh viên, vừa cho đỡ nặng nề. Không phải là đi đâu cũng mặc, nhưng chị cũng hay mặc nó trong nhà và dưới các lớp quần áo khác, một dạng ru lòng trong tiềm thức.

 

Trước mùng 7/10, chị tuy biết về Palestine—chị có vài người bạn làm hoạt động xã hội ở miền Nam Cali đã từng giải thích cho chị nghe nhiều năm về trước—nhưng vẫn chưa đủ để thông hiểu. Hai tuần kể từ ngày định mệnh, chị chong mắt xuyên đêm nằm xem những thước phim được upload từ dải Gaza bởi những người trẻ tuổi đột nhiên trở thành phóng viên chiến tranh qua đêm. Khi những hình ảnh đầu tiên về dội bom trải thảm xuất hiện, chị không còn một câu hỏi nào phải đặt ra. Chắc là trong gene hay là DNA chị đã thừa hưởng tất cả mọi nỗi sợ của mẹ chị lúc còn là một con bé 8 tuổi phải ngồi chờ bom qua dưới cái hầm bé tẹo hàng tiếng đồng hồ. Mẹ chị không bao giờ kể nhiều, chỉ có khi nào mỗi lần đi qua Khâm Thiên lại nói loáng thoáng rằng ngày xưa Mỹ muốn bom mình thành thời đồ đá, họ thề nguyền như vậy. Ôi sự bạo tàn của quân đế chế.

Thì đúng là chị cũng đã sốt ruột suốt kì nghỉ đông này ở LA rằng chỉ có mỗi hai cuộc biểu tình khá ngắn chị tham gia. Nhưng thú thực, chị không hề tính toán đến việc đến giữa sân bay mà thể hiện. Đúng là số. Chị cởi toẹt cái áo khoác hồng hoa bỏ lên khay và nhìn nó trôi lặc lè qua máy soi. Chị thoáng tưởng tượng rằng mọi người xung quanh lịm đi đôi chút—nhưng cũng có thể chị lo hão. Mỗi lần lo lắng vậy, chị lại cảm giác mình hơi hèn hạ. Những người Palestine hay Hồi giáo đeo keffiyeh đã bị dân theo phe lập quốc quấy rối, tấn công. Bởi vì chị không phải người xứ họ, nên làm gì thì người xung quanh cũng sẽ cẩn trọng hơn. Da sáng, người châu Á, lại còn có bằng cấp, tuỳ cơ ứng biến. Chị cũng có thể đóng vai bị bắt nạt rồi than khóc kêu ca; còn nếu không ăn thua thì chị sẽ giở bài đanh đá. Kiểu gì cũng chơi. Mày có thể đưa tao ra khỏi đất nước thế giới thứ ba, nhưng thế giới thứ ba sẽ nhất nhất còn trong chị. Chị đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi đứa nào hỏi là chị sẽ tuôn ra ngay một bài. Phải đả kích, chứ không bao giờ đi theo cái khuôn của nó. 

Nó mà nói, “mày ủng hộ khủng bố,” là phải bật lại ngay, “kháng chiến chống giặc ngoại xâm lúc nào cũng hợp tình hợp lý.” Xong cười duyên.

Nó mà nói, “Israel có quyền tự vệ,” thì bảo liền, “quân đô hộ lấy đâu ra quyền tự vệ!” Lại cười duyên.

Nó mà nói, “Hamas giết hiếp bạo tàn,” cái luận điệu bôi trá sai lệch không có một tí bằng chứng nào, thì chị sẽ nói, “lại đổ ngay lỗi cho Hamas đi cứ như thể một thế kỉ trước không tồn tại! Tao không phải mới sinh hôm qua!” Nói xong nhoẻn miệng.

Nó mà nói, “mày ghét bỏ người Do Thái,” thì chị sẽ gào lên, “Đứa đéo nào cư xử như thế bố mày cũng ghét chúng mày tưởng chúng mày đặc biệt à?” Vừa gào phải vừa cười khúc khích.

Nó mà nói, “Mày là đứa chối bỏ lịch sử Holocaust,” thì chị sẽ dạy đời ngay, “Bọn Nazi giết tổng cộng 11 triệu người, có 6 triệu người Do Thái thôi còn lại mày biết ai không? Người đồng tính, người dị tật, và cộng sản. Đéo biết gì nói ít thôi.” Nghiêng đầu nhướng mắt mà cười.

Nó mà nói, “Mày muốn khước từ quyền tồn tại của chính phủ nhà nước Do Thái,” thì chị sẽ chốt lại, “nhà nước nào mà diệt chủng thì cũng xin để lụi tàn.” Tay phải vỗ nhẹ vào vai nó khi nói câu này.

Nói chung, thời buổi thế này cứ phải sẵn sàng. Mà chị nói thật chứ không điêu một chữ nào.  

Chị căng trán nghĩ trong lúc đối thoại với nhân viên sân bay, đưa túi mèo cho họ, và căng ngực giương tay qua cánh cổng soi. Chị đi chậm rãi, từ từ lấy đồ từ băng chuyền không vội vã. Đã mất công để lộ Tshirt rồi thì cứ để người ta đọc thông điệp thôi. Mà chẳng biết bao nhiêu người trong cái sân bay này quan tâm hay biết nữa. Có quá nhiều người chẳng có một tí ý thức gì.

Cái cậu nhân viên Mỹ trắng cầm túi mèo cho chị không nói không rằng cứ đi phăm phăm về phía trước. Chị loạng choạng đuổi theo sau, tí vấp vì tội chân ngắn. Bạn gái đứng ở băng chuyền ban nãy cũng đi theo. Khi vào đến phòng chờ, chị mở túi để bế Lenina ra. Khổ thân bà mèo già cau có, móng dựng hết cả lên bấu vào người chị muốn trốn đằng sau cái bàn to. Chị nhất quyết giữ chặt nó trong lòng, rồi cảm ơn cái cậu nhân viên không hiểu sao cứ nhìn chị trừng trừng xong nói năng thì lí nhí chẳng nghe được gì. Bạn gái băng chuyền đứng ngay bên cạnh, cao lừng lững đổ bóng rợp cả người cậu kia. Chị phải hơi ngước đầu lên mới thấy khuôn mặt cô này thì vui vẻ xởi lởi, cả buổi chỉ nói chuyện mèo. Chị đáp lời qua loa, vẫn còn suy nghĩ về ánh nhìn hằn học của cậu kia.

Khi cậu ta trở lại phòng, chị Tân vẫn tự hỏi liệu mình có quá nhạy cảm không. Đưa lại cái túi cho chị, cậu ta mặt vẫn hầm hầm như thế. Mắt tối đen, long sòng sọc, mồm mím chặt. Chị liền làm bộ giả lả, bắt chước mấy bà cô miền “Trung Tây tử tế”:

“Ôi cảm ơn hai bạn nhé, chắc hôm nào làm việc cũng vất vả mà lại dành thời gian nhiều thế cho tôi. Quý hoá quá.”

Như dự đoán, cô nhân viên thì cười thân thiện, còn cậu đấy thì một câu cảm ơn lịch sự cũng không giả vờ được. Chị cười nhăn nhở với cậu ta, vì rõ ràng là cậu này ghét chị mà không làm gì được. Màn biểu diễn này không đem lại cho chị niềm vui gì, nhưng ít nhất chị vẫn an toàn. 

* * *

Chị bước ra khỏi phòng chờ, ba lô nặng trĩu, tai nải mèo một bên vai. Phanh áo khoác ra, chị bắt đầu đi ngược về phía cầu thang máy. Từ đây, chị sẽ phải xuống cầu thang một tầng, lên xe buýt để chở sang sảnh bay Tom Bradley, rồi đi bộ tiếp thêm mấy chục cổng nữa thì mới tới cái cổng bé tí ở cuối sảnh. Chị đã rành cái địa đồ sân bay này lắm rồi. Thế là chị cứ đi từng bước một, chậm rãi, từ từ. Chị có hơn 1 tiếng rưỡi nữa ở cái sân bay này, và áo chị thì có một thông điệp. Bởi vậy, nếu có diễu một mình thì chị cũng hành.


End.


Bio: Ly Thuý Nguyễn (y/thị) kêu gọi các đồng nghiệp, người viết vẽ và nghệ sĩ sử dụng tiếng Việt hãy viết về/cho một Palestine tự do và một thế giới không hung ác.


Previous
Previous

Chứng đạo

Next
Next

Quận Buồn và chùm thơ